|
Thành phố ăn chơi Las Vegas mọc lên trên sa mạc |
Cùng với những thứ đó thì văn hóa Mỹ cũng tràn ngập xã hội, từ hội Việt Mỹ với các lớp tiếng Anh đến sách báo, phim ảnh cho đến lối sống thực dụng rất Mỹ. Trong đó, phim ảnh đã thu hút và có tác động khá lớn đến tuổi trẻ. Các rạp thường chiếu phim theo kiểu permanant, tức chiếu liên tục, mua một vé có thể ngồi trong rạp cả ngày đến khi nào chán thì ra. Phim Mỹ, phần lớn là phim hành động, trong đó nổi lên là phim cao bồi Texas và cao bồi miền viễn Tây khá hấp dẫn với thanh niên. Chữ cao bồi xuất phát từ tiếng Anh (Mỹ) cowboy, là thằng chăn bò. Thực ra, đó là những thanh niên cường tráng đầy kinh nghiệm chăn nuôi quản lý hàng trăm, hàng ngàn con bò trên những đồng cỏ mênh mông, những con người có khả năng chiến đấu tranh giành địa bàn, có kỹ năng chống lại các loài thú ăn thịt, bảo vệ đàn bò… Trên các phim ảnh thể hiện những chàng trai rắn rỏi mặc quần jean, áo da, chân đi giày da bò cao cổ, đầu đội mũ rộng vành đôi khi kéo quai mũ lên trên làm cong vành mũ 2 bên thể hiện hình ảnh ngang tàng, nước da nâu rám nắng miền viễn Tây làm nổi bật đôi mắt xanh cương nghị và lạnh lùng, hai bên hông đeo hai súng lục, khả năng bắn súng cả hai tay nhanh như chớp và chính xác như cầm đặt, ngồi trên lưng ngựa với một cuộn dây thừng, vừa phi nước đại vừa quăng dây bắt bất cứ con bò nào trong bầy đang bị đuổi chạy mà họ muốn. Việc làm này thể hiện một kỹ năng và một sức mạnh tuyệt vời. Một dây thòng lọng được tung ra, con bò đang chạy hết tốc lực bị khựng lại, chàng cao bồi nhảy xuống ngựa nhanh chóng ghì chặt đôi sừng vặn cổ, con bò té nghiêng xuống đất chưa kịp phản ứng đã bị quấn dây rút chặt 3 chân lại với nhau, chú bò thúc thủ. Dần dần những phim cao bồi tách xa với cuộc sống đàn bò mà là hình ảnh những chàng cao bồi có cuộc sống lãng tử, thích tự do, tác phong ngang tàng, bắn súng như xiết, đôi khi có chàng còn làm điều trượng nghĩa giúp đỡ bảo vệ kẻ yếu thế…
|
Một casino tại thành phố Las Vegas |
Phim cao bồi hấp dẫn tới mức không chỉ thanh niên mà cả người lớn tuổi đều mê. Trào lưu cao bồi một thời phát triển mạnh, phong cách cao bồi đã trở thành lối sống của một bộ phận thanh niên miền Nam thời bấy giờ gọi là những thanh niên cao bồi. Thậm chí còn có một viên tướng Sài Gòn thời ấy cũng được báo chí gọi là tướng cao bồi. Trang phục của dân cao bồi Mỹ xuất phát từ thiết kế của Levi Strauss (Levi’s) trên loại vải bạc dày cho dân đào vàng ở vùng California về sau cải tiến may trên vải dày nhưng mềm mại và đẹp, dần được giới cao bồi ưa thích như một trang phục chính và dược gọi là quần jean, áo jean thường xuất hiện trên các phim ảnh cao bồi. Thiết kế áo và quần jean có nét độc đáo riêng với những đinh tán, túi đắp và đường may nổi, mạnh mẽ, bền, đẹp và tiện dụng trong lao động, trong sinh hoạt. Trang phục ấy dần được nhiều người ưa thích, đã trở thành “mốt” và nó lan tỏa rất nhanh không chỉ trong thanh niên mà đến mọi lứa tuổi, mọi giới và cho đến ngày nay việc mặc quần jean, áo jean (quần bò, áo bò) gần như phổ biến toàn cầu. Tiếp sau ở Mỹ lại xuất hiện phong trào Hippy, họ đã từng tổ chức đại hội tập họp hàng trăm nghìn người từ các bang trong cả nước về thành phố San Francisco như thủ phủ của phong trào Hippy, phong trào này có cái tốt là phản đối chiến tranh, phản đối chính phủ Mỹ đã đưa hàng ngàn những bạn bè và người thân của họ đi chết ở Việt Nam. Nhưng có cái không tốt là họ chủ trương sống buông thả đắm chìm trong 3 thứ : Music – drugs and sex (âm nhạc - ma túy và tình dục), phong trào này du nhập sang Sài Gòn rồi lan ra các tỉnh, thành Miền Nam vào những năm 70 - 72, phong cách thường thấy là những thanh niên tóc dài luộm thuộm, mặc quần loe áo chẽn với chim cò hoa lá, mang giày tà mũi… Phong cách ấy của Hippy cũng có ảnh hưởng nhất định đến thanh niên các đô thị miền Nam, từ đó một thời thanh niên đã chuyển từ model quần ống túm sang quần loe là phổ biến, quần loe tóc dài cũng đã tràn sang một bộ phận thanh niên miền Bắc một thời gian ngắn sau năm 1975.
|
Du khách tham quan Bảo tàng NASA |
Ngoài 2 xu hướng du nhập từ Mỹ nêu trên, thì trong thanh niên các đô thị MN còn một số xu hướng khác đó là những người cầu an, chỉ lo học hành thi cử để tránh đi lính mong được yên thân, hoặc có người lúng túng chọn hướng đi “Băn khoăn đứng giữa 2 dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi”. Một bộ phận thanh niên mất niềm tin vào cuộc sống, chán đời, sống ủy mị, không quan tâm đến tình hình đất nước, mọi việc đều bỏ ngoài tai, không cần biết tương lai, bất cần đời, tâm tư chìm đắm vào những chuyện tình vẩn vơ và những chất gây nghiện, những câu thơ bài thơ hay của các tác giả nổi tiếng bị họ bi đát hóa rồi nghêu ngao buồn chán như:
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia bỗng dại khờ
Hay:
Suy tư vầng trán hao gầy
Em ơi khói thuốc vàng tay vẫn buồn
Cho dù bản thân họ không có mối tình nào, không có đối tượng thương nhớ nào và cũng chẳng có cuộc chia xa nào… Họ cứ sống trong nửa mộng nửa thực như thế.
Trong một xã hội chiến tranh, ly tán, bên cạnh những xu hướng phức tạp đó, còn có lớp thanh niên thức tỉnh, yêu nước giác ngộ cách mạng một số lên bưng biền kháng chiến một số bám trụ thành phố vận động các cuộc đấu tranh chính trị nội thành. Những người này đã thâm nhập vào các đối tượng thanh niên nhiều xu hướng khác nhau để vận động, xốc dậy tinh thần yêu nước, đun sôi bầu nhiệt huyết và đã kéo được họ về với các cuộc tranh đấu có hàng vạn người xuống đường. Không ít những kẻ từng chán đời, những người từng băn khoăn và cả những chàng cao bồi, Hippy đã tìm ra được môi trường hoạt động có ý nghĩa và tham gia tích cực những cuộc tranh đấu trong lòng đô thị.
|
Bê phóng tài con thoi trong Bảo tàng NASA |
Tất cả nay đã đi vào ký ức. Tôi mang theo ký ức đó bay sang Texas và lên miền viễn Tây để tận mắt được xem những chàng cowboy chính gốc của Mỹ. Trong trí tưởng tượng của tôi, miền viễn Tây nước Mỹ hoang sơ với đồng cỏ và nắng gió sa mạc nhưng đến nơi mới biết là quá trình công nghiệp hóa, quá trình đô thị hóa, thành phố mọc lên khắp nơi, phương tiện hiện đại, cuộc sống sung túc đã thay đổi mọi thứ. Không gian và cuộc sống lãng mạn ngày xưa đã đi vào quá khứ. Các bạn người Việt định cư ở đây cho biết thỉnh thoảng họ tổ chức một số hoạt động diễn lại nét văn hóa cao bồi ngày xưa để hoài niệm về một thời mà thôi. Ở Texas không còn cuộc sống những đàn bò với những chàng cao bồi, lên đến San Francisco cũng không còn thấy các chàng hippy trên đường phố, chỉ thấy cuộc sống hối hả, xe cộ dày đặc trên các xa lộ.
|
Tàu con thoi trong Bảo tàng NASA |
Từ Sài Gòn, năm 1969 chúng ta đã được nghe và xem trên các phương tiện truyền thông thời đó về phi tuyền Apolo11 đã bay lên mặt trăng và trở về trái đất như một huyền thoại với câu nói nổi tiếng của Neil Amstrong người chỉ huy con tàu về việc ông đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng: “Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là một bước tiến khổng lồ của nhân loại” rồi đến tàu con thoi thường xuyên đi về từ trái đất vào vũ trụ… Những hiện vật và hình ảnh của phi thuyền và con tàu đang lưu giữ tại cơ quan NASA nằm trong thành phố Houston thuộc bang Texas. Trong đó, có khu vực bảo tàng của NASA, nơi trưng bày các hiện vật của phi thuyền Apolo và tàu con thoi, qui mô NASA ở đây rộng như một khu phố lớn, người dân và du khách được vào tham quan, xem và nghe họ giới thiệu về lịch sử của những con tàu vũ trụ, về kỹ thuật hàng không về khoa học không gian và những nghiên cứu về vũ trụ.
|
Hình ảnh hoạt động của các nhà du hành vũ trụ trên mặt trăng (ảnh chụp lại trong Bảo tàng NASA). |
Đi xa lên miền Tây là thành phố Las Vegas hoa lệ mọc lên trên vùng sa mạc xưa của tiểu bang Nevada, một trung tâm đánh bạc, nơi ăn chơi, giải trí được mệnh danh là thủ đô giải trí của thế giới. Máy đánh bạc được đặt khắp nơi trong thành phố, các sòng bài lớn luôn nhộn nhịp, các sản phẩm, dịch vụ nghỉ ngơi ăn chơi đáp ứng nhu cầu của du khách bốn phương, đường sá thênh thang, phố xá sầm uất và đa dạng sắc màu. Tận cuối miền Tây nước Mỹ là tiểu bang California nằm bên bờ Thái Bình Dương, diện tích của tiểu bang này rộng gần 424.000 km2, lớn hơn nước ta khoảng gần 100.000 km2. GDP của tiểu bang tới 4.100 tỷ USD, cao hơn cả nước Nhật, thu nhập bình quân đầu người trên 93.000USD/năm. Người ta giả sử nếu tiểu bang California tách ra khỏi nước Mỹ thành một quốc gia độc lập thì GDP đứng thứ tư thế giới chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Đức mà thôi.
|
Trường Đại học Stanford trong thung lũng Silicon, thành phố San Francisco, tiểu bang California |
Nổi tiếng của thế giới là thung lũng Silicon, gọi thung lũng vì xung quanh là một vòng cung núi rất rộng ôm nhiều thành phố nhỏ bên trong, thung lũng Silicon nơi ra đời của những trùm công nghệ của thế giới như Apple, Facebook, Google, Meta, Intel và hàng trăm những "đại bàng" công nghệ có sức ảnh hưởng đến toàn cầu… Thung lũng Silicon còn có một trường đại học nổi tiếng thế giới, Đại học Stanford, riêng trường này đã có diện tích đến 30 km2, người ta nói đã có trên một chục tỷ phú thế giới và một số chính khách các quốc gia xuất thân từ là sinh viên của Đại học Stanford.
|
Bức tường ghi tên 58.000 lính Mỹ tử trận ở chiến trường Việt Nam, người Mỹ gọi là “vết sẹo của trái tim” |
Trước 1975, người Mỹ tràn ngập cả Sài Gòn và các tỉnh, thành miền Nam nước ta, cùng đến với họ là máy bay, tàu chiến, bom đạn đổ xuống thành thị, làng quê, đất nước điêu tàn, người dân Việt từ nông thôn đến thành phố đều đứng lên chống Mỹ đuổi Mỹ về nước. Sau chiến tranh, người Việt lại chào đón người Mỹ kể cả những cựu chiến binh từng đánh nhau với ta trở lại gặp nhau một cách hòa bình, gác lại hận thù xưa để tính chuyện tương lai. Sau 50 năm với biết bao thăng trầm của mối quan hệ cựu thù 2 dân tộc thông minh và nhân văn đã biết cách ứng xử và 2 nước đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Hy vọng với những bài học đắng cay trong quá khứ, hận thù sẽ mãi lùi xa, hợp tác Mỹ - Việt ngày càng sâu trên nhiều mặt từ kinh tế, văn hóa đến tất cả các lĩnh vực khác để hòa bình bền vững, kinh tế phát triển, đời sống phồn vinh và để người dân 2 nước sẽ mãi là bạn bè của nhau.
Nguồn: https://baolamdong.vn/du-lich/202505/qua-mot-chuyen-di-ky-cuoi-tu-sai-gon-den-mien-vien-tay-nuoc-my-fcb6f2e/
Bình luận (0)