Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nông dân Nghệ An xếp hàng chờ sấy lúa

Mưa lớn kéo dài, bất thường khiến lúa gặt về không thể phơi, nhanh chóng hấp hơi, mọc mầm, hư hỏng buộc bà con phải tìm đến các lò sấy. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng vọt, hệ thống lò sấy ở các địa phương rơi vào tình trạng quá tải, người dân buộc phải xếp hàng, chờ đợi trong nỗi lo...

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An27/05/2025

Trời mưa dầm dề khiến lúa gặt về không thể hong phơi. Ảnh: T.P
Trời mưa dầm dề khiến lúa gặt về không thể hong phơi. Ảnh: T.P

Những ngày giữa tháng 5/2025, khi lúa Xuân chín rộ trên khắp cánh đồng Nghệ An, người nông dân chưa kịp mừng mùa vàng đã phải chạy đua với những đợt mưa trái mùa liên tiếp trút xuống. Lúa gặt về không phơi được, chất đống trong nhà, hấp hơi, đổi màu, bắt đầu mọc mầm. Không ít người buộc phải đi tìm nơi sấy, nhưng các lò đều quá tải.

Tại xã Đại Đồng (Thanh Chương), những sân phơi lúa vốn tấp nập giờ trở nên vắng lặng. Lúa gặt xong được mang thẳng về nhà, rải kín nền, che bạt, bật quạt suốt ngày đêm để hong se, nhưng vẫn không kịp. Độ ẩm cao, không khí bí bách khiến hạt lúa nhanh chóng biến đổi. Nhiều gia đình sốt ruột đưa lúa đi tìm chỗ sấy, nhưng khắp huyện chỉ có hai lò, quá tải hoàn toàn.

Phần lới lúa hấp hơi, nảy mầm, hư hỏng nặng. Ảnh: T.P
Phần lới lúa hấp hơi, nảy mầm, hư hỏng nặng. Ảnh: T.P

Chị Đinh Hải, một nông dân ở xóm Dinh Chu, xã Đại Đồng, bần thần nói: “Nhà tôi làm 7 sào ruộng, thu về hơn 2,5 tấn lúa. Gặt xong thì mưa, không thể phơi, rải khắp nhà vẫn không xuể. Chỗ thì vừa héo vỏ, chỗ đã bắt đầu mọc mầm, số nữa hấp hơi, sờ tay vào thấy âm ấm, ướt rịn. Liên hệ lò sấy thì họ hẹn 4 ngày nữa mới đến lượt. Nếu chờ đến lúc đó, chắc phải đổ bỏ hết”.

Tình cảnh tương tự diễn ra ở nhiều hộ khác. Có nhà làm đến vài mẫu ruộng, thu hoạch hàng chục tấn lúa, nhưng do thiếu sân phơi, không có lò sấy gần, đành phải chờ đợi trong bất lực. Lượng lúa cần xử lý sau gặt tăng đột biến, vượt quá khả năng của hệ thống sấy nông thôn hiện có.

Các lò sấy hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Ảnh: T.P
Các lò sấy hoạt động hết công suất vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu người dân. Ảnh: T.P

Chị Trần Thị Thuỷ, chủ một lò sấy lúa tại xã Đại Đồng, cho biết: “Mỗi mẻ chỉ sấy được 7 tấn, mỗi ngày chỉ làm được 1 mẻ dù đã tăng ca cả đêm, huy động đến 7 nhân công. Hiện chúng tôi ưu tiên sấy lúa còn tươi, ẩm, chưa mọc mầm để cứu trước, những nhà đã phơi được một nắng thì xếp lịch sau. Tuy nhiên, do quá tải nên mấy ngày nay không thể nhận thêm của ai nữa. Có hộ ở xã khác, cách cả chục cây số cũng thuê xe chở lúa đến sấy”.

Không chỉ lượng lúa tăng vọt, giá cả dịch vụ cũng tăng theo. Theo chị Thuỷ, do giá chất đốt tăng, giá sấy hiện dao động từ 750.000 – 800.000 đồng/tấn. Mặc dù chi phí cao, nhưng nhiều hộ vẫn chấp nhận bỏ ra khoản tiền lớn để cứu lúa khỏi nảy mầm, đổi màu.

 Người dân tìm đến các lò sấy để sấy khô lúa. Ảnh: T.P
Mỗi mẻ sấy 1,5 tấn sấy mất 4-5 tiếng đồng hồ. Ảnh: T.P

Lò sấy gia đình ông Trần Hoài Nam, xã Kim Liên (Nam Đàn) cũng hoạt động xuyên ngày đêm nhưng vẫn không xuể. Mỗi mẻ chỉ sấy được 1,5 tấn, mất 4 tiếng, nên một ngày tối đa chỉ sấy được 4 mẻ, tức 6 tấn. Trong khi đó, người dân ở cả xã và vùng lân cận đổ về, tạo nên cảnh xếp hàng dài chờ đến lượt. Ông Nam chia sẻ: “Tôi nhận lịch trước cho từng hộ, ưu tiên những nhà có lúa đang hấp hơi nặng. Có hộ làm 5-6 mẫu ruộng, lúa nằm kín kho, nếu không sấy kịp là mất sạch. Tôi cũng muốn giúp hết, nhưng máy móc có hạn, không thể nhận thêm”.

Bà Trần Thị Liễu, xã Hùng Tiến, Nam Đàn, cho biết: “Gia đình tôi còn 3 tấn lúa chưa kịp ráo vỏ, đã hấp hơi rồi, nên phải đánh đường lên Kim Liên nhờ sấy. Dù chấp nhận mất thêm 700.000 đồng/tấn nhưng cũng phải đợi đến ngày mai mới đến lượt”.

Lúa chất đống trong các lò sấy chờ đến lượt. Ảnh: T.P
Lúa chất đống trong các lò sấy chờ đến lượt. Ảnh: T.P

Thực tế hiện nay, phần lớn nông dân vẫn phụ thuộc vào thời tiết và phương thức phơi truyền thống. Việc sấy lúa chưa thực sự phổ biến. Họ chỉ tìm đến lò sấy khi trời mưa kéo dài, không còn cách nào khác. Một phần vì tâm lý chưa quen, phần khác là do đầu tư máy sấy rất tốn kém. Giá một bộ máy sấy cỡ nhỏ hiện nay từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

Trong khi đó, mỗi vụ chỉ thu hoạch, sấy lúa trong khoảng 7–10 ngày là hết. Nếu chỉ phục vụ cho một gia đình thì rất khó có lãi, còn muốn sấy dịch vụ thì lại cần đầu tư bài bản về hạ tầng, nhân công, mặt bằng. Vì vậy, rất ít người dám mạnh dạn đầu tư máy sấy. Khi gặp mưa lớn, mưa kéo dài như năm nay, nhu cầu dồn dập mà cơ sở ít, tất yếu dẫn đến tình trạng quá tải.

 Giá sấy 1 tấn lúa dao động từ 700-800.000 đồng. Ảnh: T.P
Giá sấy 1 tấn lúa dao động từ 700.000 - 800.000 đồng song người dân vẫn chấp nhận chi trả để cứu lúa khỏi hư hỏng. Ảnh: T.P

Trong bối cảnh hệ thống máy sấy nhỏ lẻ, phân tán, người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “mòn mỏi” chờ đợi. Nhiều người lục lọi bạt cũ, chắp vá chỗ phơi tạm, dựng giàn trên mái nhà, hong lúa bằng đèn sưởi, quạt công nghiệp, song đều không hiệu quả vì thời tiết quá ẩm, mưa liên tiếp. Tình trạng lò sấy quá tải năm nay thêm một lần cho thấy sự cấp thiết phải đầu tư nghiêm túc, bài bản cho khâu bảo quản sau thu hoạch.

Nguồn: https://baonghean.vn/nong-dan-nghe-an-xep-hang-cho-say-lua-10298315.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm