Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, quan điểm chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Tổng Bí thư

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân29/02/2024


Tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đời trong bối cảnh đất nước ta đã trải qua hơn nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, cả nước đang nỗ lực, đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, quan điểm chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Tổng Bí thư -0
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương

Làm rõ thêm bối cảnh, thời điểm ra đời của cuốn sách tại Hội nghị, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao Phạm Lan Dung cho biết, tình hình quốc tế kể từ sau Đại hội XIII của Đảng đã có những biến động to lớn, khó lường, chưa từng có tiền lệ. Nhiều vấn đề lớn tác động mạnh đến nước ta về cạnh tranh địa chiến lược, khủng hoảng, xung đột, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên... Bối cảnh đó tạo ra cả thách thức lẫn cơ hội, rủi ro lẫn thời cơ.

"Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư có ý nghĩa góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận của Đảng về đối ngoại nói riêng và các vấn đề quan trọng trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam nói chung". Nhấn mạnh điều này, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao nêu rõ, nội dung cuốn sách đúc kết những tư tưởng cốt lõi của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam; hình thành nên trường phái đối ngoại, ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh đặc sắc và độc đáo, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”; là tài liệu tham khảo rất có giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Cuốn sách gồm 3 phần. Trong đó, phần thứ nhất gồm bài viết tổng quan và 7 bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Hội nghị Ngoại giao, Hội nghị đối ngoại toàn quốc, với các nội dung chính: tổng kết và hệ thống hóa sự phát triển về tư tưởng, lý luận của Đảng đối với công tác đối ngoại; cụ thể hoá bản sắc riêng của đối ngoại, ngoại giao Việt Nam một cách sinh động bằng hình tượng “cây tre Việt Nam”; tổng kết các thành tựu lớn của công tác đối ngoại trong gần 80 năm qua và chỉ ra các tồn tại, hạn chế, các bài học lớn; đánh giá nhận định của Đảng ta về thời đại ngày nay, những xu thế lớn của thế giới, các cơ hội và thách thức đối với Việt Nam; khẳng định quan điểm, lợi ích và tầm nhìn của Việt Nam trước những biến động của thế giới; chỉ rõ các nhiệm vụ của đối ngoại, ngoại giao trong thời gian tới.

Hội nghị phổ biến, quán triệt nội dung 2 cuốn sách mới của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác đối ngoại và phát huy đại đoàn kết dân tộc
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Hà Nội. Ảnh: Hồ Long

Phần thứ hai gồm 78 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn, thư, điện... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương. Các bài viết, bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng được lựa chọn, tổng hợp trên các cương vị khác nhau: Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết hình tượng “cây tre Việt Nam” trong cuốn sách như sau:

Thứ nhất, “vững ở gốc" gồm 3 nội hàm chính: kiên định nguyên tắc vì lợi ích quốc gia - dân tộc để phục vụ, là đường lối đối ngoại độc lập - tự chủ; lấy thực lực làm gốc, lấy đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế để tạo thế, lập thời; kiên định phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng soi đường, chỉ lối.

Thứ hai, “chắc ở thân” là những phương pháp tạo nên sức mạnh, có ba nội hàm chính: sức mạnh đoàn kết: trong đó đại đoàn kết trong nước là căn bản, đoàn kết quốc tế là nhân tố bổ trợ hết sức quan trọng với phương châm chủ đạo là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...; sức mạnh của sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; sức mạnh của tính chính danh, chính nghĩa, phương cách ứng xử nhân văn, có trước có sau, cách hành xử thượng tôn pháp luật và phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại.

Thứ ba, “uyển chuyển ở cành” là phong cách, nghệ thuật ứng xử ngoại giao: trong đó nguyên tắc căn bản là “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phương pháp "ngũ tri" - “biết mình, biết người”, “biết thời, biết thế”, “biết dừng, biết biến” của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.

Các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư tại các hoạt động và diễn đàn ngoại giao song phương, đa phương, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân được thực hiện trong suốt 20 năm qua.

Các bài viết của Tổng Bí thư thể hiện xuyên suốt quan điểm, chủ trương đối ngoại xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, đó là: đường lối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Các bài viết của Tổng Bí thư rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư.

Phần thứ ba gồm 52 bài viết, ý kiến của các chuyên gia, nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu, bạn bè quốc tế về những thành tựu đối ngoại, bản sắc “cây tre Việt Nam”; tập hợp những kỷ niệm, câu chuyện của các đại sứ, các cán bộ làm công tác đối ngoại, các nhà báo, người Việt Nam ở nước ngoài được tháp tùng, gặp gỡ Tổng Bí thư trong các chuyến thăm và làm việc ở trong và ngoài nước, qua đó cho thấy tình cảm, sự mến mộ, đánh giá rất cao mà bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư.

Các tác giả bài viết đánh giá cao về tính đúng đắn, khéo léo, uyển chuyển, nhưng rất kiên định về mục tiêu, nguyên tắc của đường lối đối ngoại của Việt Nam. Các tác giả bài viết cũng đánh giá cao đóng góp to lớn của đường lối đối ngoại đó vào thành công của Cách mạng Việt Nam. Các tác giả bài viết nhấn mạnh, hình tượng “cây tre Việt Nam”, một hình ảnh quen thuộc và gắn liền với văn hoá dân tộc, đã phản ảnh rất sinh động bản sắc của ngoại giao Việt Nam và là “hình ảnh phù hợp nhất” để mô tả chính sách đối ngoại Việt Nam. “Cây tre Việt Nam” chính là bản sắc của các chính sách lớn hiện nay như “bốn không”, cách thức ứng xử khéo léo nhưng có nguyên tắc của Việt Nam trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, và “cây tre Việt Nam” sẽ bền bỉ, đứng vững trước “bão tố”.

“Cẩm nang” về khoa học lãnh đạo trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc

Giới thiệu nội dung cốt lõi cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, cuốn sách là “cẩm nang” về khoa học lãnh đạo, để các ngành, các cấp, địa phương, cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân thuộc các giai tầng, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ, nắm vững những nội dung của đại đoàn kết, vai trò lãnh đạo của Đảng, nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hành đại đoàn kết dân tộc một cách hiệu quả.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu rõ, khi nghiên cứu cuốn sách, cần nắm vững 5 nội dung lớn mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, phân tích sâu sắc. Thứ nhất, đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam, được hun đúc, bồi đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Thứ hai, bước phát triển tư duy lý luận và sự lãnh đạo của Đảng về đại đoàn kết và xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ ba, những kết quả nổi bật trong việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời gian qua. Thứ tư, xác định đúng đắn bối cảnh mới và những vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Thứ năm, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, lan tỏa tư tưởng, quan điểm, chủ trương của Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến các tầng lớp Nhân dân, các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ đảng viên, thống nhất tư tưởng, ý chí và hành động như chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, chung sức, chung lòng hiện thực hóa khát vọng, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, phồn vinh, Nhân dân ta có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.



Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm