Dấu vết chiến tranh
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành trực thuộc Cục Người có công (Bộ Nội vụ) đang điều trị cho 84 thương binh, bệnh binh nặng nhất cả nước. Thương binh ở đây hầu hết bị thương tật nặng từ 81% đến 100%. Có người mất hai cánh tay, mất chân, hỏng mắt, phần lớn bị tổn thương cột sống, liệt nửa người phía dưới, mất cảm giác, phải sử dụng xe lăn hoặc xe lắc để di chuyển. Trong cơ thể nhiều người vẫn còn mảnh đạn, mảnh bom, lại phải chịu thêm bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận...
Cán bộ y tế Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành kiểm tra sức khỏe cho thương binh. |
Ông Trương Đăng Bình, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: “Khi trái nắng, chuyển mùa là cơ thể các thương binh lại đau nhức, co giật, phải tiêm thuốc giảm đau theo từng vị trí da còn mềm, chỉ cần một vết xước nhỏ cũng có thể trở thành ổ loét khó lành, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Tuy vậy, những thương binh vẫn luôn kiên cường vươn lên. Họ không buông xuôi, không ỷ lại. Các anh tìm đến tri thức, tìm đến lao động để khẳng định mình, tiếp tục cống hiến cho gia đình và xã hội”.
Tiêu biểu là thương binh Lê Đức Luân (quê Phú Thọ) - người đã kiên trì học tập trong thời gian dài để lấy bằng Công nhân kỹ thuật bậc 2 ngành sửa chữa điện tử. Khi có bằng cấp và tay nghề, ông mở cửa hàng sửa chữa và cung cấp linh kiện điện tử; đầu tư máy phát điện, loa đài phục vụ đám cưới. Kinh tế gia đình dần ổn định, đủ điều kiện lo cho 4 con ăn học, trưởng thành. Dù tuổi cao, ông vẫn say mê đọc sách, học hỏi, nghe thời sự. Ông luôn nhắc con cháu sống có trách nhiệm, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Không ỷ lại vào việc được Nhà nước nuôi dưỡng, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, các thương binh luôn vững niềm tin, ý chí, nghị lực. Tùy vào sức khỏe họ vẫn cố gắng tự chăm sóc mình, chia sẻ một phần việc nhà, làm thêm phụ giúp gia đình.
Yêu thương xoa dịu nỗi đau
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành là địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của những người con ưu tú. Trong không khí cả nước hướng tới Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Trung tâm đón tiếp nhiều đoàn công tác từ Trung ương đến các địa phương, đơn vị đến thăm hỏi, động viên, tri ân.
Cô và trò Trường Mầm non Newton Thuận Thành thăm, động viên các thương binh, bệnh binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành. |
Đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Mầm non Newton Thuận Thành mang đến chương trình văn nghệ đầy cảm xúc. Vừa thể hiện xong bài “Tổ quốc gọi tên mình” tặng các thương binh, bệnh binh, sinh viên Lê Nguyễn Duy Hưng tâm sự: “Đến đây, tôi cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau thương tật của các thương binh, bệnh binh, sự hy sinh của thế hệ cha ông, hiểu hơn về lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời nhận thức ý nghĩa, giá trị của hòa bình”.
“Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm chăm sóc người có công, nhất là các thương binh, bệnh binh nặng như chúng tôi thông qua việc thành lập trung tâm điều dưỡng và duy trì hoạt động tốt. Đây là ngôi nhà chung với đội ngũ cán bộ, nhân viên hằng ngày, hằng giờ điều trị, chăm sóc và sẻ chia nỗi đau thương tật với từng thương binh, bệnh binh bằng tinh thần trách nhiệm và tình cảm của những người thân trong gia đình”- thương binh Nguyễn Văn Thành (quê tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ.
Với 25 năm gắn bó với Trung tâm, bác sĩ Phạm Thị Pha, Phó trưởng Phòng Y tế Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành tâm sự: Do hoàn cảnh, thương tật nặng nên tâm lý các thương binh, bệnh binh cũng rất nhạy cảm, dễ nổi nóng. Bên cạnh chuyên môn cao, đội ngũ y, bác sĩ, hộ lý phải có lòng nhân ái, khéo léo, nhẹ nhàng, biết lắng nghe; không chỉ giúp đỡ trên phương diện y tế mà còn là người bạn, người đồng chí an ủi, động viên.
Dưới mái nhà đầm ấm, nơi bệnh nhân và người chăm sóc có sự đồng cảm sâu sắc, 15 hộ lý đã làm vợ thương binh, bệnh binh. Họ dành cả cuộc đời chăm sóc, đem tình yêu thương xây dựng mái ấm gia đình. Bà Nguyễn Thị Mai, vợ thương binh Vũ Văn Thắng kể: “Tôi cũng là bộ đội, về làm hộ lý ở Trung tâm từ năm 1976. Chăm sóc cho ông ấy ngoài trách nhiệm chuyên môn còn có tình đồng đội, đồng chí. Từ đồng cảm rồi nên duyên chồng vợ, chúng tôi cùng nuôi 3 người con trưởng thành”.
Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 là dịp để mỗi người cùng hướng về cội nguồn, tri ân những thương binh, liệt sĩ, người có công. Những hành động đẹp, những việc làm thiết thực của toàn xã hội nói chung, của Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành nói riêng giúp người có công cảm nhận được sự quan tâm, chia sẻ. Ở nơi này, mạch sống vẫn căng đầy bởi ý chí, nghị lực của các thương binh, bệnh binh.
Nguồn: https://baobacninhtv.vn/noi-mach-song-van-day-postid422651.bbg
Bình luận (0)