Startup Việt với những vòng gọi vốn đáng chú ý
Đầu tháng 2 này, VinaCapital đã công bố đầu tư một triệu đô la Mỹ vào doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nông nghiệp Việt là Koina. Startup này nhận được khoản vốn đầu tư sau khi đã liên kết với hơn 80 hộ nông dân trên cả nước, kết nối hơn 1.000 tiểu thương tại TP. HCM, Hà Nội, Đồng Nai, giúp tiêu thụ hơn 1.000 tấn nông sản…
Mới đây, BuyMed – startup đầu tư sàn thương mại điện tử phân phối dược phẩm Thuocsi.vn có trụ sở tại TP.HCM đã gọi vốn thành công 33,5 triệu đô la Mỹ. Theo DealStreetAsia, trong đó khoản đầu tư của UOB Venture Management là 28 triệu đô la Mỹ. Hai nhà đầu tư còn lại Smilegate Investment (2,5 triệu đô la Mỹ) và Cocoon Capital (3 triệu đô la Mỹ). Trước đó, BuyMed đã nhận được hơn chục triệu đô la Mỹ từ vòng gọi vốn trước.
Được thành lập từ năm 2018, BuyMed kết nối các công ty sản xuất, phân phối dược phẩm với khoảng 35.000 nhà thuốc, phòng khám trên 63 tỉnh, thành toàn quốc. Thông qua website thuocsi.vn, người mua hàng có thể tra cứu nhanh thành phần, công dụng, giá thuốc và đặt mua thuốc.
Vẫn theo DealStreetAsia, một startup Việt khác là Gimo cũng vừa huy động được tổng cộng 4,6 triệu đô la Mỹ, được dẫn dắt bởi công ty đầu tư mạo hiểm TNB Aura. Trước đó Gimo cũng nhận được khoản vốn đầu tư gần 2 triệu đô la Mỹ do quỹ Integra Partners của Singapore dẫn dắt.
Gimo là một nền tảng ứng lương tức thì cho người lao động Việt Nam. Gimo cung cấp nền tảng, giúp các công ty có thể tính toán lương của người lao động mọi thời điểm, từ đó cho phép người lao động có thể lĩnh lương sớm trước ngày trả lương định kỳ của doanh nghiệp. Số tiền tạm ứng được tính dựa vào dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng, mọi giao dịch đều minh bạch, cập nhật theo thời gian thực.
Phát biểu tại diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022, ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hoạt động khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng thu hút các nhà đầu tư quốc tế. Từ năm 2020 đến 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đạt gần 2 tỉ đô la Mỹ.
“Đầu tư từ các quỹ đã hỗ trợ toàn diện cho các startups về nguồn hỗ trợ tài chính, kiến thức, năng lực vận hành, phát triển, thương mại hóa sản phẩm, góp phần tạo ra những giá trị vượt trội cho startup Việt Nam khi vươn ra thị trường quốc tế. Điều này giúp hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam ngày càng sôi động, hấp dẫn và chất lượng hơn”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.
Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2022 Việt Nam hiện xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, tăng 5 bậc so với năm 2021. Cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. Các startup Việt đã huy động được số vốn đầu tư kỷ lục 1,4 tỉ đô la Mỹ trên 165 giao dịch vào năm 2021, tăng 1,6 lần so với mức 894 triệu đô la Mỹ và 126 giao dịch vào năm 2019. Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia dự báo đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục vào năm 2023 với mức GDP dự đoán là 6,7%.
Một báo cáo của KPMG và HSBC cho biết, tính đến giữa năm 2022, số lượng startup tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi so với thời kì đầu dịch Covid-19.
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2022 của BambuUp cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt thu hút vốn đầu tư mạnh từ cuối năm 2019. Điều này được thể hiện qua số lượng thương vụ cũng như số vốn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đổ vào các startup trong nước. Năm 2021 có tổng cộng 165 thương vụ và tổng vốn đầu tư lên đến 1,4 tỉ đô la Mỹ.
Hành động để xứng danh tam giác sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á
Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây, 39 quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ vào các dự án, công ty khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong 3 năm tới.
Tại diễn đàn nêu trên, ông Vinnie Lauria, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures cho biết, Singapore và Indonesia là những động lực tăng trưởng hàng đầu trong thập kỷ đầu tiên của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á. Đến năm 2022, Việt Nam là trụ cột thứ ba của tam giác vàng này. Việt Nam có tài năng công nghệ, thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng…
Ông Vinnie Lauria cho rằng, sức mạnh của tam giác Singapore – Indonesia – Việt Nam sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Mặc dù các startup Việt đang thu hút lượng vốn đầu tư lớn, song ông Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần sớm hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thực chất và hiệu quả để nhà đầu tư trong nước và quốc tế có thể rót vốn cũng như rút vốn chủ động, linh hoạt và minh bạch. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
Để thúc đẩy hoạt động của startup, thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ làm nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm và đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước với mục tiêu hỗ trợ nhanh chóng, hiệu quả cho các dự án khởi nghiệp sáng tạo tiềm năng.
Cũng tại sự kiện Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022, có 39 quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ trong giai đoạn 2023 – 2025.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo Phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghệ số trong việc huy động vốn và phát triển sản phẩm, thị trường.
Tại sự kiện trên, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thời gian qua đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm cả doanh nghiệp công nghệ số thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với Quỹ trên, bà Thủy cho biết đối tượng hỗ trợ chính là startup nhưng đến nay chỉ cho vay được hơn 233 tỉ đồng. Tương tự, đối với Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước có 28 quỹ nhưng tổng số bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đạt gần 200 tỉ đồng.
Song bà Thủy cho biết Chính phủ đã sửa Nghị định 80 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để trao quyền cho cơ quan hỗ trợ. Hy vọng từ năm 2023 sẽ tháo gỡ được cho Quỹ, là nguồn hỗ trợ cho startup lĩnh vực công nghệ nhiều hơn.
Cũng tại hội thảo Phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam, bà Mai Thị Thanh Bình, chuyên gia nghiên cứu Ban Công nghệ thông tin, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông cho hay, phần lớn các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Đa phần họ đang trong giai đoạn khởi nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp chưa đủ độ chín để phát triển và chiếm lĩnh thị trường 100 triệu dân.
Nói về 6 kênh huy động vốn chính của các doanh nghiệp công nghệ số, bà Bình cho hay bao gồm tài trợ, trợ cấp của Chính phủ, vốn chủ sở hữu, vốn huy động từ cổ phiếu, vốn tín dụng, vốn huy động từ trái phiếu và vốn từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư. Song doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận những kênh này vì rủi ro tín dụng cao, tài sản thế chấp vô hình và không chắc chắn về tương lai.
Phân tích cơ chế tài chính để phát huy tiềm năng của các kênh huy động nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ số, bà Bình cho biết gồm: gọi vốn cộng đồng và quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ doanh nghiệp; cơ chế thử nghiệm sản phẩm, mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ cho startup.
Theo nghiên cứu năm 2022 của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần có một số cải cách chính sách để tạo ra môi trường kích thích thành lập doanh nghiệp sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng của các startup công nghệ và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính.
Vũ Tùng