Dự kiến vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (tháng 10.2024) sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua dự án Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (Luật Sĩ quan) theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Sau khi Bộ Quốc phòng lập hồ sơ đề nghị, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan, trong đó cơ bản thống nhất với 3 chính sách theo đề nghị của Bộ Quốc phòng.
Đó là: Hoàn thiện quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan QĐND Việt Nam; quy định cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan QĐND Việt Nam.
Trao đổi với Lao Động, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – cho hay, những chính sách trên rất cần thiết được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt là quy định về thời gian phục vụ tại ngũ với sĩ quan QĐND.
Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, qua thực tiễn cho thấy, hiện nay, độ tuổi nghỉ công tác với sĩ quan quân đội là thấp hơn so với lực lượng lao động chung và cả trong lực lượng vũ trang. Điều này có thể dẫn tới việc lãng phí nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kinh nghiệm phục vụ trong quân đội.
Do đó, để đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động và gìn giữ đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, cần tăng tuổi phục vụ tại ngũ của đội ngũ sĩ quan QĐND. Việc điều chỉnh chính sách này sẽ tác động tích cực đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của sĩ quan quân đội hiện nay.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho rằng: “Theo Luật Sĩ quan hiện hành, tuổi nghỉ hưu quá sớm rõ ràng có những bất lợi. Trong khi đó, sĩ quan quân đội được đào tạo qua các trường lớp bài bản mà thời gian công tác ngắn sẽ rất lãng phí nguồn nhân lực”.
Tuy nhiên, do tính chất ngành nghề lao động đặc biệt nên lực lượng trong quân đội có thể xem xét tính toán giảm độ tuổi nghỉ hưu do việc suy giảm khả năng lao động.
“Điều này giúp đảm bảo quyền lợi cho sĩ quan quân đội về thời gian công tác, thời gian đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu cũng như độ tuổi, sức khỏe, thời gian công tác” – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng cần có sự tính toán, có phương án trong việc sử dụng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành để phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm quý trong việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh.
Theo Luật Sĩ quan sửa đổi năm 2019 hiện hành, tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội được phân theo cấp bậc hàm. Theo đó, cấp úy là 46 tuổi; cấp thiếu tá là 48 tuổi; cấp trung tá là 51 tuổi; cấp thượng tá là 54 tuổi. Các độ tuổi nói trên áp dụng cho cả nam lẫn nữ.
Từ cấp đại tá, hạn tuổi cao nhất đối với nam là 57 tuổi, còn nữ là 54 tuổi. Đối với cấp tướng, nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi.
Luật cũng quy định rõ, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ so với quy định nhưng không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn.
Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/si-quan-quan-doi-ma-tuoi-nghi-huu-qua-som-la-rat-lang-phi-1373783.ldo