Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sáp nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên để mở rộng không gian phát triển

Việt NamViệt Nam27/04/2025



Một góc thành phố Bắc Kạn

Từ sự tương đồng về điều kiện…

Thực tiễn tổ chức đơn vị hành chính các cấp thời gian qua, các địa phương đã đạt được kết quả tích cực trong công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2023 - 2025 hướng tới mục tiêu "tinh, gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả". 

Ngược dòng lịch sử, năm 1965, hai tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên đã từng hợp nhất thành một tỉnh có tên là tỉnh Bắc Thái. Sau khi đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ đổi mới, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi, năm 1996, Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết tái lập tỉnh Bắc Kạn trên cơ sở tách ra từ tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức hoạt động trở lại với 6 đơn vị hành chính cấp huyện. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính cấp huyện.

Với những lợi thế riêng, việc sắp xếp, nhập tỉnh được đánh giá sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tạo không gian và dư địa phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi tỉnh Bắc Kạn có lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, thủy điện, du lịch thì tỉnh Thái Nguyên lại có thế mạnh về công nghiệp, giáo dục, đào tạo... Hiện nay, ngành công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên phát triển với ngành luyện kim, cơ khí, khi kết hợp với nguồn nguyên liệu khoáng sản (sắt, chì, kẽm, đá vôi) ở Bắc Kạn sẽ tạo chuỗi sản xuất liên hoàn. Về khai thác khoáng sản, các mỏ than, vật liệu xây dựng ở Bắc Kạn có thể được khai thác hiệu quả hơn nhờ công nghệ và vốn từ Thái Nguyên. Về lâm nghiệp, Bắc Kạn có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất trong toàn quốc với diện tích rừng lớn, là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và nông sản ở Thái Nguyên. Trong lĩnh vực du lịch, Bắc Kạn có hồ Ba Bể, Khu ATK Chợ Đồn, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu du lịch sinh thái hồ Nặm Cắt… kết hợp với các điểm du lịch của Thái Nguyên như Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, hồ Núi Cốc, không gian văn hóa trà Tân Cương, đền Đuổm, An toàn khu Định Hóa... tạo thành tuyến du lịch sinh thái - lịch sử hấp dẫn. Về giáo dục, đào tạo, y tế, Thái Nguyên có Đại học Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương, khi sắp xếp, người dân Bắc Kạn được tiếp cận dịch vụ chất lượng cao hơn, các trường dạy nghề, trung tâm đào tạo có thể mở rộng sang Bắc Kạn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Về hạ tầng, việc sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên sẽ giúp hai tỉnh bổ trợ cho nhau, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển đồng đều, tạo thêm dư địa phát triển kinh tế - xã hội cho cả hai tỉnh. Đồng thời, sẽ hình thành một không gian phát triển thống nhất, kết hợp giữa thế mạnh công nghiệp - đô thị của Thái Nguyên với tiềm năng tài nguyên - sinh thái, nguồn lao động của tỉnh Bắc Kạn; tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ lao động của tỉnh Bắc Kạn về làm việc tại các khu công nghiệp lớn của tỉnh Thái Nguyên như Khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công..., từ đó nâng cao thu nhập người dân tỉnh Bắc Kạn.

Hiện nay, hai tỉnh có hệ thống giao thông kết nối tốt với nhau, đặc biệt là tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (qua Bắc Kạn), tuyến Quốc lộ 3, cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, giúp dễ dàng đi lại và vận chuyển hàng hóa. Việc sắp xếp, nhập tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch hạ tầng liên tỉnh hiệu quả hơn, thúc đẩy kết nối vùng.

Tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên có nhiều nét văn hóa tương đồng, cả hai tỉnh đều có cộng đồng người Tày, Nùng chiếm tỷ lệ lớn, với nhiều phong tục, lễ hội và sinh hoạt văn hóa tương đồng. Mặt khác, việc sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh, quốc phòng, đặc biệt trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận quân sự, thế trận an ninh, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Chủ tịch HĐND tỉnh Phương Thị Thanh cho rằng, chủ trương hợp nhất hai tỉnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp, sáp nhập hai tỉnh không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế; điều chỉnh về phân công, phân cấp; điều chỉnh về phân bổ và kết hợp nguồn lực kinh tế. "Chúng ta có quyền kỳ vọng và tin tưởng rằng sau hợp nhất, tỉnh nhà sẽ phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn về mọi mặt, hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong tỉnh", Chủ tịch HĐND tỉnh Phương Thị Thanh nhấn mạnh.

… Đến thống nhất phương án

Ngày 23/4 và ngày 24/4, HĐND tỉnh Bắc Kạn và HĐND tỉnh Thái Nguyên đều đã tổ chức Kỳ họp để ban hành Nghị quyết về chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Trước đó, các địa phương cũng đã lấy ý kiến Nhân dân và tổ chức Kỳ họp HĐND cấp xã, cấp huyện để thống nhất thông qua chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, thành lập tỉnh Thái Nguyên trên cơ sở sắp xếp, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Bắc Kạn và diện tích tự nhiên, dân số của tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị hành chính tỉnh Thái Nguyên sau sắp xếp có diện tích tự nhiên là trên 8.375 km2 (đạt 104,69% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 1.799.489 người (đạt 199,94% so với tiêu chuẩn) và 92 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc (gồm 77 xã và 15 phường). Nơi đặt trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh Thái Nguyên sau khi sắp xếp là tại tỉnh Thái Nguyên hiện nay.

Đề án sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên nêu rõ, kế thừa lịch sử, truyền thống lâu đời, tên gọi Thái Nguyên đã có từ năm 1831, khi tỉnh này được thành lập dưới triều Nguyễn. Thái Nguyên có quy mô kinh tế GRDP năm 2024 đạt trên 165 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 2/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách đạt trên 20.400 tỷ đồng, nằm trong top 20 của cả nước. Đặc biệt, Thái Nguyên là trung tâm công nghiệp lớn, với các khu công nghiệp lớn như Khu công nghiệp Yên Bình, Điềm Thụy, Sông Công I, Sông Công II,… thu hút trên 220 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt gần 12 tỷ USD, tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động và nguồn thu ngân sách ổn định sẽ đóng vai trò là đầu tàu, động lực tăng trưởng, phát triển của tỉnh mới.


Khu du lịch hồ Ba Bể được khai thác tạo thành tuyến du lịch sinh thái - lịch sử hấp dẫn
gắn với các điểm du lich của 2 tỉnh sau hợp nhất

Thái Nguyên có vị trí địa lý trung tâm, thuận lợi trong việc kết nối giao thông và liên kết vùng. Thành phố Thái Nguyên có vị trí trung tâm trong vùng trung du và miền núi phía Bắc, là cửa ngõ kết nối miền núi phía Bắc với đồng bằng Bắc Bộ, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 75 km và có hạ tầng giao thông phát triển với tuyến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và cao tốc nối tiếp Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn sẽ hoàn thành giai đoạn 2025 - 2030. Theo đó, việc kết nối giữa thành phố Thái Nguyên, thành phố Bắc Kạn và các địa bàn trong tỉnh sẽ thuận lợi hơn, giúp toàn tỉnh mới có sự kết nối thông suốt.

Đề án sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên cũng đánh giá toàn diện những tác động khi thực hiện sắp xếp. Trong đó, ngoài những mặt thuận lợi, việc sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên có thể gây ra một số khó khăn trong việc quản lý địa bàn rộng lớn, trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và quản lý dân cư. Việc sắp xếp, nhập tỉnh đòi hỏi phải tái cơ cấu bộ máy quản lý nhà nước, hợp nhất các cơ quan có chức năng tương đồng và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các doanh nghiệp, người dân có thể gặp khó khăn trong việc thay đổi thủ tục hành chính, thích nghi với các quy định mới và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh…

Đề án cũng xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ chính sách khi thực hiện sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; có phương án và lộ trình sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; có phương án và lộ trình thực hiện chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, việc sắp xếp đơn vị hành chính là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, của tỉnh. Thực hiện chủ trương sắp xếp, nhập tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên là cần thiết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, đồng thời bảo đảm yếu tố lịch sử của hai tỉnh, bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tạo liên kết vùng, mở ra không gian và dư địa phát triển mới cho các địa phương, đồng thời củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần phát huy mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân./.



Nguồn: https://backan.gov.vn/Pages/sap-nhap-tinh-bac-kan-vatinh-thai-nguyen-de-mo-ron-7845.aspx

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

"Đường quê" trong tâm thức người Việt
Góc nhìn đặc biệt từ tiêm kích Su30-MK2 nhào lộn thả bẫy nhiệt
Pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TP.HCM trong tiếng reo hò của người dân, du khách
Người dân chờ đợi 5 tiếng để chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ trên bầu trời TPHCM

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm