Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Gia Lai mạnh dạn làm giàu góp phần xây dựng nông thôn mới khởi sắc

Việt NamViệt Nam26/09/2023

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã tích cực vận động hội viên nông dân tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, an toàn. Từ đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn đầu tư bài bản, khoa học xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình trồng rau quả trong nhà lưới của người dân huyện Mang Yang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Đức Thụy

Với mô hình xen canh sầu riêng trong vườn cà phê, ông Hà Đăng Thuận (làng O Pếch, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh của mình, ông Thuận cho biết: Khi chưa ứng dụng công nghệ hiện đại, gia đình ông thường phải thuê nhiều lao động chăm sóc, thu hoạch cây trồng. Vậy nhưng, khi thu hoạch thường bị thương lái ép giá. Từ khi ứng dụng công nghệ hiện đại, gia đình ông Thuận biết rõ nhiệt độ trong vườn cây, độ ẩm của hạt cà phê, thấy rõ những gì trong vườn nhà, chỉ ra vườn rẫy khi thật cần thiết… Nhờ thế mà tiết giảm nhân công; năng suất, sản lượng, giá trị các loại sản phẩm nông nghiệp tăng đều hàng năm. Năm 2022, gia đình ông thu hơn 2 tỷ đồng từ sầu riêng, mít, bơ, cà phê… Ông Thuận cho biết: Năm 2023, gia đình ông tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường đầu tư chăm sóc sầu riêng Monthong Thái Lan, liên kết sản xuất kinh doanh với các đối tác để tiến tới xuất khẩu.

Còn anh Đinh Quang Tuấn (tổ 2, phường Thống Nhất, TP. Pleiku), cũng đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Anh dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng và các thiết bị di động khác để kết nối, điều khiển hệ thống tưới nước tự động tiết kiệm cho vườn dâu tây, nhà lồng gieo trồng những loại rau thủy canh, dưa lưới ruột xanh… Hệ thống này không chỉ cung cấp nguồn nước vừa đều khắp, vừa đủ số lượng cần thiết cho vườn cây mà toàn bộ phân bón sử dụng đều được hòa tan qua hệ thống tưới tự động tiết kiệm để chăm sóc cho vườn cây đạt hiệu quả.

Nhờ mạnh dạn đầu tư, xây dựng hiệu quả mô hình vườn-ao-chuồng, mà mỗi năm ông Vũ Trung Bộ, ở xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, luôn đảm bảo thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng.

Ông Vũ Trung Bộ làm giàu từ mô hình vườn- ao- chuồng. (Ảnh: Nguyễn Thảo).

Ông Bộ cho biết, từ những năm 1990, gia đình ông chuyển từ huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình vào sinh sống ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, chỉ vỏn vẹn 5 sào đất được cấp, cuộc sống rất khó khăn. Năm 2000, ông mạnh dạn thế chấp đất đai, vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng để mua bò, trồng lúa và buôn bán nông sản. Ông Bộ chia sẻ: Ngân hàng tạo điều kiện không riêng mình tôi, mà cho tất cả người dân ở đây. Vốn tự gia đình tự xoay vài ba chục triệu thôi, nhưng vay ngân hàng thì được lên tới 200 triệu đồng, 500 triệu đồng thì đủ lực cho gia đình làm, không phải đi làm thuê nữa. Làm được 6 tháng có tiền thì trả ngân hàng, thì ngân hàng vẫn cho trả dần.

Cũng đổi đời nhờ việc mạnh dạn vay vốn làm nông nghiệp, ông Vũ Xuân Huy, sinh năm 1962, ở làng Breng, xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cũng có cơ ngơi khang trang, cuộc sống sung túc. Ông Huy cho biết, từ những năm 2000, khi ông còn là công nhân cao su, nhận thấy đất bazan ở huyện Đăk Đoa rất màu mỡ, dễ dàng phát triển cây công nghiệp. Vì vậy ông Huy đã mạnh dạn tới Ngân hàng ở huyện Đăk Đoa vay 5 triệu đồng để trồng cà phê. Lợi nhuận từ cây cà phê luôn ổn định khoảng 50 triệu/ha/năm. Cứ sau mỗi năm, ông lại sắm sửa thêm các loại máy cày, máy xay xát hạt cà phê, làm sân phơi rộng rãi. Ông Vũ Xuân Huy phấn khởi, đây là cơ sở để gia đình ông có thu nhập cao và bền vững về sau.

Ông Y Đức Thành, Phó Bí thư huyện uỷ huyện Đăk Đoa cho biết, thời gian qua, người dân trong huyện đã được tiếp cận với nhiều nguồn vốn phát triển nông nghiệp và các chương trình cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Quyết định 68/2013/QĐ-TTg trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây chính là bệ đỡ, động lực, giúp hàng chục nghìn nông dân nỗ lực và tự tin vươn lên làm giàu, từ đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn tại địa phương. Nguồn vốn từ Ngân hàng là bệ đỡ quan trọng giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai. Nhờ đó, nông dân có nguồn lực để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất và phát triển hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế, tạo ra khối lượng lớn nông sản, hàng hoá có giá trị.

Việc phát huy hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đã tạo động lực thi đua sôi nổi trong hội viên, góp phần thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, tập huấn chuyển đổi số trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ thời đại 4.0, khuyến khích nông dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Tham gia đưa nông dân lên sàn giao dịch điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử Potsmat.vn, đổi mới sáng tạo, hội nhập và quyết tâm tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thu Hằng


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Nhiều bãi biển ở Phan Thiết rợp cánh diều gây ấn tượng cho du khách
Lễ duyệt binh Nga: Những góc quay 'tuyệt đối điện ảnh' khiến người xem sửng sốt
Xem lại tiêm kích Nga trình diễn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng
Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm