Một số lãnh đạo của các đại học khác cũng xem quyết định của chính phủ liên bang là đáng báo động với giáo dục đại học và sau đại học ở Mỹ.
Căng thẳng leo thang giữa Chính phủ Mỹ và Đại học Harvard
Ngày 22.5, Chính phủ Mỹ dừng việc tuyển sinh viên quốc tế của Đại học Harvard khi thu hồi chứng nhận của Đại học Harvard cho Chương trình sinh viên và trao đổi khách mời. Cụ thể, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ghi trong thông cáo "Harvard không còn thể tuyển sinh sinh viên quốc tế nữa và du học sinh hiện tại phải chuyển trường hoặc bị mất tư cách pháp lý (tại Mỹ)".
Du học sinh chiếm hơn 25% tổng số sinh viên ghi danh vào Đại học Harvard. Chính vì thế đơn kiện của Đại học Harvard có câu "Harvard không còn là Harvard nếu thiếu du học sinh"
ảnh: Trọng Phước
Chưa đầy 24 giờ, Đại học Harvard đã đệ đơn kiện ngược lại và yêu cầu Tòa án tạm dừng thi hành quyết định của Chính phủ. Chủ tịch Đại học Harvard, ông Alan Garber, thông báo rằng Tòa án liên bang Boston đã chấp nhận đơn của Harvard, tức cho phép trường tiếp tục tuyển sinh sinh viên và học giả quốc tế trong quá trình xử lý vụ kiện, và ấn định một phiên điều trần vào ngày 29.5.
Trong đơn kiện, Đại học Harvard nêu rõ trường có hơn 70 năm tuyển sinh viên, học giả quốc tế, nhưng "chỉ với một nét bút" chính phủ đã tìm cách xóa sổ 1/4 số sinh viên của trường, tức sinh viên quốc tế.
"Harvard không còn là Harvard nếu thiếu du học sinh"
Theo dữ liệu năm 2024-2025 của Đại học Harvard, trường đang có gần 7.000 du học sinh đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ, chiếm hơn 25% tổng số sinh viên ghi danh. Nếu tính luôn cả học giả và nhà nghiên cứu, cộng đồng quốc tế của Đại học Harvard vượt qua con số 10.000 người. Chính vì thế đơn kiện của Đại học Harvard có câu "Harvard không còn là Harvard nếu thiếu du học sinh" và được báo chí Mỹ và quốc tế đồng loạt trích dẫn.
Chia sẻ với Thanh Niên, một du học sinh Việt Nam tại Harvard yêu cầu giấu tên cho biết cảm thấy hơi lo lắng sau khi nhận được tin tức, nhưng không quá ngạc nhiên do chính quyền đã đe dọa từ trước. "Mình và nhiều bạn sinh viên quốc tế khá sốt ruột và hoang mang vì suốt cả chiều và đêm thứ năm (ngày có quyết định) trường không có một động thái hay hướng dẫn gì với sinh viên. Mãi đến sáng hôm sau, trường mới có email cho biết đã gửi đơn kiện", du học sinh này nói. Bạn cho biết đã tính qua một số phương án dự phòng như chuyển tiếp vào trường khác hoặc chờ xem liệu trường có phương án hỗ trợ trực tuyến hay "gap year" (nghỉ một năm). Ngoài ra, theo hướng dẫn của Harvard, bạn cũng sẽ cẩn thận nhiều hơn trong việc phát ngôn trên mạng và trong các nhóm, tránh các phát ngôn tiêu cực về chính quyền, hạn chế không ra khỏi Mỹ cho đến khi tốt nghiệp, mang đầy đủ giấy tờ mọi lúc mọi nơi, và tránh vi phạm pháp luật.
Tương tự, L., một du học sinh khác, chia sẻ hiện tại cảm thấy khá hồi hộp vì chính quyền Tổng thống Trump và Đại học Harvard có nhiều mâu thuẫn trong thời gian gần đây. Với L., bạn cảm thấy sợ vì không biết quy định mới (nếu có) thay đổi như thế nào và bạn phải làm gì. L. dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu và học tập theo tiến độ của trường. Ngoài ra, L. sẽ hạn chế di chuyển trong nội địa nước Mỹ, cũng cảnh giác hơn về những sự cố xảy ra.
Cả hai đều khá tự tin về khả năng bảo vệ sinh viên của Harvard và thắng kiện, tuy nhiên cũng có những phương án dự phòng nêu trên. Các bạn cho biết cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Harvard rất tích cực chia sẻ và động viên lẫn nhau vượt qua thời gian khó khăn này. Một trong hai sinh viên chia sẻ rằng "những trường hợp du học sinh Việt Nam đang chuẩn bị nhập cảnh trở lại Mỹ, các bạn cũng phân chia nhau để theo dõi, đề phòng trường hợp nhập cảnh gặp khó khăn và bị tịch thu điện thoại thì có thể ngay lập tức liên hệ với trường và Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ để được giúp đỡ". Ngoài ra, hai sinh viên này cũng khuyên nhau không phản ứng lập tức mà đợi những động thái chính từ trường.
Một số du học sinh Việt Nam tại Harvard khác từ chối phỏng vấn do diễn tiến vụ việc quá nhanh và chưa chính thức. Các bạn sẽ chờ thông tin chính thức từ trường và giáo sư.
Đại học Harvard được xem là biểu tượng của nền giáo dục Mỹ trên toàn cầu, giúp nước Mỹ thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới
ảnh: Trọng Phước
Sinh viên quốc tế đang trong tình trạng vô định
Rất nhanh sau khi lệnh cấm từ Chính phủ Mỹ đưa ra, Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) đã ra thông báo mời những sinh viên quốc tế đang học hoặc đã nhận được thư mời học của Harvard đến HKUST học. Thông báo có đoạn: "Trường sẽ gửi thư mời học vô điều kiện, với thủ tục tuyển sinh đơn giản, và hỗ trợ học thuật để tạo điều kiện chuyển tiếp dễ dàng cho sinh viên quan tâm".
Đồng Chủ tịch Hội Sinh viên Harvard, Abdullah Shahid Sial, người Pakistan, trả lời phỏng vấn với CNN rằng sinh viên quốc tế đang tình trạng vô định và "cực kỳ sợ hãi" vì không biết tình trạng pháp lý của mình. Sial cho biết một vài sinh viên còn là thanh thiếu niên đã phải đối mặt với tình huống như vậy khi ở cách xa quê hương hàng ngàn cây số. Karl Molden, sinh viên năm 3 đến từ Áo, cho biết: "Nhiều người trong chúng tôi đã làm việc cả đời để vào được một đại học như Harvard, và giờ chúng tôi phải chờ xem mình có phải chuyển trường và gặp khó khăn về thị thực hay không". Trả lời NBC Boston, nghiên cứu sinh tiến sĩ Alid Akef, người Ai Cập, cho biết vợ anh đang có thị thực J2 (thường là theo vợ/chồng có thị thực J1) và đang mang thai. Vì vậy, vụ việc là quá sức với anh nhưng anh vẫn tin Harvard sẽ bảo vệ sinh viên quốc tế.
Trong số du học sinh ở Harvard cũng có một vài nhân vật đặc biệt, ví dụ như công chúa Elisabeth, 23 tuổi, nữ hoàng tương lai của Bỉ. Người phát ngôn của cung điện hoàng gia Bỉ, Lore Vandoorne, cho biết công chúa vừa hoàn thành năm đầu tiên trong 2 năm học thạc sĩ về chính sách công và gia đình hoàng gia đang điều tra tình hình về việc tiếp tục học của công chúa.
Thư từ Văn phòng Hỗ trợ sinh viên quốc tế của Đại học Harvard
ảnh: D.U
Viễn cảnh tương tự có xảy với các đại học khác?
Trong một lá thư khác gửi sinh viên, Chủ tịch Đại học Harvard gọi quyết định của Chính phủ Mỹ là "bất hợp pháp và vô cớ" và "đe dọa tương lai" của hàng ngàn sinh viên và học giả Harvard. Ông cũng cho rằng đây là lời cảnh báo cho vô số du học sinh khác tại các trường cao đẳng và đại học trên khắp nước Mỹ, những người "đã đến Mỹ để theo đuổi con đường học vấn và thực hiện ước mơ của mình." Câu hỏi được đặt ra là liệu tình trạng tương tự có xảy ra với các đại học khác không?
Chủ tịch Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), bà Sally Kornbluth viết thông báo trên trang web của MIT gọi hành động của chính phủ liên bang là "tàn phá sự xuất sắc, cởi mở, và sáng tạo của người Mỹ. Đây là một thời điểm đáng báo động". Bên cạnh đó, bà Wendy Hensel, Chủ tịch hệ thống Đại học Hawaiʻi, trong thư gửi sinh viên và nhân viên cho rằng việc chính quyền Tổng thống Trump thu hồi quyền tuyển sinh sinh viên quốc tế của Đại học Harvard đang "ảnh hưởng đến toàn bộ nền giáo dục đại học (và sau đại học của Mỹ)".
Vì vậy, ông John Aubrey Douglass, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học thuộc Đại học California, Berkeley, nhận định, mặc dù Harvard là nạn nhân của thời điểm này, đây là lời cảnh báo chưa từng có của một chính phủ liên bang nhằm tác động quyền tự chủ của tất cả đại học lớn tại Mỹ.
Du học sinh đóng góp hàng tỉ USD vào hoạt động kinh tế Mỹ
Báo cáo Open Doors 2024 về trao đổi giáo dục quốc tế đã công bố tổng số sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là hơn 1,1 triệu sinh viên trong năm 2023 và 2024. Con số này tăng 7% so với năm học trước.
Sinh viên quốc tế không chỉ đóng góp tài năng học thuật và thể thao cho trường mà còn đóng góp hàng tỉ USD vào hoạt động kinh tế toàn nước Mỹ. Cụ thể, theo NAFSA, Hiệp hội các nhà giáo dục quốc tế, 1,1 triệu sinh viên quốc tế tại các trường cao đẳng và đại học Mỹ đã đóng góp 43,8 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ trong năm học 2023-2024 và hỗ trợ hơn 378.000 việc làm. Bà Fanta Aw, Giám đốc điều hành của NAFSA, gọi những đóng góp này là "đáng kể và đa dạng".
Nguồn: https://thanhnien.vn/sinh-vien-viet-nam-tai-harvard-hoang-mang-chuan-bi-phuong-an-du-phong-185250526103603259.htm
Bình luận (0)