Trong đó, nội dung quan trọng là phục dựng lại Tam Bảo theo kiến trúc nguyên gốc trước khi bị hỏa hoạn, nhằm bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của di tích quốc gia này.
Theo Công văn số 2332/BVHTTDL-DSVH do Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký, Bộ VH-TT-DL thống nhất với đề xuất phục dựng lại các hạng mục chính của chùa, bao gồm Tam Bảo, Tam quan, nhà Mẫu, nhà sắp lễ, giảng đường, nhà Tăng, lầu hóa vàng, nhà bếp, sân vườn và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Tam Bảo, trung tâm tâm linh và kiến trúc của ngôi chùa sẽ được thiết kế lại theo mẫu bộ vì (gồm cột, kèo, đầu dư...) của công trình gốc trước vụ cháy.
Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị hạn chế mở rộng quy mô nhà giảng đường, không làm cửa võng tại các trục chính và tránh sử dụng đèn tuýp chiếu sáng bên trong các công trình. Nhà sắp lễ cần điều chỉnh theo hướng tường hồi bít đốc, không xây mái đao.

Đặc biệt, với Bảo vật quốc gia Bàn thờ Phật bằng đá, Bộ VH-TT-DL yêu cầu chỉ được di dời khi thật sự cần thiết phục vụ công tác tu bổ, và phải có phương án bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt quá trình di chuyển. Đồng thời, các hiện vật có giá trị như tượng đất, tượng gỗ còn lại tại Tam Bảo cần được đánh giá cụ thể để bảo tồn tối đa hoặc bảo quản tại chỗ.
UBND tỉnh Phú Thọ cần bổ sung hồ sơ về lịch sử xây dựng công trình, ảnh hiện trạng, tư liệu về kiến trúc Tam Bảo trước khi cháy, cùng ý kiến cộng đồng địa phương về phương án tu bổ và bố trí thờ tự.
Chùa Xuân Lũng, tọa lạc tại xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1980. Sau vụ cháy ngày 23-10-2024, Bộ VH-TT-DL đã yêu cầu địa phương nhanh chóng đánh giá thiệt hại, làm rõ nguyên nhân và tăng cường bảo vệ các di tích khác trên địa bàn.
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/phuc-dung-cot-keo-chua-co-800-tuoi-theo-kien-truc-nguyen-goc-truoc-vu-chay-post796990.html
Bình luận (0)