Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Pháo cao xạ - Vũ khí bí mật làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

Việt NamViệt Nam04/05/2024


Để chuẩn bị cho kế hoạch Đông Xuân 1953-1954, từ cuối năm 1952, Trung ương Đảng, Nhà nước và quân đội ta đã đề nghị Chính phủ Liên Xô trước đây và Trung Quốc hỗ trợ vũ khí, đào tạo cán bộ, đồng thời thành lập Trung đoàn 367 – Trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 11/1953, Trung đoàn 367 hành quân lên Tây Bắc nhận nhiệm vụ chiến dịch “Trần Đình” mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ, với phương châm: Tuyệt đối an toàn và bí mật.

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư - Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367: “Nhận lệnh kéo pháo lên Tây Bắc đi Trần Đình, chứ không nói là đi chiến dịch Điện Biên đâu, ai hỏi cũng thế mà trong công văn cũng nói là đảm bảo bí mật tuyệt đối, đi đến nơi phải an toàn cho xe pháo và con người. Từ Tuyên Quang lên đây là đi mất 17 ngày đêm”.

Bằng cách tháo rời những chi tiết có thể tháo được, rồi dùng sức người để vận chuyển một cách bí mật, nhanh chóng và chính xác, bộ đội ta đã đưa thành công những khẩu pháo cao xạ 37mm nặng hơn 2 tấn qua hàng trăm km đường rừng núi để tiến đến chiến dịch.  

PV Minh Trang: “Di tích này là một trong số rất nhiều trận địa pháo cao xạ đã được quân ta xây dựng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Thông thường, các trận địa pháo sẽ được bố trí ở nơi có tầm nhìn thoáng, xung quanh không có nhiều vật cản để có thể dễ dàng quan sát và tác chiến. Đặc biệt, các trận địa này sẽ được thay đổi và di chuyển địa điểm liên tục mỗi ngày để tránh sự phát hiện của địch”.

Ngày 13/3/1954, pháo cao xạ của ta bắt đầu lên tiếng trong trận đánh mở màn tại Him Lam. Ngay sau đó, chiếc máy bay trinh sát “Moran” đầu tiên của Pháp bị đại đội 815 thuộc Trung đoàn 367 bắn rơi. Sự xuất hiện của pháo cao xạ tại Điện Biên khiến cho quân Pháp vô cùng bất ngờ và lúng túng.  

Chiến sĩ Điện Biên Phạm Đức Cư - Tiểu đoàn 394, Trung đoàn pháo cao xạ 367: “Nếu không có cao xạ, nó sẽ tiêu diệt hết. có cao xạ bắn lên thì một là trúng máy bay, rơi, cháy. Hai là nó thấy có pháo cao xạ nó bay cao, không dám bay rà xuống thấp để tiêu diệt bộ binh mình nữa”.

Tại Điện Biên Phủ, Trung đoàn pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay, bắn bị thương 117 chiếc khác, trong đó có “pháo đài bay” B-24. Không chỉ giúp bảo vệ bộ binh, lực lượng pháo binh của ta đã tạo ra những vòng vây lửa trên không, loại bỏ khả năng cất, hạ cánh tại sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, đồng thời cắt đứt tiếp tế bằng đường hàng không của địch.

Chị Nguyễn Thuý Khanh - Thành phố Hà Nội: “Cảm nhận của tôi về thông tin bộ đội ta kéo pháo thì hết sức xúc động, bởi kéo pháo vào trận địa chúng ta chỉ có 20 giờ, nhưng kéo pháo vào đã khó kéo ra còn khó hơn. Để có được thành công đó thì cá nhân tôi nghĩ mỗi một đồng chí với mỗi vị trí và nhiệm vụ của mình thì tình yêu Tổ quốc, lý tưởng cách mạng đặt lên trên hết. Có một sự đoàn kết nhất trí từ quân đến dân như vậy thì chúng ta đã có một chiến thắng lịch sử”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, cũng là mốc đánh dấu sự thành công của một đơn vị binh chủng mới - binh chủng pháo cao xạ, sự xuất hiện một mặt trận mới - mặt trận đất đối không. Bộ đội pháo cao xạ Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong trận quyết chiến, chiến lược để làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"./.

Nguồn Vnews


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm