Trong “Đêm thơ Mùa thu” chào mừng thành công của hội nghị, nhà thơ Thanh Thảo ở độ tuổi 78 “xưa nay hiếm”, đi lại rất khó khăn vì chân bị gẫy và bệnh tật đeo đẳng, nhưng vẫn lên đọc thơ. Tôi phải dìu ông từng bước một, từ cuối hội trường lên sân khấu. Đêm ấy, ông đọc bài thơ ca ngợi tình hữu nghị với Việt Nam của thượng nghị sĩ John McCain (cựu phi công Mỹ bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch, Hà Nội năm 1967), người sau này có công rất lớn trong việc thúc đẩy xóa bỏ toàn bộ lệnh cấm vận của Mỹ nhằm vào Việt Nam, và tiến tới bình thường hóa quan hệ hai bên để mới đây, trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình”.
|
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến dìu nhà thơ Thanh Thảo (bên phải) lên đọc thơ trong "Đêm thơ Mùa thu" ở Hải Phòng. |
Tôi chợt nhớ tới bài thơ của Thanh Thảo cũng viết về những cựu phi công hai nước sau chiến tranh. Trong bài thơ này, nhà thơ kể chuyện về anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy, người từng bắn rơi 7 máy bay các loại của Mỹ. Thanh Thảo nhấn mạnh cái chi tiết, sau chiến tranh, các cựu binh phi công hai phía ngày xưa từng đối mặt sinh tử trên bầu trời, nay gặp nhau lại trở thành bạn bè tâm tình và ông Bảy nói với họ:“Nếu bay nữa có khi tôi chết/ hoặc thêm mấy bạn phi công Mỹ không còn trên cõi đời/ cuộc chiến tranh buồn quá đi thôi/ vì chúng ta sinh ra để là bạn tâm giao/ mà phải đi qua cửa những cựu thù”. Câu chuyện giản dị, có hậu và thật cảm động về tình người sau chiến tranh.
“NHƯNG AI CŨNG TIẾC TUỔI HAI MƯƠI THÌ CÒN CHI TỔ QUỐC?”
Năm 1969, Thanh Thảo sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông đã vào công tác ở chiến trường miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước với tư cách là người lính và nhà báo. Với 17 trường ca và hàng chục tập thơ, bút ký, tiểu luận văn học đã in trong nửa thế kỷ qua, nhà thơ Thanh Thảo được bạn bè văn chương đặt cho cái nghệ danh là ông “Vua trường ca” của thi ca đương đại Việt Nam. Nhưng có một điều khá hay, Thanh Thảo vẫn là một nhà thơ lớn của những bài thơ nhỏ rất đặc sắc, hiện đại và đáng chú ý. Ông đã được trao nhiều giải thưởng văn học giá trị của Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 năm 2001.
Trong trường ca “Những người đi tới biển”, một câu thơ nổi tiếng của Thanh Thảo viết về người lính đã “nằm lòng” mấy thế hệ trận mạc như một câu hỏi lớn:
Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình
(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?
Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...
Còn nữa, trong bài thơ “Dấu chân qua trảng cỏ” viết trên đường vào chiến trường B2- Đông Nam Bộ, Thanh Thảo đã có những câu thơ thật ấm áp và xúc động:
Mang bao khát vọng con người
Dấu chân nho nhỏ không lời không tên
Thời gian như cỏ vượt lên/ Lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua.
Ai đi gần, ai đi xa
Những gì gợi lại chỉ là dấu chân
Vùi trong trảng cỏ thời gian
Vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta
Vẫn đằm hơi ấm thiết tha.
Cho người sau biết đường ra chiến trường...
Tôi đọc trường ca Metro (Tập trường ca thứ 9) của Thanh Thảo, và thấy ông đã làm một cuộc hành trình trở lại với quãng thời gian trai trẻ trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt ở Trường Sơn với một cái nhìn có độ lùi sâu hơn và chiêm nghiệm hơn về số phận con người và đất nước: “Tôi đi qua con đường ấy chỉ một lần/ có thể yêu nhiều nhưng chỉ một lần/ có một lần phiền người khác phải khiêng mình trèo đèo tụt dốc/ sốt rét nhiều lần nhưng có một lần đầu/ sinh nhật 63 lần nhớ một lần/ và con đường ấy chỉ một/ tôi được gì không?chẳng được gì/ hàng triệu người đi qua con đường này cũng thế/ có những cái mất là được/ có nhiều cái được mất nhiều hơn/ có sự yên lặng tuyệt đối nào bằng những ngôi mộ giữa Trường Sơn/ năm mươi năm một trăm năm và hơn thế/ những người lính mười tám tuổi/ nằm giữa những khu rừng triệu năm/ những khu rừng biệt tăm/ không cuộc tìm kiếm nào tới được”.
Thanh Thảo đã mở đầu tập trường ca của mình bằng những câu thơ lặng lẽ thấm thía và xót đau như vậy. Ngay ở chặng ga đầu tiên của Metro, hình ảnh những người lính trong “chuyến tàu trận mạc” đã vĩnh viễn nằm lại dưới một Trường Sơn đại ngàn lại nhắc nhở chúng ta về những năm tháng thương đau ấy. Những người lính trẻ đã đi vào chiến tranh, đi vào cái chết với một chân dung hồn nhiên và trong trẻo nhất của thế hệ mình:
“không ai đủ sức trả lời/ dù còn cả cuộc đời trước mặt/ năm 26 tuổi tôi “thử hỏi về hạnh phúc”/ với những hồn nhiên trong trẻo nhất/ nhưng hạnh phúc là gì tôi không biết/ là cái bóng của lặng im/là cái bóng của cái cái bóng cây bằng lăng cây bồ đề/ nửa đêm chợt thức giữa rừng già/ một tiếng gì khẽ rơi/ hạnh phúc”.
Câu hỏi về hạnh phúc trong những năm tháng ấy mãi mãi nằm lại với tuổi trẻ của những người đã lặng lẽ dâng hiến máu xương mình trong cuộc chiến tranh giải phóng: “Nhưng hạnh phúc là gì? câu hỏi này của chị Dương Thị Xuân Quý/ người hỏi không thể tự trả lời/ vì chuông đã rung/ hết giờ”. Một câu hỏi chưa có lời đáp cứ cứa mãi vào tâm khảm những người còn sống hôm nay.
Cũng tha thiết và xa xót như thế, hình ảnh những người con gái ở Trường Sơn những năm tháng ấy cứ cồn cào, thao thức dưới những mạch ngầm trong hành trình của Metro qua từng sân ga: “những cô gái ngày ấy thường chân ngắn/ có lẽ họ leo dốc nhiều quá/ mang ba lô lâu quá/ gùi cõng gạo nặng quá/ nếu tôi nói những cô gái ngày ấy đẹp hơn những cô gái 8x 9x chân dài/ nhiều người sẽ không tin tôi/ có lắm sự thật/ bao cách nhìn/ Trường Sơn chỉ một”. Và ở một chặng ga sau, những cô gái thanh niên xung phong đã gửi lại tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình ở chiến trường giờ lại trở về với nỗi đau đời thường không dễ gì chia sẻ: “Chúng ta đã qua ga nào nhỉ? em gái thanh niên xung phong bức thư viết vội: Mai em lên đường chúc anh nhiều may mắn/ có thể là anh may mắn hơn em/ những cô gái sau này xuống tóc/ những cô gái gõ mõ chuông lương vương khói hương trong trường ca Phạm Tiến Duật/ họ đi từ cửa rừng tới cửa Phật/ xin một chút an bình/ dứt căn duyên/ quên đi tình yêu quên đi chồng con/ cây bằng lăng hay cây bồ đề/ cây nào chẳng là cây hạnh phúc/ hay là em may mắn hơn anh”.
THANH THẢO VÀ PHẠM TIẾN DUẬT - HAI NHÀ THƠ TIÊU BIỂU MỘT THỜI TRẬN MẠC
Trong trường ca trên, Thanh Thảo nhắc tới Phạm Tiến Duật, một nhà thơ tiêu biểu của thế hệ người lính trong chiến tranh. Ở thời điểm những năm 1968 - 1970, thơ của Phạm Tiến Duật đã mở ra một cái nhìn mới rất hiện đại và rất sống động về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những bài thơ như: Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Lửa đèn, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong, Nhớ, Tiếng bom ở Seng Phan… Thơ của ông những năm tháng ấy đã có mặt trong hành trang tinh thần của những người lính ra trận để động viên, chia sẻ và cổ vũ tinh thần chiến đấu của họ, thơ ông được phổ nhạc và hát khắp các nẻo đường chiến tranh. Thơ của Phạm Tiến Duật (nhất là thơ viết về chiến tranh) có một giọng điệu riêng và khác biệt, không thể lẫn với thơ của người khác và ông đã có công mở đầu cho một trường phái thơ chiến tranh hằn in dấu ấn nhọc nhằn, lấm láp và hồn nhiên của người lính trận mạc thuở ấy. Sự đóng góp của Phạm Tiến Duật cho nền thơ kháng chiến đã được ghi nhận kể cả về mặt đổi mới thi pháp và đổi mới nội dung phản ánh những năm tháng hào hùng cả dân tộc ra trận.Với tôi, tôi muốn dùng hình ảnh “Con đại bàng” của thi ca Trường Sơn để nói về nhà thơ Phạm Tiến Duật, những bài thơ của ông viết trên đường mòn Hồ Chí Minh giữa những đợt bom B52 rải thảm, đã vượt bay lên trên bầu trời thi ca yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim thanh niên đang ra trận và thơ của ông như cánh chim đại bàng kiêu hãnh dự báo ngày toàn thắng đang đến gần.
Trở lại với các trường ca của Thanh Thảo, theo tôi, hành trình lặng lẽ của Thanh Thảo trong trường ca Metro chính là hành trình của nỗi đau qua từng ga, qua từng chặng đường khốc liệt của cuộc chiến tranh hơn ba mươi năm về trước. Những khuôn hình, những khoảnh khắc, những chân dung của năm tháng ấy chạy trong “lằn ray” hồi tưởng của nhà thơ như một chuyến tàu đầy ưu tư để tìm cách trả lời và lý giải như trong đoạn thơ sau:
Chẳng ai muốn sống mãi trong rừng/ nhưng bạn tôi đã từng bị bỏ quên/ ở một góc rừng nào đó/ ngày mọi người hối hả kéo nhau về Sài Gòn ăn nhậu/ bạn tôi một mình hớp chút ánh trăng qua kẽ lá/ anh giữ kho hàng khi tất cả lãng quên/ sau 34 năm/ tôi một mình mở kho hàng anh giữ/ những thùng đạn đại liên đựng toàn nỗi nhớ/ những thùng gỗ quân nhu lương khô/ không phải chất những bánh 701, 702/ mà tuyền những hạt gì tròn tròn trong trong/ trên những con đường giờ đây cao tốc/ ngày ấy em tôi trĩu lưng gùi cõng/ những thùng gỗ đựng toàn những hạt/ tròn tròn trong trong của mẹ của vợ của người yêu, tất tật/ nước mắt.
|
Ảnh: Internet |
Trên con đường tìm kiếm cái mới, nhà thơ Thanh Thảo không bao giờ là người ngoài cuộc. Trong khi anh đang trăn trở thể nghiệm thì không ít người chỉ muốn anh quay trở lại với những giá trị đã làm nên tên tuổi của anh thời chiến tranh. Nhưng Thanh Thảo không chịu ngủ quên trên thành tựu của những giá trị cũ. Bằng tài năng thơ và một nỗ lực không chịu bất lực của mình, mấy chục năm qua, Thanh Thảo vỡ vạc chính anh ở mảng đời sống tâm trạng của một người lính đã thấm đẫm nỗi đau trận mạc và mảng đời sống thơ đích thực trước đây anh chưa có thời gian khai phá đến. Tôi cho rằng trong con - ngườ i- thơ của Thanh Thảo, một nội lực sáng tạo lớn luôn thôi thúc anh, luôn cày xới anh, luôn vắt kiệt anh ở những bến bờ mới.
Trong "Đêm thơ Mùa thu" ở Hải Phòng đáng nhớ ấy, khi tôi dìu Thanh Thảo lên đọc thơ, tôi đã viết tặng anh bài thơ sau: “Lúc tôi dìu anh lên đọc thơ/ anh như một ngọn gió bị thương mệt mỏi/chầm chậm say chầm chậm bay/ trong đám mây ngôn từ của thi ca/ bên vai tôi là ngọn gió từ nửa thế kỷ trước/ từng thổi qua cánh rừng cháy tàn cháy rụi vì bom napan/ những người chết trẻ/ họ đồng hành cũng ngọn gió lên chót đỉnh trời cao rồi hóa thành mây/ trong đêm thơ mùa thu ở Hải Phòng/ khi Thanh Thảo lên đọc thơ/ tôi chợt gặp những đám mây ngày trước/ đang chầm chậm cùng anh/ ngọn gió bị thương suốt đời còn thao thức/trong cánh rừng mất ngủ của thi ca”. Và tôi nghĩ, nhà thơ Thanh Thảo, trong hành trình thơ suốt nửa thể kỷ qua vẫn luôn bền bỉ, luôn trăn trở với nhân dân, với đất nước như thế.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-nghe-thai-nguyen/202507/nha-tho-thanh-thao-thi-ca-cua-nguoi-linh-vuot-qua-chien-tranh-va-mat-mat-e4927e2/
Bình luận (0)