Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm các môn thi, nhiều ý kiến cho rằng phổ điểm “đẹp”, phân bố đều, điểm trung bình không quá thấp, số lượng điểm 10 không quá nhiều, nghĩa là kỳ thi thành công.
Thật ra, nếu nhìn kỹ hơn từng môn thi, nhất là môn Toán, môn thi bắt buộc, bức tranh không hề “đẹp” và càng không đảm bảo sự công bằng mà một kỳ thi quốc gia cần có. Môn Toán năm nay có gần 60% thí sinh dưới trung bình. Phổ điểm lệch rõ, đỉnh rơi vào khoảng 3,8-4,2 điểm, cho thấy đề thi gây khó khăn lớn cho học sinh trung bình và không phân hóa tốt nhóm giỏi.
Các môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) lại có điểm trung bình cao, phổ điểm phình lớn ở vùng 6-8 điểm, khiến dư luận thắc mắc về sự nhất quán trong thiết kế đề thi. Việc mất cân đối giữa các môn thi đang làm suy giảm tính chuẩn hóa của kỳ thi. Nếu tiếp tục lấy phổ điểm những năm trước làm cơ sở xác định chính sách thi và quy đổi xét tuyển, nhất là theo từng tổ hợp, nguy cơ phát sinh những nghịch lý mới là khó tránh khỏi.
Dù đề thi năm nay được xây dựng theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhấn mạnh phát triển năng lực và giảm học thuộc, nhưng thực tế lại cho thấy nhiều bất cập. Môn Toán có nhiều câu hỏi dài dòng, gây quá tải cho học sinh trung bình, trong khi phần nâng cao lại thiếu câu thực sự phân loại, dẫn đến phổ điểm “gãy đôi” - học sinh khá giỏi dễ đạt điểm cao bất thường, còn số đông dưới ngưỡng trung bình. Điều này cho thấy chương trình mới nhưng tư duy ra đề thi vẫn chưa thật sự đổi mới. Đáng lo hơn, phổ điểm năm nay không còn tương thích với những năm trước, nhưng nhiều trường vẫn buộc phải dùng dữ liệu cũ để quy đổi điểm xét tuyển.
Những bất cập nêu trên sẽ dẫn đến hệ lụy và những rối loạn có thể xảy ra khi thực hiện xét tuyển đại học. Nếu không có điều chỉnh kịp thời, mùa tuyển sinh đại học 2025 sẽ đối mặt với nhiều rối loạn. Trước hết, các trường không có dữ liệu chuẩn để xây dựng thang điểm, dễ dẫn đến tình trạng mỗi nơi quy đổi một cách, tổ hợp xét tuyển bị vênh.
Việc lệch giữa độ khó của các môn có thể khiến thí sinh đạt điểm cao ở môn “dễ thở” vượt qua những em thực sự có năng lực nhưng vấp phải đề “hóc búa”, đặc biệt bất công ở các ngành cạnh tranh cao. Hệ thống lọc ảo, nếu không được cập nhật theo thực tế phổ điểm mới, có thể dẫn đến sai lệch trong phân bổ chỉ tiêu và xác nhận nhập học - điều từng xảy ra năm 2022. Về lâu dài, nếu tình trạng phổ điểm méo mó tiếp diễn mà không có biện pháp hiệu chỉnh, niềm tin vào tính công bằng của kỳ thi và cơ chế tuyển sinh sẽ bị xói mòn nghiêm trọng.
Để tránh những hệ lụy này, Bộ GD-ĐT nên sớm công bố đầy đủ dữ liệu phổ điểm theo môn, tổ hợp, vùng miền dưới dạng dữ liệu mở, làm căn cứ để các trường quy đổi điểm minh bạch, khoa học. Đồng thời, ngừng việc sử dụng dữ liệu quá khứ để quy đổi nếu chưa qua phân tích hiệu chỉnh kỹ lưỡng.
Về dài hạn, nên xây dựng một thang năng lực quốc gia theo đúng chuẩn chương trình mới, để từ đó thiết kế đề thi và thang điểm phù hợp - ứng dụng thi trên máy tính, thay vì tiếp tục chạy theo “phổ điểm đẹp” nhưng vô nghĩa. Hệ thống xét tuyển đại học cũng nên chuyển dần sang cơ chế tín nhiệm - tự chủ - đánh giá đa dạng, nhiều chiều, thay vì dựa hoàn toàn vào một kỳ thi có quá nhiều ẩn số. Năm nay, khi chương trình giáo dục phổ thông đổi mới toàn diện, việc đánh giá năng lực học sinh cũng cần được nhìn nhận bằng lăng kính mới - công bằng hơn, chính xác hơn, và nhân văn hơn. Đừng để những thí sinh có năng lực thật sự phải “trượt oan” chỉ vì hệ thống đánh giá còn chắp vá, nặng tính mùa vụ, thiếu chuẩn mực dữ liệu...
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/pho-diem-bat-thuong-va-he-luy-cho-xet-tuyen-dai-hoc-post804788.html
Bình luận (0)