Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguồn lực nội sinh cho phát triển

(Baothanhhoa.vn) - Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội, mà còn là mục tiêu, nguồn lực nội sinh to lớn để phát triển đất nước. Bởi vậy, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN), tạo không khí phấn khởi, khích lệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa23/07/2025

Nguồn lực nội sinh cho phát triển

Tiết mục văn nghệ tại chương trình nghệ thuật “60 năm - Bản hùng ca Hàm Rồng”.

Cuối tháng 3/2025, Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa được tổ chức quy tụ gần 1.000 diễn viên, nghệ nhân, nhạc công tiêu biểu đến từ 22 đoàn nghệ thuật quần chúng tham gia, mang đến nhiều sắc thái văn hóa của các vùng miền xứ Thanh. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng sáo, tiếng khèn đậm hương sắc núi rừng của dân tộc Dao, Mông, Thái hay các trò diễn Xuân Phả, Pồn Pôông đến từ các huyện miền núi vang vọng, tỏa sáng như mời gọi du khách gần xa về với miền Tây xứ Thanh. Những âm thanh vọng về từ biển qua tiếng hát, điệu múa của các diễn viên, nhạc công đến từ vùng đồng bằng, ven biển mang đến cho liên hoan những cung bậc cảm xúc dạt dào, vừa mới, vừa lạ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách.

Sau Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa, chương trình nghệ thuật “60 năm - Bản hùng ca Hàm Rồng” đã đưa người dân trở về với Hàm Rồng một thời oanh liệt, và một Thanh Hóa, Hàm Rồng đang từng ngày vươn mình phát triển mạnh mẽ. Qua đó “truyền lửa” cách mạng, bồi đắp lòng tự hào, biết ơn đối với những giá trị lịch sử quý giá, giúp các tầng lớp Nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ và tô thắm thêm truyền thống lịch sử, cách mạng vẻ vang của vùng đất xứ Thanh anh hùng.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều chương trình VHVN ấn tượng, đặc sắc được các cấp, các ngành trong tỉnh phối hợp tổ chức từ đầu năm đến nay. Để cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác VHVN, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Năm 2025 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, vì thế các cấp, các ngành đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động VHVN quy mô lớn như chương trình nghệ thuật “Chào xuân Ất Tỵ”, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 60 năm Hàm Rồng chiến thắng, chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Nghi Sơn, Hải Tiến... để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và du khách khi đến với xứ Thanh.

Phong trào văn nghệ quần chúng được quan tâm tổ chức thường xuyên. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức và tham gia nhiều hoạt động VHVN như giao lưu nghệ thuật, hội thi, hội diễn... Các đợt phim, tuần phim tuyên truyền nhiệm vụ chính trị hay các ngày kỷ niệm lớn cũng được tổ chức thường xuyên để phục vụ Nhân dân. Các hoạt động văn hóa trong lễ hội được tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để phát triển cũng được chú trọng thực hiện từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng dân cư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố kiểu mẫu”... lan tỏa rộng rãi. Các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện theo nếp sống mới với 100% số thôn, bản, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước phù hợp thuần phong mỹ tục của địa phương.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa xứ Thanh được quan tâm thực hiện toàn diện, đồng bộ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã hướng dẫn các đơn vị triển khai kế hoạch tham gia ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; tiếp tục triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa”, đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021-2030”... Các lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ của các dân tộc trong tỉnh, nhất là các lễ hội và trò diễn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tiếp tục được quan tâm phục dựng.

Hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh phối hợp với các ngành, các địa phương tổ chức cho văn, nghệ sĩ thâm nhập thực tế, sáng tác nhiều tác phẩm phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội. Nhiều tác phẩm có chất lượng cao, phản ánh vẻ đẹp của đất và người xứ Thanh đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và khơi dậy niềm tự hào, khát vọng vươn lên, xây dựng văn hóa, con người xứ Thanh đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Các hoạt động VHVN được tổ chức sôi nổi, rộng khắp đã góp phần nâng cao đời sống và nhu cầu thụ hưởng văn hóa của Nhân dân, đồng thời ngăn chặn, phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Bài và ảnh: Minh Khôi

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nguon-luc-noi-sinh-cho-phat-trien-255789.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm