Bắc Ninh là tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng Trạng nguyên Nho học
Bắc Ninh là tỉnh có truyền thống khoa bảng, hiếu học, đây là một truyền thống vẻ vang mà ít có vùng đất nào có bề dày như đất Kinh Bắc.
Đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo ở quê nhà làng Hoài Bão (tục gọi là Bịu), tổng Nội Duê, huyện Tiên Du, nay thuộc xã Liên Bão, huyện Tiên Du (Bắc Ninh). |
Có thể khẳng định, Bắc Ninh là vùng đất khoa bảng nổi tiếng nhất ở nước ta. Tính theo địa danh, địa giới hành chính hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có 393 vị đỗ đại khoa, hơn 1.000 vị cử nhân, tú tài (thời kỳ phong kiến). Truyền thống vẻ vang đó vẫn được phát huy mạnh mẽ trong xã hội đương đại.
Theo ý kiến của tác giả, nhà nghiên cứu Lê Viết Nga tại một bài báo đăng trên Báo Bắc Ninh, có 3 yếu tố và điều kiện cơ bản cấu thành truyền thống hiếu học, khoa bảng của người Bắc Ninh, đó là yếu tố huyết thống và truyền thống; điều kiện xã hội và địa lý tự nhiên; điều kiện kinh tế.
Bắc Ninh- Kinh Bắc hội cả các yếu tố trên nên truyền thống hiếu học, khoa bảng có từ rất sớm và có nhiều người thành danh.
Số liệu thống kê theo toàn bộ bia “Kim bảng lưu phương”, bia “phụ ký” ở Văn Miếu Bắc Ninh thì Bắc Ninh- Kinh Bắc có tới 669 vị đỗ đại khoa (thời kỳ phong kiến).
Con số này đã trừ đi số vị đại khoa có tên trong bia “Kim bảng lưu phương” nhưng chỉ trú quán ở Kinh Bắc chứ không phải quê ở Bắc Ninh- Kinh Bắc: (3 vị).
So sánh với các tỉnh trong cả nước, Bắc Ninh - Kinh Bắc có số lượng các vị đỗ đại khoa nhiều nhất nước thời kỳ phong kiến. Theo địa danh, địa giới hành chính hiện nay (8 huyện, thị xã, thành phố), tỉnh Bắc Ninh có tổng số 393 vị đại khoa
Trong thời phong kiến, Bắc Ninh có nhiều đặc điểm nổi bật trong khoa cử như: Có người trúng tuyển trong kỳ thi đầu tiên của cả nước là Lê Văn Thịnh; có vị Trạng nguyên đầu tiên của nền khoa cử Việt Nam là Nguyễn Quan Quang...
Hay có khoa thi người Bắc Ninh đoạt cả danh hiệu Tam khôi (Trạng nguyên, Bảng nhỡn- tức Bảng nhãn và Thám hoa), cụ thể là các vị sau: Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, quê ở xã Hương Mạc (còn gọi là làng Me), Từ Sơn (xưa là Ông Mạc, huyện Đông Ngàn), nên dân gọi là Trạng Me; Bảng nhỡn- tức Bảng nhãn Hứa Tam Tỉnh, quê xã Như Nguyệt (còn gọi là làng Ngọt), xã Tam Giang, huyện Yên Phong; nên về sau mới có giai thoại - “Trạng Me đè Trạng Ngọt”; Thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm, quê ở xã Đông Thọ, huyện Yên Phong.
Đồng thời ông cũng là danh nhân khoa bảng đạt danh hiệu Thám hoa trẻ tuổi hàng nhất trong nước (18 tuổi).
Bắc Ninh có nhà khoa bảng đậu “Tứ nguyên” danh hiệu độc đáo nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam là Nguyễn Đăng, quê ở xã Đại Toán, huyện Quế Dương, thi 3 kỳ (Hương, Hội, Đình) đều đỗ đầu (Giải nguyên, Hội nguyên và Đình nguyên). Khoa thi Đình năm 1602 ông đỗ Hoàng giáp là cao nhất (tức là đệ nhất giáp đệ nhị danh) không có ai đỗ hàng đệ nhất giáp (Trạng nguyên, Bảng nhỡn, Thám hoa). Sau đó triều đình lại tổ chức 1 kỳ thi “ứng chế” (thi đối đáp) ông lại đỗ đầu, nên được vua tặng danh hiệu “Tứ nguyên” độc nhất trong nước.
Bắc Ninh có tổng cộng 15 vị nho sinh đỗ Trạng nguyên, cao hơn bất cứ số Trạng nguyên nào của tất cả các tỉnh, thành phố.
Bắc Giang có 4 Trạng nguyên nho học thời phong kiến Việt Nam
Trong lịch sử khoa cử ở nước ta, những người đi thi mà đỗ đầu khoa thi do vua trực tiếp chấm tuyển được gọi là Trạng nguyên.
Sau Trạng nguyên là Bảng nhãn, sau Bảng nhãn là Thám hoa, còn lại có các Tiến sỹ.
Ở Bắc Giang trong thời phong kiến từ thời Lý (thế kỷ XI) đến cuối thời Nguyễn (8/1945) có 58 vị tiến sỹ.
Trong số đó có 4 vị nho sinh đỗ Trạng nguyên là: Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi, Giáp Hải và Nguyễn Đình Tuân.
Đào Sư Tích và Đoàn Xuân Lôi là hai Trạng nguyên ở thời Trần thuộc thế kỷ XIV. Đào Sư Tích, người làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng (nay thuộc thành phố Bắc Giang) đỗ trạng nguyên năm 1374.
Còn Đoàn Xuân Lôi là người làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), đỗ Trạng nguyên năm 1384. Như thế, Trạng nguyên Đào Sư Tích đỗ Trạng nguyên trước Đoàn Xuân Lôi 10 năm. Cả hai cùng làm việc dưới triều Trần, cùng thời với nhau nhưng hai người ở khác vị trí.
Bia đá Đồi Cốc tại đền thờ Trạng nguyên Giáp Hải được công nhận là bảo vật quốc gia. |
Vị Trạng nguyên thứ ba của đất Bắc Giang là Trạng nguyên Giáp Hải - vị này còn được gọi là Trạng Kế. Gọi ông là Trạng Kế vì Giáp Hải là người ở Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhỡn, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc.
Giáp Hải đỗ Trạng nguyên năm 1538, ông là người có tài, từng đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) và làm quan đã trải Lục bộ thượng thư kiêm Đông các học sĩ, nhập thị kinh diễn, sau thăng tới Thái bảo, tước Kế Khê bá, đặc phong Sách Quận công, nhiều lần đi sứ phương Bắc và được phong Thiếu bảo.
Một vị nho sinh thi đỗ đầu với giải Đình Nguyên (thời nhà Nguyễn không lấy đỗ Trạng nguyên, mà giải Đình Nguyên tương đương với Trạng nguyên các đời trước). Đó là Nguyễn Đình Tuân. Có thể coi Nguyễn Đình Tuân là vị Trạng nguyên thứ tư của Bắc Giang.
Ông là người làng Trâu Lỗ, xã Mai Đình (Hiệp Hòa), đỗ đầu khoa thi 1901 ở kinh đô Huế (Đình Nguyên). Ông từng trải các chức tri huyện Việt Yên; giáo thụ Yên Bái; đốc học ở một số tỉnh, có nhiều học sinh thành đạt. Về sau khi ở Thái Nguyên, ông đem giống chè về trồng ở Tân Cương, thành chè Tân Cương.
Như vậy, sau khi sáp nhập tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, tỉnh Bắc Ninh khi hợp nhất sẽ là tỉnh có số lượng nho sinh đỗ Trạng nguyên, thi đỗ vị trí cao tương đương Trạng nguyên là 19 người (gồm 15 người Bắc Ninh và 4 người Bắc Giang).
Nguồn: https://baobacgiang.vn/sau-sap-nhap-bac-ninh-moi-la-tinh-dung-dau-ca-nuoc-ve-so-trang-nguyen-nho-hoc-postid418215.bbg
Bình luận (0)