Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong ngành dệt may

Quảng Trị là một trong những địa phương phát triển mạnh về ngành dệt may trong những năm gần đây. Dệt may đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT-XH, mang lại nguồn thu lớn và tạo ra nhiều việc làm ổn định. Vì vậy, phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong ngành dệt may là vấn đề được quan tâm.

Báo Quảng TrịBáo Quảng Trị23/05/2025

Phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong ngành dệt may

Một công đoạn sản xuất của công nhân Công ty May Hòa Thọ Đông Hà - Ảnh: KHÁNH HƯNG

Trưởng Phòng Lao động - Việc làm, Sở Nội vụ Nguyễn Thị Ái Loan cho biết, mặc dù các doanh nghiệp dệt may có nhiều cố gắng về an toàn lao động, song thực tế sản xuất tại các nhà máy, tai nạn lao động có thể xảy ra ở bất kỳ khâu nào của quy trình sản xuất, từ cắt vải, may, kiểm tra chất lượng cho đến đóng gói sản phẩm.

Nguyên nhân chủ yếu thường do việc vận hành máy móc chưa đúng kỹ thuật, chưa tuân thủ tuyệt đối quy trình an toàn, thiếu trang thiết bị bảo hộ hoặc do máy móc thiết bị xuống cấp, chưa được bảo trì định kỳ. Những tai nạn thường gặp có thể kể đến như công nhân bị máy may đâm vào tay, bị dao cắt vải gây thương tích, hoặc bị trượt ngã khi di chuyển hàng hóa trong xưởng.

Cùng với đó nguy cơ cháy nổ do sự cố điện hoặc sử dụng các thiết bị sinh nhiệt chưa đúng cách cũng là mối lo ngại lớn, đặc biệt trong môi trường chứa nhiều loại vải và nguyên liệu dễ bắt lửa. Bên cạnh đó, một số loại hóa chất sử dụng trong nhuộm, tẩy, giặt vải có thể gây viêm da, dị ứng hoặc ảnh hưởng đường hô hấp nếu không có biện pháp bảo vệ phù hợp.

Một vấn đề khác không thể bỏ qua là yếu tố tâm lý và sức khỏe người lao động. Trong ngành dệt may, áp lực về tiến độ và sản lượng khiến nhiều công nhân phải làm việc liên tục trong môi trường ồn ào, thiếu thông gió, ánh sáng yếu và tư thế làm việc gò bó. Những yếu tố này nếu không được kiểm soát tốt có thể làm giảm khả năng tập trung, tăng nguy cơ tai nạn và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Trong một số doanh nghiệp, công nhân còn chưa được tiếp cận đầy đủ với các thông tin và kỹ năng về an toàn lao động, dẫn đến việc xử lý tình huống chưa thuần thục khi tai nạn xảy ra. Thực tế đã có nhiều trường hợp công nhân bị tai nạn nhưng không biết cách sơ cứu hoặc chưa kịp thời báo cáo sự cố khiến hậu quả trở nên nghiêm trọng hơn.

Để giảm thiểu và phòng ngừa tai nạn lao động trong ngành dệt may, việc triển khai đồng bộ nhiều biện pháp là điều cần thiết. Trước hết, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác đào tạo, tập huấn về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho người lao động ngay từ khi bắt đầu làm việc và định kỳ theo quy định.

Người lao động cần được trang bị kiến thức về nhận diện rủi ro, quy trình vận hành máy móc an toàn, kỹ năng xử lý tình huống khẩn cấp cũng như các biện pháp sơ cứu cơ bản. Cùng với đó, việc cung cấp đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động như găng tay, kính, khẩu trang, mũ bảo hộ là bắt buộc và phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chất lượng và hiệu quả sử dụng.

Song song với đào tạo, các doanh nghiệp cần thực hiện kiểm tra định kỳ toàn bộ máy móc, thiết bị sản xuất. Thay thế hoặc sửa chữa kịp thời những thiết bị hư hỏng, xuống cấp nhằm hạn chế nguy cơ sự cố kỹ thuật gây tai nạn. Việc bố trí mặt bằng sản xuất hợp lý, đảm bảo lối đi thông thoáng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, thông gió và thiết bị phòng cháy, chữa cháy đúng tiêu chuẩn cũng là yếu tố then chốt để xây dựng môi trường làm việc an toàn, hiệu quả. Doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa an toàn lao động trong nội bộ, khuyến khích người lao động chủ động phát hiện nguy cơ và tham gia cải tiến môi trường làm việc.

Theo Sở Nội vụ, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ trong ngành dệt may đang được triển khai một cách tích cực. Sở luôn phối hợp với các ban, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra chuyên đề về ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, qua đó kịp thời phát hiện, nhắc nhở hoặc xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định. Đồng thời, công tác tuyên truyền, tập huấn cũng được chú trọng thông qua các lớp đào tạo, hội thảo chuyên đề và hội thi ATVSLĐ.

Một trong những hoạt động nổi bật gần đây là Hội thi An toàn, vệ sinh lao động trong ngành dệt may năm 2024. Sự kiện này thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp và công nhân, tạo điều kiện để người lao động rèn luyện kỹ năng, chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ.

Nhiều doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, điển hình như: Công ty TNHH Dệt may VTJ Toms; Chi nhánh Công ty Cổ phần quốc tế Phong Phú - Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú, Quảng Trị; Công ty TNHH Scavi Quảng Trị; Công ty Cổ phần May và Thương mại Gio Linh; Chi nhánh Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ - Công ty May Hòa Thọ Đông Hà; Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đại Song Tiến...

Cùng với đó, hằng năm, các đơn vị chức năng như Công an tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp tổ chức diễn tập, hướng dẫn kỹ năng xử lý sự cố cháy nổ và tai nạn lao động, giúp nâng cao khả năng phản ứng nhanh và hiệu quả của người lao động và người sử dụng lao động trong những tình huống khẩn cấp. Những hoạt động này thực sự góp phần nâng cao chất lượng môi trường lao động và giảm thiểu các vụ tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Tai nạn lao động trong ngành dệt may là vấn đề tồn tại song hành với sự phát triển của ngành dệt may nếu không có các biện pháp quản lý và phòng ngừa hiệu quả. Với sự vào cuộc của các cấp, sự chủ động của các doanh nghiệp cùng ý thức ngày càng được nâng cao của người lao động, công tác ATVSLĐ trong ngành dệt may tại địa phương đang có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lâu dài là xây dựng môi trường làm việc an toàn, thân thiện và bền vững cần tiếp tục duy trì sự quan tâm, đầu tư đúng mức từ mọi phía, coi đó là một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp dệt may trong thời đại mới.

Khánh Hưng

Nguồn: https://baoquangtri.vn/phong-tranh-tai-nan-lao-dong-va-benh-nghe-nghiep-trong-nganh-det-may-193843.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm