Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 4 với chủ đề “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”, vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh. Diễn đàn với sự tham gia của hơn 1.200 đại biểu đến từ các định chế tài chính quốc tế, các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); các nhà quản lý, lãnh đạo, chuyên gia đến từ 21 quốc gia; đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Theo đó, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành với mục tiêu giảm phát thải, xanh hóa các lĩnh vực kinh tế và phát triển có tính bao trùm. Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đã được phê duyệt.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam ủng hộ và luôn đồng hành cùng Liên Hiệp quốc trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện được các cam kết quốc tế cũng như triển khai hiệu quả các chủ trương lớn về phát triển bền vững, chỉ có nỗ lực hay quyết tâm chính trị vẫn chưa đủ, mà cần sự thấu hiểu, ủng hộ và chung tay rộng rãi của người dân, sự sáng tạo và tham gia mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và địa phương, tính đồng bộ và hiệu quả của chính sách. Đồng thời còn cần huy động một nguồn lực to lớn từ xã hội và các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
[caption id="attachment_440215" align="alignnone" width="1280"]Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp khoảng 1/5 GDP, hơn 1/4 thu ngân sách quốc gia, dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và xuất nhập khẩu, số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm gần 30% cả nước.
Tuy vậy, thành phố Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất (57,6 triệu tấn, chiếm 23,3% cả nước), về cơ bản nền kinh tế của thành phố chủ yếu vẫn phát triển theo hướng kinh tế tuyến tính và chưa được xanh hóa; công tác bảo vệ môi trường có nhiều tiến bộ song còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều việc phải làm tích cực hơn.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Diễn đàn tập trung 3 vấn đề chính: Tạo cơ hội trao đổi, học hỏi cùng tiến tới nhận thức chung để hành động về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; tận dụng tốt cơ hội kết nối và hợp tác chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới nhưng cũng đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính, nhân lực, công nghệ; các hoạt động tiếp nối sau Diễn đàn đòi hỏi một sự tương tác, phối hợp ở nhiều mức độ, cấp độ từ Trung ương đến địa phương, từ doanhnghiệp đến người dân.
Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương cần phát huy tinh thần chủ động trong việc triển khai thực thi hiệu quả các chủ trương, chính sách và chiến lược từ Trung ương, đồng thời xây dựng định hướng hay chiến lược phát triển kinh tế xanh phù hợp, xác định rõ lợi thế và các ngành/lĩnh vực, sản phẩm ưu tiên, nguồn lực triển khai và huy động các doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố mong muốn được gặp gỡ, lắng nghe, trao đổi và chia sẻ về chủ đề rất quan trọng này. Bởi vì, TP.HCM cùng với nhiều đô thị khác trên thế giới đã chứng kiến rõ ràng những tác động của biến đổi khí hậu, cùng với những bất cập, thiếu đồng bộ cần phải được giải quyết, thúc giục phải gắn kết chặt chẽ, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa để ứng phó.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM sáng 15/9 - Ảnh: Lê Toàn.
Diễn đàn Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh lần này còn là 1 trong những hành động nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới đã ký kết ngày 26/6/2023. Đồng thời thảo luận về nội dung thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường hợp tác với các trung tâm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai các biện pháp khuyến khích sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển, tạo môi trường thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hành trình tăng trưởng xanh, hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không.
Thành phố Hồ Chí Minh nhận thức rằng, sự phát triển kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu, nên đã chuyển hướng kiến tạo 1 hành trình mới là hành trình tăng trưởng xanh. Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn thiện khung Chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng TP.HCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư và du khách. Khung chiến lược xác định người dân, DN là trung tâm của chuyển đổi số; đồng thời thúc đẩy liên kết vùng và hợp tác quốc tế nhằm thực hiện 4 trụ cột. Đó là phát triển nguồn lực xanh; xây dựng hạ tầng xanh, phát triển hành vi xanh, xác định ngành hoặc lĩnh vực tiên phong./.
Thu Hằng
Bình luận (0)