Lúa chín đến đâu, khẩn trương thu hoạch đến đó
Thời điểm này, diện tích trà chính vụ lúa đã bắt đầu chín, một số địa phương gieo cấy sớm như Sơn Dương, Chiêm Hóa, Lâm Bình lúa đã chín đỏ đuôi. Hiện người dân đang tranh thủ thời gian khẩn trương thu hoạch lúa đã chín để đẩy nhanh tiến độ làm đất vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất.
Nông dân xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) tập trung thu hoạch lúa Xuân.
Bà Đặng Thị Bình, thôn Nhật Tân, xã Thiện Kế (Sơn Dương) chia sẻ, trận mưa lớn ngày 22 đến 24-5 làm nước lũ về ngập cả cánh đồng thôn, gia đình bà có 5 sào lúa TBR 225. Vì lúa đang vào chắc hạt, nước ngập đến cổ bông nên gia đình thấp thỏm lo âu. Rất may nước rút nhanh, ngay khi nước rút gia đình đã huy động nhân lực ra đồng thu hoạch toàn bộ diện tích. Vụ này, năng suất lúa của gia đình chỉ đạt 1,8 tạ/sào.
Năng Khả là một trong những địa phương đi đầu của huyện Na Hang thực hiện một mô hình gieo cấy cùng trà, cùng giống trên cùng một xứ đồng với tổng diện tích trên 240 ha, theo đó giống lúa mùa được bà con lựa chọn gieo cấy gồm có BC 15, Nhị Ưu 838, Thái Xuyên 111… Gia đình bà Lý Thị Loan, thôn Nà Reo, xã Năng Khả cho biết: Năm nay được mùa nên gặt lúa xuân đến đâu, gia đình bà huy động máy móc cày, bừa ngay đến đó. Vụ mùa này, gia đình bà cấy 1.700 m2 giống lúa Nhị Ưu 838, tuân thủ chặt chẽ quy trình làm đất, chăm sóc, quản lý dịch hại theo hướng sinh học, hữu cơ đã được tập huấn. Đồng thời, sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc tự nhiên, đây là kỹ thuật canh tác lúa an toàn, thân thiện với môi trường, tốt cho sức khỏe, giá gạo sẽ cao và đầu ra ổn định.
Tại một số xã như Tân An, Hùng Mỹ, Tân Thịnh, Yên Nguyên, Hòa Phú (Chiêm Hóa); Thổ Bình (Lâm Bình) không khí thu hoạch lúa xuân diễn ra khá nhộn nhịp, những thửa ruộng lúa trĩu bông, lá vẫn còn xanh nhưng vẫn được người dân thu hoạch khẩn trương. Vụ xuân năm nay, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) gieo cấy trên 160 ha lúa, theo người dân phản ánh thì lúa ít sâu bệnh, chỉ có một số khu vực bị gây hại cục bộ. Qua kiểm tra và đánh giá của xã, năng suất bình quân toàn xã ước đạt 61 tạ/ha. Nhiều hộ gia đình trong xã đã chủ động đưa máy gặt đập liên hoàn vào gặt lúa, bảo đảm tiến độ sản xuất vụ mùa.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, vụ xuân năm nay bà con gieo cấy tập trung, công tác dự tính, dự báo sâu, bệnh hại rất tốt. Tuy nhiên, vụ xuân này thời tiết bất thuận nhất trong lịch sử, trong 4 tháng sản xuất do ít mưa đã phần nào ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng phát triển của cây trồng, đặc biệt là cây lúa. Thêm vào đó, trong giai đoạn lúa đứng cái làm đòng lại xuất hiện mưa lớn kèm dông lốc đã làm đổ nhiều diện tích lúa của bà con ở một số vùng, địa phương.
Bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa
Song song với thu hoạch vụ xuân, ngành Nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động để người dân gặt hái đến đâu, nhanh chóng tiến hành làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón để sản xuất vụ mùa theo khung thời vụ tốt nhất.
Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch lúa xuân sớm.
Tại một số địa phương có truyền thống làm vụ 3, tiến độ làm đất đang được người dân đẩy nhanh chuẩn bị gieo cấy vụ mùa. Tại xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tiếng máy cày rộn ràng khắp các xứ đồng, anh Vũ Văn Thắng, thôn Khuôn Khoai, cho biết, do thời gian chuyển vụ ngắn nên anh phải tranh thủ sớm tối đưa máy ra đồng làm đất. Nhờ đó đến nay, với diện tích gần 3.000 m2 gia đình đã làm đất xong. Cùng với làm đất, gia đình tích cực làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ để hạn chế nguồn sâu, bệnh.
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng của xã Hồng Thái, Đà Vị, Yên Hoa (Na Hang), bà con nông dân đang tập trung làm đất gieo cấy lúa mùa. Ông Chẩu Văn Bích, Chủ tịch UBND xã Đà Vị chia sẻ: Phần lớn diện tích lúa ở trong xã nằm ở các triền núi cao như: Nà Pục, Nà Pin, Bản Tâng, Bản Âm… cho nên, bà con chỉ gieo cấy vụ lúa mùa, do đó để bảo đảm năng suất, sản lượng, xã đã chỉ đạo người dân chuẩn bị tốt các điều kiện làm đất, phân bón, tập trung xuống giống trong khung thời vụ tốt nhất; thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Năm nay do nhuận tháng 6 nên khung lịch thời vụ giữa vụ xuân và vụ mùa sẽ cách xa nhau. Đây là điều kiện rất tốt để bà con nông dân vệ sinh sạch sẽ đồng ruộng, bà con cần cắt rạ, sử dụng các chế phẩm sinh học (Sumitri, Trichoderma, AT Bio-Deromposer…) để xử lý rơm, rạ tàn dư thực vật, tránh ngộ độc cho cây trồng. Thay vì sử dụng nhiều giống lúa như những năm trước, mỗi xứ đồng bà con nên bố trí 2 - 3 giống chủ lực, lựa chọn các giống có năng suất, chất lượng cao; khả năng chống chịu sâu, bệnh hại, đổ gãy; thực hiện gieo cấy tập trung để thuận lợi cho quản lý sâu, bệnh hại và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật. Bởi khoảng cách sản xuất vụ xuân và vụ mùa rất ngắn nếu bà con sử dụng các giống mẫn cảm, sâu, bệnh hại trú ngụ trên đồng ruộng từ vụ xuân sang rất dễ xâm nhiễm, phát sinh và gây hại. Các công ty cung ứng giống, HTX dịch vụ nông, lâm nghiệp có kế hoạch chuẩn bị lượng giống dự phòng cho những diện tích có khả năng bị ngập.
Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/nhieu-dia-phuong-thu-hoach-lua-som-212633.html
Bình luận (0)