Công an xã Mường Lạn tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho nhân dân.
Theo thống kê của ngành Y tế, từ năm 2020 đến ngày 31/5/2025, toàn tỉnh có 180 trẻ em (cả nam và nữ) bị xâm hại về tình dục, bạo lực và các hình thức gây tổn hại khác. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc và bản thân trẻ em về phòng, chống bạo lực, xâm hại còn hạn chế, thiếu sự giám sát đối với trẻ em. Một số trẻ sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện, thiếu tình cảm, không được học hành, chăm sóc chu đáo nên dễ bị lợi dụng, rủ rê, hoặc bị ép buộc vào các hành vi ngoài ý muốn. Một số gia đình có con bị xâm hại nhưng không tố giác tội phạm vì tâm lý lo sợ, mặc cảm, bất an...
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhâm, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đẩy mạnh truyền thông, thông qua các hoạt động hưởng ứng như “Tháng hành động vì trẻ em”; Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em (25/11). Đồng thời, chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại các xã.
Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 159 cuộc tuyên truyền về các chính sách pháp luật hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại cho hơn 54.000 lượt người. Treo 420 băng zôn; 40 cụm pa nô; in và cấp phát hơn 21.000 tờ gấp; 3.000 cuốn tài liệu truyền thông; 51.600 tờ rơi tuyên truyền về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Tổ chức 25 cuộc thi, diễn đàn trẻ em, thu hút hơn 6.500 học sinh tại các trường học tham gia. Tại các xã, đã phát trên loa truyền thanh hơn 1.700 lượt về bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, xâm hại.
Điểm trường mầm non bản Mo, Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Chiềng Khương, được đầu tư khu vui chơi cho trẻ.
Các sở, ngành và lực lượng chức năng đã phối hợp tiếp nhận thông tin và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; tổ chức sàng lọc, chăm sóc sức khỏe, điều trị, tư vấn cho các nạn nhân; trưng cầu giám định cho 323 trẻ bị thương tích, xâm hại; khởi tố 140 vụ, với 208 bị can; xử lý hành chính 12 vụ, 48 đối tượng liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em. Trợ giúp pháp lý 121 vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại và có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại.
Mường Lạn là xã biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh, toàn xã có hơn 4.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm hơn 37% tổng số. Trong đó, số trẻ em mồ côi, khuyết tật là 78 trẻ. Bà Tòng Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình cho trẻ đi học đúng độ tuổi, không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe và chú ý tâm sinh lý của trẻ, nhất là trẻ lứa tuổi vị thành niên. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp thăm, tặng quà cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 100% số trẻ em khuyết tật, mồ côi cha hoặc mẹ, trẻ em không nơi nương tựa được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Tăng cường phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em, ngành Y tế tập trung phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, các xã rà soát, phát hiện những trẻ em có nguy cơ bị xâm hại để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tổ chức các hoạt động, mô hình thiết thực, ý nghĩa giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, bị xâm hại hòa nhập cộng đồng. Phối hợp mở rộng các địa chỉ tố giác tội phạm, khuyến khích nhân dân cung cấp thông tin về trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ bị xâm hại để can thiệp kịp thời. Quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đổi mới cả hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em...
Việc bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng bạo lực, xâm hại là trách nhiệm chung của cộng đồng, của toàn xã hội, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cần chung tay của mỗi cá nhân, để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển toàn diện.
Nguồn: https://baosonla.vn/xa-hoi/phong-chong-xam-hai-bao-luc-tre-em-B2FAiSyHg.html
Bình luận (0)