Truyền dạy các làn điệu dân ca cho thế hệ trẻ ở xã Tà Rụt, huyện Đakrông -Ảnh: T.A.M
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về dân tộc và công tác dân tộc luôn được quan tâm. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực.
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ- TTg về phê duyệt Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN) giai đoạn 2021-2030 (Chương trình 1719) với 10 dự án thành phần, trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS&MN.
Đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Trị chiếm 15% dân số toàn tỉnh, cư trú ở 37 xã thuộc 2 huyện Hướng Hóa, Đakrông và các huyện có xã miền núi là Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Kô. Nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp để thúc đẩy các hoạt động về bình đẳng giới, Dự án 8 đã phối hợp với các dự án khác của Chương trình 1719 để nâng cao hiệu quả thực hiện như: phối hợp với Dự án 6 để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển KT-XH vùng miền núi của tỉnh.
Căn cứ Kế hoạch của UBND tỉnh, các địa phương, đơn vị đã triển khai thực hiện nhiều nội dung để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS như: Tiến hành bảo tồn, phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS: các lễ hội A Riêu Ping - bốc mã, A Da - mừng lúa mới, Prúc bor - cầu mùa, hỗ trợ bảo tồn các ngành nghề truyền thống: nghề dệt thổ cẩm, nghề làm chổi đót, nghề đan lát đồ gia dụng và đồ dùng bằng các nguyên liệu bản địa, tổ chức tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể (nghệ thuật trình diễn dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc...) hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống như: hướng dẫn tổ chức cho các đội văn nghệ, dàn dựng và biểu diễn chương trình văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị, mua sắm trang phục, đạo cụ....
Hỗ trợ điểm đến du lịch tiêu biểu vùng đồng bào DTTS, xây dựng các CLB sinh hoạt văn hóa dân gian, tổ chức tham gia ngày hội giao lưu, liên hoan các loại hình văn hóa, nghệ thuật, hỗ trợ đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và trang thiết bị tại vùng đồng bào DTTS...
Các hoạt động được tổ chức thu hút sự tham gia hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt đối tượng nữ giới là đồng bào DTTS được tham gia chiếm số lượng lớn (trên 60%). Họ được truyền dạy từng làn điệu dân ca, truyền dạy cách thực hành để bảo tồn các nghề truyền thống, qua đó có thể tham gia vào các hoạt động cộng đồng, được làm công việc mình yêu thích như: đan lát, dệt, biểu diễn văn nghệ.
Nhiều chị em tìm ra được những cách làm hay trong hoạt động văn hóa - du lịch như: mở các tổ hợp đan lát, tham gia các đội văn nghệ, đội nghệ nhân, hoặc mở các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng gia đình no ấm và góp phần phát triển KT-XH của địa phương.
Quá trình tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS tỉnh Quảng Trị, hội LHPN các cấp phối hợp với các đơn vị sự nghiệp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên lồng ghép tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thông tin, kiến thức về khoa học kỹ thuật trong sản xuất.
Thông qua các hoạt động, công tác bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá của các DTTS trong tỉnh có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, trong đó có Dự án 8 đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, nâng cao những kiến thức, kỹ năng về hôn nhân gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình; tuyên truyền về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, từ đó thúc đẩy bình đẳng giới trong đồng bào DTTS&MN.
Nhằm tiếp tục bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh để nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, trong thời gian tới tỉnh tập trung các giải pháp trong tâm.
Đó là: Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh, trong đó có Dự án 8 giai đoạn 2025 - 2030. Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan quản lý văn hoá các cấp với vai trò định hướng, tạo dựng nguồn lực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đưa nội dung xây dựng hương ước, quy ước dựa vào các phong tục, tập quán tích cực để thúc đẩy bình đẳng giới. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hoá truyền thống; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực trong xây dựng cuộc sống mới. Gắn kết chặt chẽ du lịch với dịch vụ trong sự phát triển hài hoà, bền vững của các mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đặc biệt là chú trọng việc truyền dạy nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ kế thừa bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Tạo điều kiện cho người đồng bào là nữ giới tham gia vào các hoạt động văn hóa - du lịch, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS&MN một cách vững bền.
Trần Anh Minh
Nguồn: https://baoquangtri.vn/phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-cua-cac-dan-toc-thieu-so-trong-thuc-day-binh-dang-gioi-193889.htm
Bình luận (0)