Lập kế hoạch kiểm tra khi có dấu hiệu rủi ro
Vừa qua, Chi cục Thuế khu vực I (địa bàn quản lý Hà Nội, Hòa Bình) có công văn chỉ đạo liên quan hướng dẫn người nộp thuế lập hóa đơn ghi đầy đủ nội dung bắt buộc và xử lý vi phạm (nếu có).
Theo đó, đơn vị này yêu cầu các trưởng phòng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, đội trưởng đội thuế chỉ đạo đến từng công chức thuế thường xuyên giám sát việc lập, sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế thuộc trách nhiệm quản lý.
Chi cục Thuế khu vực I yêu cầu rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán hàng hóa đối với kinh doanh vàng, bạc...
Tập trung giám sát, rà soát trọng điểm việc lập hóa đơn bán hàng hóa (từ năm 2024 trở đi) đối với các doanh nghiệp là nhà sản xuất, kinh doanh đầu mối, phân phối thương mại thuộc các ngành: vàng, bạc; thuốc chữa bệnh; vật liệu xây dựng; phân bón và thức ăn gia súc, gia cầm; gas và chất đốt; hàng tiêu dùng; bê tông thương phẩm; thiết bị nội thất...
Thực hiện kết xuất dữ liệu hóa đơn điện tử đầu ra để rà soát, nhận diện dấu hiệu rủi ro, nghi vấn trong việc lập hóa đơn điện tử gửi cho người mua không đảm bảo đúng, đầy đủ về hình thức và nội dung theo quy định (đặc biệt là không ghi mã số thuế của người mua là cơ sở kinh doanh có mã số thuế vào nội dung hóa đơn).
Trên cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử đã kết xuất có dấu hiệu rủi ro, các phòng quản lý, hỗ trợ doanh nghiệp, các đội thuế lập kế hoạch để triển khai kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, thực hiện kiểm tra.
Trường hợp nào không phải ghi mã số thuế trên hóa đơn?
Chi cục Thuế khu vực I nêu rõ, người nộp thuế khi thực hiện lập hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua (đặc biệt là hộ, cá nhân kinh doanh) bắt buộc phải thể hiện mã số thuế/căn cước công dân, trừ một số trường hợp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc thù cho người tiêu dùng là cá nhân quy định tại điểm c khoản 14 điều 10 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày của Chính phủ (từ ngày 1.6.2025, thực hiện theo điểm d khoản 7 điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP), bao gồm: hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại, hóa đơn bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh.
Trường hợp hóa đơn đã lập bị sai thì thực hiện điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn theo quy định.
Ngành thuế đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hộ kinh doanh
Không ít doanh nghiệp, hộ kinh doanh bày tỏ băn khoăn trước các yêu cầu nêu trên của ngành thuế. Họ hiểu rằng, trên hóa đơn điện tử phải thể hiện đầy đủ thông tin cá nhân khi mua hàng, bao gồm cả trường hợp là người tiêu dùng cuối cùng, không phát sinh hoạt động kinh doanh.
Đây là điều khó khả thi trong nhiều trường hợp, khi người tiêu dùng không muốn chia sẻ các thông tin cá nhân.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính), Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực I, khẳng định: "Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 1.6.2025 - PV) đã đề cập rõ ràng về đối tượng phải cung cấp thông tin định danh/mã số thuế trên hóa đơn bán hàng, đã tính tới yếu tố loại trừ người mua hàng là người tiêu dùng cuối cùng".
Khi lập hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua là cá nhân tiêu dùng cuối cùng, không bắt buộc thể hiện mã số thuế/căn cước công dân.
Theo ông Cường, để bảo vệ quyền lợi của chính mình, người tiêu dùng khi đi mua hàng hóa nên hình thành thói quen lấy hóa đơn.
Bởi hóa đơn điện tử sau này sẽ chính là tờ bảo hành về sản phẩm, chứng minh nguồn gốc sản phẩm đã mua; sẽ loại trừ được chuyện mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng lậu, đảm bảo quyền lợi người mua hàng, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp./.
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/ra-soat-trong-diem-viec-lap-hoa-don-ban-vang-thuoc-185250519121723697.htm
Nguồn: https://baolongan.vn/ra-soat-trong-diem-viec-lap-hoa-don-ban-vang-thuoc-a195545.html
Bình luận (0)