Gian truân buổi sớm
Từ TP. Long Xuyên, muốn bắt gặp hình ảnh người dân Bảy Núi leo thốt nốt thì phải đi từ tờ mờ sáng mới kịp lúc. Mất hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi tiếp cận được các cánh rừng thốt nốt. Sáng sớm, ánh bình minh vừa chiếu giọt nắng xuyên qua kẽ lá thốt nốt, cũng là lúc bà con hăng say leo cao lấy mật. Từng hũ nhựa khua nhẹ lụp cụp theo nhịp bước chân thoăn thoắt của cánh đàn ông, rất êm tai. Lữ khách phương xa muốn “săn” ảnh đẹp, thời điểm sáng sớm là lý tưởng nhất.
Khuất trong rừng thốt nốt, người dân lặng lẽ lấy từng hũ mật được hứng từ đêm trước. Quanh năm, họ làm quần quật không nghỉ. Người ta ví von nghề này “ăn cơm dưới đất làm chuyện trên trời” cũng đúng. Bởi lẽ, mỗi ngày họ dành thời gian trên cây để lấy mật, tỉ mẩn dùng dao gọt, ép từng bông thốt nốt. Lữ khách đến đây, nếu biết trèo cây, hãy thử leo lên cây đài (được làm bằng tre, buộc chặt cặp thân thốt nốt), sẽ cảm nhận được nỗi nhọc nhằn của nghề. Khi leo lên khoảng nửa thân cây thốt nốt, tay chân tôi rã rời, không còn cảm giác bám chặt cây đài.
Thuở nhỏ, sống ở quê nên tôi cũng từng có kỹ năng leo cây khá tốt. Thế nhưng, khi leo lên cây thốt nốt với độ cao hàng chục mét, không cách nào chinh phục được tới ngọn, tôi đành phải bỏ cuộc chào thua. Thấy tôi thấm mệt, anh Nguyễn Công Chức (40 tuổi, chuyên leo thốt nốt) cười khục khặc. Tính đến nay, anh đã có 20 năm trong nghề, ngần ấy thời gian chịu gian khó nuôi sấp nhỏ ăn học. Anh Chức kể, ngày trước cha mẹ nghèo, sống chủ yếu bằng nghề leo thốt nốt nấu đường bán theo mùa du lịch. Lớn lên, anh phụ giúp gia đình nuôi mấy đứa em. Từ đó, anh đã thạo nghề cho tới bây giờ.
Anh Chức leo cao thu hoạch mật thốt nốt
Hiện nay, mỗi ngày anh Chức leo đến 60 cây thốt nốt. Đang vào cao điểm lấy mật, anh phải dậy sớm từ 3 giờ sáng, mới kịp thắng đường bán cho các cơ sở tại địa phương. Anh Chức nói, nghề này rất gian nan, không dễ dàng chút nào. Tâm sự khá lâu, bỗng dưng anh chìa 2 bàn tay lên cho tôi xem. Thật kinh khủng khi thấy một đường nứt toác cắt ngang vài ngón tay, khá sâu. Tôi cầm bàn tay anh ấn nhẹ, cảm thấy rờn rợn bởi lớp da chai sần thô ráp. “Nhiều lúc duỗi ra đau lắm! Bây giờ, bàn tay bị chai cứng không duỗi thẳng được” - anh Chức cho hay.
Mong có nghề khác để làm
Chưa hết, anh Chức còn giở bàn chân lên, một lớp da dày cộm, rất cứng. Anh Chức nói rằng, mỗi ngày anh leo qua hàng trăm đốt tre gai già. Ban đầu khi mới vào nghề, cảm giác đau buốt 2 bàn chân. Dần dà, theo thời gian, lớp da chai rất dày giúp anh không còn đau nữa. Tuy nhiên, đôi bàn tay leo bám lâu ngày khiến anh đau điếng. Vì cuộc sống nên anh cố gắng chịu đựng nỗi đau, tiếp tục cái nghề leo cây thốt nốt lấy mật.
Ngồi dưới tán cây thốt nốt nghỉ xả hơi, anh Chức rất tự hào về nghề truyền thống đã được gìn giữ qua bao thế hệ, giải quyết việc làm cho số đông lao động địa phương. Anh tâm sự, mỗi ngày anh thu hoạch từ 300 - 400 lít mật ngọt. “5 lít mật thắng được 1kg đường thành phẩm. Mỗi ngày, tôi nấu được 60kg đường, bán cho thương lái 26.000 đồng/kg. Một mẻ đường đun trấu, mất thời gian khoảng 5 tiếng đồng hồ. Như vậy, mỗi ngày tôi thu nhập hơn 1 triệu đồng, sau khi trừ tất cả chi phí” - anh Chức bộc bạch.
Theo thống kê, cánh rừng thốt nốt ở phường An Phú (TX. Tịnh Biên) có khoảng 14.000 cây thốt nốt cổ thụ. Hàng ngày, cư dân Bảy Núi cung cấp thị trường hàng chục tấn đường thơm ngon, nức tiếng. Mỗi buổi sáng, nếu du khách đến đây ngước nhìn lên cao, sẽ thấy bà con đang “đu đỉnh” thu hoạch mật ngọt.
Thấy nghề leo thốt nốt rất nhọc nhằn, anh Chức muốn đổi nghề, tìm việc khác. Tuy nhiên, nhiều người đi làm xa ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh thất nghiệp trở về làng quê làm thuê kiếm sống. Do đó, anh cố gắng bám nghề kiếm thu nhập qua ngày. Trưa nắng gắt, ngước nhìn trên cây thốt nốt đang vươn mình trong nắng, chúng tôi thấy anh Chức nhanh tay nâng niu từng hũ mật đầy ắp mang xuống đất. Vợ anh đứng đợi, đổ mật vào can nhựa chở về nhà thắng đường. Bao đời nay, cây thốt nốt gắn chặt với nhiều hộ gia đình, giúp họ thu nhập bền vững.
Vùng Bảy Núi có trên 70.000 cây thốt nốt được được bà con trồng cách đây trên 100 năm, truyền lại qua bao thế hệ. Hàng năm, cây thốt nốt cho thu hoạch mật cao điểm từ tháng Giêng đến tháng 6 âm lịch. Vào những tháng cao điểm, đường có giá thấp, nhiều gia đình dự trữ bán dần trong tháng trái mùa. Những cây thốt nốt lão hóa không còn cho mật, người dân chặt hạ làm đồ thủ công mỹ nghệ |
LƯU MỸ
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nhoc-nhan-nghe-leo-thot-not-a420370.html
Bình luận (0)