Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Sẻ chia thầm lặng

Ngoài những cá nhân, tập thể đóng góp tích cực, giúp ích cho xã hội thì đâu đó vẫn có những người thầm lặng cống hiến, kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng. Bởi với họ, đơn giản là “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (thơ Tố Hữu).

Báo Long AnBáo Long An08/05/2025

1. Lớn lên trong gia đình có truyền thống chữa bệnh bằng y học cổ truyền, lương y Lê Văn Lợi (SN 1959, ngụ xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) theo cha học các bài thuốc dân gian, mẹo chữa bệnh bằng cây thuốc Nam.

Đến năm 2008, ông chính thức được cấp chứng nhận Lương y hành nghề và bắt đầu mở phòng khám tại nhà. Không bảng hiệu, không quảng bá, phòng khám của ông mở ra để phục vụ người nghèo, những người ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn trong tiếp cận y tế hiện đại.

Từ sáng đến chiều, nhất là vào thứ bảy, chủ nhật, căn nhà nhỏ của ông lại tấp nập bệnh nhân. Ông châm cứu, xoa bóp, đắp thuốc, xông thuốc,... để chữa những bệnh thông thường như cảm sốt, nhức mỏi, rối loạn tiêu hóa,... hoàn toàn miễn phí.

Chi phí thuốc thang, hoạt động khám, chữa bệnh đều được ông và gia đình tự lo liệu bằng việc đồng áng. Không chỉ là người thầy thuốc tận tụy, ông Lợi còn tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo bằng những bữa cơm, phần gạo, hỗ trợ chi phí đi lại cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.

Ông hiện là Chủ tịch Hội Đông y xã Tân Ninh. Trong 3 tháng đầu năm 2025, Hội vận động, đóng góp hơn 114 triệu đồng cho nhiều hoạt động thiết thực như phát gạo cho người nghèo, hỗ trợ tân binh, lắp đèn năng lượng nhà bia liệt sĩ, xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, hỗ trợ học sinh nghèo, bảo trợ xã hội,...

Với những nỗ lực trên, năm 2024, ông Lợi được Trung ương Hội Đông y Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Đông y và UBND tỉnh tặng Bằng khen vì những đóng góp trong xây dựng giao thông và công tác xã hội.

Chị Lương Thị Lan (ấp Kênh Bích, xã Tân Ninh, huyện Tân Thạnh) phụ giúp đắp thuốc cho bệnh nhân tại phòng khám của lương y Lê Văn Lợi

Một "mối duyên" trong hành trình làm nghề của ông là với chị Lương Thị Lan (SN 1990, ngụ ấp Kênh Bích, xã Tân Ninh). Trước đây, chị Lan mắc bệnh đau đầu kéo dài, đi chữa trị nhiều nơi không khỏi. Tình cờ biết đến ông Lợi, chị được ông chữa trị, chăm sóc, cưu mang trong suốt nhiều năm. Nhận thấy chị có duyên với nghề, ông Lợi hỗ trợ chị theo học ngành Đông y.

Giờ đây, chị Lan có chứng chỉ Lương y và tham gia khám, chữa bệnh tại trạm y tế cũng như phụ giúp tại cơ sở của ông Lợi. Bên cạnh y học cổ truyền, chị còn vận dụng kiến thức y học hiện đại để chăm sóc sức khỏe người dân. Từ một người bệnh, chị Lan nay trở thành người chữa bệnh và nối tiếp hành trình đầy ý nghĩa của thầy mình.

Chị Lan tâm sự: “Hồi đó, tôi đau đầu suốt nhiều năm, kinh tế gia đình lại eo hẹp, may mắn thay, tôi được người quen giới thiệu đến thầy Lợi chữa trị miễn phí. Tôi biết ơn thầy vô cùng! Cũng từ đó, tôi thấy mình có duyên với nghề, muốn học hỏi để tiếp nối con đường của thầy, cứu giúp những người có hoàn cảnh giống như tôi ngày trước”.

2. Nhiều năm qua, bà Đặng Thị Ngọc (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) luôn tích cực tham gia công tác thiện nguyện, đặc biệt là sẻ chia những giọt máu hồng, cứu giúp những mảnh đời bất hạnh. Bắt đầu từ năm 2007 đến nay, bà Ngọc đã hiến máu nhân đạo hơn 40 lần.

“Chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, tôi nghĩ mình may mắn có nhóm máu AB có thể truyền cho nhiều người. Vì vậy, tôi muốn góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ấy. Cứ đều đặn mỗi năm hai lần, tôi đến các điểm hiến máu trong và ngoài tỉnh để thực hiện công tác này” - bà Ngọc chia sẻ.

Tính đến nay, bà Đặng Thị Ngọc (xã Tân Trạch, huyện Cần Đước) đã hiến máu nhân đạo hơn 40 lần

Trong những ngày tháng khó khăn của đại dịch Covid-19, bà Ngọc không ngần ngại quyên góp 240 triệu đồng, phối hợp Hội Nông dân huyện Cần Đước hỗ trợ người dân. Nhờ đó, những chuyến xe chở đầy rau, củ, quả nghĩa tình đã đến với người dân ở huyện Châu Thành, Đức Hòa, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường,... mang theo sự sẻ chia và nguồn động viên to lớn.

Sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm giúp bà trở thành một tuyên truyền viên tích cực. Từ cơ quan đến các chi, tổ hội, bà nhiệt tình vận động mọi người cùng tham gia. Bà còn chủ động tham mưu UBND xã hỗ trợ tiền xăng xe, quà bánh để động viên những người hiến máu.

Khoảng 2 năm trở lại đây, bà Ngọc đảm nhận vai trò Tổ trưởng Tổ Vay vốn xã. Để nguồn vốn được trao đúng người - đúng việc, bà luôn tìm hiểu gia cảnh từng hộ, sau đó tư vấn nuôi bò, làm mộc, trồng trọt,... theo điều kiện phù hợp. Nhờ đó, nhiều gia đình đã có cơ hội phát triển kinh tế và hạn chế được tình trạng vay vốn lãi suất cao, góp phần ổn định cuộc sống của người dân trong xã.

Giữa dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại, vẫn còn đó những con người âm thầm cống hiến từng ngày cho cộng đồng bằng tất cả tấm lòng và tâm huyết, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.

Ngọc Hân - Hoàng Lan

Nguồn: https://baolongan.vn/se-chia-tham-lang-a194846.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm