![]() |
Quang cảnh hội nghị.
Sáng 29/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số dự và chủ trì hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo một số cơ quan thông tấn báo chí Trung ương; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)… Từ khóa quan trọng nhất của thời chuyển đổi số là “hợp tác” Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ sâu sắc về chuyển đổi số, cho rằng trong chuyển đổi số, cần chú trọng thí điểm rồi tiến hành phổ cập. Thí điểm nên có trọng tâm, tập trung vào chỗ có thể tạo ra sự đột phá, chú ý cách làm, các hỗ trợ và đánh giá chính sách.![]() |
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị.
Sau khi thí điểm thành công thì nhanh chóng phổ cập rộng rãi ra toàn quốc. Giai đoạn này cần đề ra mục tiêu, tiêu chuẩn về chất lượng… và chỉ quản lý theo mục tiêu, đồng thời đây cũng là giai đoạn đánh giá cán bộ về năng lực triển khai. “Giá trị của chuyển đổi số tăng theo cấp số nhân, chỉ khi phổ cập thì mới quyết định được thành công của chuyển đổi số và giá trị do chuyển đổi số mang lại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh. Bộ trưởng đặc biệt lưu ý vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thành công của chuyển đổi số khi thay đổi chiếm 70% và công nghệ chiếm 30%. Chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu. Người đứng đầu phải là người muốn thay đổi, chỉ có người đứng đầu mới có đủ uy tín, thẩm quyền và quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện, chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ những cái cũ. “Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng các công cụ số. Chuyển đổi số là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công nghệ số thì rất khó chỉ đạo công tác chuyển đổi số”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời dẫn quan điểm của Trung Quốc về chuyển đổi số: “Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, người đứng đầu phải làm trực tiếp và người đứng đầu phải thạo sử dụng”.Chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu. Người đứng đầu phải là người muốn thay đổi, chỉ có người đứng đầu mới có đủ uy tín, thẩm quyền và quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện, chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ những cái cũ.
Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, người đứng đầu phải làm trực tiếp và người đứng đầu phải thạo sử dụng.
![]() |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về ngành thông tin và truyền thông.
Dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho Vụ Pháp chế, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cờ thi đua của Bộ Thông tin và Truyền thông cho các tập thể xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023 của Bộ. Đồng thời, trao tặng Bằng khen cho 3 doanh nghiệp đạt giải thưởng ASEAN Digital Awards năm 2024, gồm Công ty Cổ phần Galaxy Play (Giải Vàng), Công ty Cổ phần VinBrain (Giải Vàng) và Công ty TNHH FPT IS (Giải Bạc); cùng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thông tin, tuyên truyền về ngành thông tin và truyền thông. Hoàn thành đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ… Về lĩnh vực viễn thông, doanh thu dịch vụ viễn thông quý I/2024 đạt 33.536,37 tỷ đồng, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm 2023 (32.792,65 tỷ đồng). Tính đến tháng 5/2024, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 82,2%, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 96,2% kế hoạch năm 2024. Tỷ lệ người sử dụng Internet ước đạt 78,1%, đạt 93% kế hoạch năm 2024. Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông Việt Nam giai đoạn 2024-2025; Chiến lược phát triển hệ thống cáp quang quốc tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch nâng cao chất lượng mạng viễn thông di động Việt Nam đến năm 2025; ban hành tạm thời giá cước dịch vụ viễn thông công ích năm 2024 và mức hỗ trợ cho các đối tượng được sử dụng dịch vụ viễn thông công ích năm 2024 của VNPT, Viettel, Vietnamobile, Vishipel.![]() |
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông chụp ảnh cùng các tập thể, cá nhân được nhận Cờ thi đua, Bằng khen tại hội nghị.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc xử lý triệt để SIM rác, yêu cầu người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông di động trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm cá nhân về việc xử lý triệt để vấn đề SIM rác (từ ngày 15/4/2024). Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét dừng phát triển thuê bao mới đối với các doanh nghiệp vi phạm và đề xuất hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu doanh nghiệp. Về lĩnh vực chuyển đổi số quốc gia, Bộ đã chỉ đạo xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024; Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 và các văn bản liên quan; phê duyệt Kế hoạch hành động năm 2024 triển khai Chiến lược phát triển ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Bộ cũng đã hoàn thành đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Đây là lần đầu tiên, sau khoảng 19 năm làm Dịch vụ công trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với 2 nội dung: đánh giá trực tuyến, không có sự can thiệp của con người; đánh giá Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Đối với lĩnh vực an toàn thông tin mạng, doanh thu 6 tháng đầu năm đạt 2.579 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 37,1% kế hoạch năm 2024. Số lượng lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước khoảng 3.903 lao động, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 92,1% kế hoạch năm 2024. Tính đến hết tháng 6/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp 9.131.496 chứng thư số công cộng, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm 2023 (6.540.927 chứng thư số). Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 6/2024 là 3.270.251, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động là 729.626, tăng 24,05%. Bên cạnh đó, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT 6 tháng đầu năm ước đạt 1.858.371 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử 6 tháng đầu năm ước đạt 1.753.071 tỷ đồng, tăng 28,1% và ước đạt 49,53% kế hoạch. Doanh thu lĩnh vực báo chí ước đạt 21.292 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ và đạt 48% kế hoạch năm. Tỷ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời ước đạt khoảng 92%, không đổi so với cùng kỳ năm 2023. Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới và quản lý, giám sát thông tin trên mạng; thực hiện rà quét, ngăn chặn kịp thời các thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội; xử lý nghiêm minh tình trạng “báo hoá” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, biểu hiện “tư nhân hoá” báo chí…
Bình luận (0)