Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

PGS.TS Trần Quang Diệu: Chuyển đổi số báo chí để thực thi sứ mệnh của Nghị quyết 68

Chuyển đổi số là công cụ then chốt giúp báo chí hiện thực hóa định hướng, mục tiêu và sứ mệnh đồng hành cùng kinh tế tư nhân mà Nghị quyết 68 đặt ra.

Báo Công thươngBáo Công thương23/05/2025

Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với các cơ quan báo chí. Trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW xác định rõ vai trò dẫn dắt, đồng hành của báo chí với sự phát triển kinh tế tư nhân, trụ cột quan trọng của nền kinh tế.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS Trần Quang Diệu - Giám đốc Trung tâm Công nghệ và Chuyển đổi số, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh, “thay đổi” chính là từ khóa then chốt để báo chí thích ứng, khẳng định vai trò trong hệ sinh thái truyền thông số quốc gia và đưa chính sách vào cuộc sống.

PGS.TS Trần Quang Diệu
PGS.TS Trần Quang Diệu trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Công Thương. Ảnh: Thanh Thảo

Chuyển đổi số báo chí là yêu cầu tất yếu

- Thưa ông, nội dung chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã đặt ra nhiều kỳ vọng. Vậy theo ông, đâu là thách thức lớn nhất để triển khai?

PGS.TS Trần Quang Diệu: Báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến khá mạnh và nhanh trong hoạt động chuyển đổi số. Chúng ta có Luật Báo chí 2016, Quy hoạch báo chí 2019 và đặc biệt là Quyết định 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có thể thấy, công nghệ đã và đang ngày càng trở nên phổ biến, các cơ quan báo chí cũng từng bước thay đổi chính mình thông qua hoạt động chuyển đổi số, đưa công nghệ vào tất cả các hoạt động và bước đầu đã đạt được kết quả đáng ghi nhận.

Các cơ quan báo chí, truyền thông ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trên hầu hết các nền tảng đa phương tiện, hay nói khác chúng ta đã và đang hòa mình vào dòng chảy của báo chí thế giới. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên mà chúng ta đang gặp phải khi triển khai báo chí số có lẽ là nguồn lực. Nguồn lực đó ở nhiều khía cạnh khác nhau, là sự hoàn thiện của chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Chuyển đổi số báo chí: Thực thi tầm nhìn Nghị quyết 68
Ảnh: Thanh Thảo

Ví dụ, chúng ta đã đề cập đến kinh tế báo chí nhưng hành lang cho kinh tế báo chí chưa hoàn thiện. Chúng ta đề cập đến sự hỗ trợ của nhà nước đối với các hoạt động chuyển đổi số báo chí, nhưng lại chưa có quy chuẩn chung để các cơ quan báo chí hoạt động và triển khai cùng nhau. Một vấn đề nữa, chúng ta chưa có hệ sinh thái báo chí quốc gia, vẫn còn thiếu vai trò dẫn dắt của các cơ quan quản lý nhà nước trong các hoạt động triển khai chuyển đổi số đối với các cơ quan báo chí.

Chúng ta nên xây dựng hệ sinh thái báo chí, truyền thông quốc gia để các cơ quan báo chí có thể học tập lẫn nhau, chia sẻ thông tin nhưng không làm mất đi sự khác biệt, đặc trưng của từng cơ quan báo chí.

Từ khóa chính là "thay đổi"

- Nếu chọn một từ khóa dành cho người làm báo hiện nay, ông sẽ chọn từ nào? Với một cơ quan báo chí chuyên ngành như Báo Công Thương, theo ông cần làm gì để phát huy tốt vai trò dẫn dắt thông tin kinh tế?

PGS.TS Trần Quang Diệu: Thay đổi! Chuyển đổi số là thay đổi, đối với người làm báo cũng sẽ phải thay đổi. Thay đổi về cách thức, thay đổi về tư duy, thay đổi về hình thức và thay đổi về mô hình hoạt động. Có lẽ “thay đổi” chính là từ khóa phù hợp nhất trong bối cảnh này.

Báo chí có tính chuyên biệt, tính chuyên biệt đó có vai trò quan trọng và xuyên suốt trong hoạt động chuyển đổi số của tất cả các cơ quan báo chí. Phải phát huy được thế mạnh của báo chí ngành. Như Báo Công Thương, muốn phát huy được thế mạnh riêng thì không đơn thuần chỉ là sự phản ánh chung, mà phải chuyên sâu, chuyên biệt, phải là nơi hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp, cho người dân và cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, từng bước hoàn thiện cách thức ứng phó với sự thay đổi của xã hội cũng như của thế giới.

Tôi nói thêm về sự “thay đổi” với một ví dụ cụ thể hơn. Gần đây nhất, Nghị quyết 68 NQ/TW là một ví dụ điển hình. Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói rằng, đây là một trong bốn trụ cột để đưa đất nước ta phát triển và kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất. Vậy nên rất cần sự tham gia, định hướng và dẫn đường của các cơ quan báo chí, truyền thông, đặc biệt là Báo Công Thương - Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương.

PGS.TS Trần Quang Diệu
PGS.TS Trần Quang Diệu nhận định: "Báo Công Thương là một trong những tờ báo đi đầu về chuyển đổi số báo chí. " Ảnh: Thanh Thảo

Ví dụ, tôi là doanh nghiệp, tôi sẽ tìm đọc Báo Công Thương. Nhưng khi đọc Báo Công Thương, tôi kỳ vọng rằng sẽ hiểu về quy trình, thủ tục, cách thức, chính sách của nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp như thế nào, triển khai các nhiệm vụ, công việc như thế nào? Doanh nghiệp có được ưu tiên, ưu đãi gì và những nội dung cụ thể đó như thế nào? Báo Công Thương khi đó không chỉ là một cổng thông tin, mà ở đó phải chứa đựng các dữ liệu chuyên biệt của một cơ quan báo chí thuộc ngành, thuộc Bộ Công Thương.

Theo tôi, muốn tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, các cơ quan báo chí, truyền thông càng có một vai trò quan trọng. Đối với kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân thì sự dẫn dắt, cung cấp thông tin, đồng hành của Báo Công Thương nói riêng và các cơ quan báo chí khác nói chung là rất quan trọng để các nghị quyết, chính sách đi vào thực chất và cuộc sống xã hội.

Nghị quyết 68 NQ/TW đã xác định rõ vai trò của báo chí

- Như ông vừa chia sẻ, Nghị quyết 68 xác định rõ vai trò của báo chí trong hệ sinh thái, truyền thông số quốc gia và đặc biệt là vai trò đồng hành phát triển cùng kinh tế tư nhân, vậy ông nhìn nhận thế nào về chức năng và sứ mệnh của báo chí thông qua nghị quyết này?

PGS.TS Trần Quang Diệu: Nghị quyết Đại hội XIII đã khẳng định rằng, cần phải xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Nghị quyết 68 hiện thực hóa các chỉ đạo mang tính định hướng của Nghị quyết Đại hội XIII. Nghị quyết 68-NQ/TW xác định rõ báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là lực lượng tiên phong trong việc dẫn dắt, đồng hành và kiến tạo môi trường dư luận tích cực cho sự phát triển kinh tế tư nhân - một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Vậy nên sự đồng hành, chia sẻ, dẫn dắt của cơ quan báo chí, truyền thông để các doanh nghiệp có niềm tin, động lực và thấu hiểu hoạt động của mình cũng như sự đóng góp với cộng đồng.

CĐS báo chí: Thay đổi để thực thi sứ mệnh của NQ68
Báo Công Thương - Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương. Ảnh: Thanh Thảo

Chức năng của báo chí không chỉ là sự phản ánh, mà còn lắng nghe người dân, lắng nghe sự phát triển của từng khu vực để dẫn dắt và gợi mở cho sự phát triển kinh tế chuyên biệt cho từng vùng, lĩnh vực, ngành đó.

Ví dụ, báo chí có thể hiểu được rằng khu vực này người dân đang mong muốn được định hướng, chia sẻ điều gì để tránh trường hợp suốt ngày “giải cứu”. Trước đây, vùng này sản xuất một sản phẩm, vùng kia cũng sản xuất một sản phẩm và chúng ta không tạo ra các vùng sản phẩm chuyên biệt, cho nên đã xảy ra trường hợp dư thừa. Là doanh nghiệp, hoàn toàn có thể tận dụng thế mạnh của vùng sản phẩm đó để tổ chức sản xuất, xây dựng phương án kinh doanh của riêng mình. Các quốc gia bên cạnh chúng ta đều làm thế.

Khi có các quan điểm mang tính chất định hướng thì báo chí sẽ làm nhiệm vụ gắn kết để cho mọi người cùng hiểu nhau. Người dân hiểu Chính phủ, Chính phủ hiểu người dân, người dân hiểu doanh nghiệp, doanh nghiệp hiểu Chính phủ. Vậy không ai khác, chỉ có báo chí, truyền thông mới làm được điều này, thay vì chúng ta phản ánh thì chúng ta làm nhiệm vụ dẫn dắt và định hướng.

Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết 68-NQ/TW xác định rõ báo chí không chỉ là kênh thông tin mà còn là lực lượng tiên phong trong việc dẫn dắt, đồng hành và kiến tạo môi trường dư luận tích cực cho sự phát triển kinh tế tư nhân - một trong những trụ cột quan trọng của nền kinh tế đất nước.

Báo chí trong thời đại số có vai trò định hướng nhận thức xã hội, lan tỏa các mô hình kinh doanh hiệu quả, minh bạch. Đồng thời phản biện chính sách và thúc đẩy cải cách thể chế, góp phần xây dựng một hệ sinh thái kinh tế tư nhân năng động, cạnh tranh và phát triển bền vững.

Thanh Thảo

Nguồn: https://congthuong.vn/pgsts-tran-quang-dieu-chuyen-doi-so-bao-chi-de-thuc-thi-su-menh-cua-nghi-quyet-68-389005.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm