• Hậu quả khôn lường từ sự chủ quan của người lớn

Ghi nhận từ Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thời gian gần đây liên tục có các ca trẻ nhỏ bị rắn cắn trong tình trạng nguy kịch do xử lý sai cách hoặc chậm trễ trong cấp cứu.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý xử lý tại nhà, cũng không nên đưa trẻ đi lấy nọc vì việc này có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng.

Một trong những trường hợp khiến nhiều người không khỏi xót xa là bé gái hơn 3 tuổi, con chị Nguyễn Thị Mỹ Châu (ấp Tân Long B, xã Đầm Dơi). Do vợ chồng chị đi làm xa, con gái nhỏ ở nhà với ông bà nội. Trong lúc chơi ở khu vực sau nhà, cháu không may bị rắn cắn. Ông bà nội do hoảng loạn đã đưa cháu đi “lấy nọc” theo cách dân gian. Khoảng hai giờ sau, thấy bé có biểu hiện bất thường, gia đình mới đưa bé đến Bệnh viện Đầm Dơi và chuyển tiếp lên Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau. Tuy nhiên, do đưa đi cấp cứu quá muộn, đến nay đã hơn một tháng, cháu vẫn còn hôn mê sâu.

Con gái chị Nguyễn Thị Mỹ Châu vẫn còn hôn mê sau hơn 1 tháng điều trị rắn cắn.

Một trường hợp khác xảy ra tại ấp Má Tám, xã Nguyễn Việt Khái. Bé gái 11 tuổi, con chị Nguyễn Thị Duyên đang chơi trong phòng ngủ thì bị rắn bò vào cắn. Ban đầu khi hỏi thì bé nói không bị rắn cắn, gia đình nghĩ cháu bé chạy chơi vấp ngã nên chảy máu. Đến chiều thấy bé bắt đầu nôn ói liên tục mới đưa đi cấp cứu. Bé được chuyển từ Bệnh viện Cái Nước lên Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, sau 2 ngày điều trị, bé đã qua cơn nguy kịch và không còn phải thở máy.

Con của chị Duyên không còn thở máy sau 2 ngày điều trị tích cực. 

Theo bác sĩ CKI Trương Thị Cẩm Tú, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, vào mùa hè, số ca rắn cắn ở trẻ nhỏ tăng cao, đặc biệt là do rắn hổ và rắn lục. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm tính mạng chỉ vì người lớn thiếu hiểu biết, tự ý xử lý tại nhà hoặc chậm đưa đến cơ sở y tế.

Bác sĩ Cẩm Tú cảnh báo: “Một số gia đình vẫn tin vào mẹo dân gian như hút máu độc bằng miệng, đốt vết cắn, rạch vết thương, đắp lá cây hay buộc dây thật chặt ở tay chân. Những cách này không có cơ sở y học và có thể khiến tình trạng càng trầm trọng hơn”.

“ Khi bị rắn cắn, người dân cần giữ bình tĩnh không để nạn nhân di chuyển nhiều để tránh nọc độc lan nhanh. Phần bị cắn nên được bất động, không chà xát, không đắp bất kỳ chất gì lên vết thương và tuyệt đối không hút máu độc. Nếu có thể, nên ghi nhớ đặc điểm con rắn như màu sắc, hình dạng, có sọc hay không để bác sĩ dễ dàng xác định loại nọc và có hướng điều trị phù hợp. Việc cần làm nhất là đưa nạn nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được xử lý đúng chuyên môn", bác sĩ Cẩm Tú nhấn mạnh.

Ngoài ra, với các gia đình sống gần vùng sông rạch, nông thôn, cần phát quang bụi rậm quanh nhà, đóng cửa kín (đặc biệt là phòng ngủ), không để trẻ chơi một mình ở khu vực hoang vắng. Phụ huynh cần trang bị thêm kiến thức sơ cấp cứu để biết cách xử trí ban đầu khi có tình huống bất ngờ xảy ra.

Rắn cắn là tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu chủ quan nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh và điều trị khỏi nếu xử lý đúng cách và kịp thời. Đừng để sự cả tin vào những mẹo truyền miệng đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí là tính mạng của con trẻ./.

Hồng Phượng

Nguồn: https://baocamau.vn/sai-lam-trong-so-cuu-ran-can-hau-qua-kho-luong-a40026.html