Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo động lực thúc đẩy cá nhân tích cực đổi mới, sáng tạo, vươn lên đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên phát triển mới

TCCS - Nền tảng của các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là quan hệ lợi ích. Lợi ích cá nhân được điều tiết bởi nhu cầu và ý thức của chủ thể dưới tác động của các quan hệ kinh tế - xã hội, của các thể chế, thiết chế, nhất là nhà nước, pháp luật. Việc tạo động lực thúc đẩy cá nhân tích cực tham gia công cuộc xây dựng và phát triển đất nước là hết sức quan trọng.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản31/03/2025

Triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo nhằm góp phần kiến tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của thanh niên Việt Nam (trong ảnh: Các đại biểu tham gia "Ngày hội đổi mới sáng tạo Thủ đô lần thứ II & Phát động Cuộc thi thử thách Khởi nghiệp Việt toàn cầu lần thứ VII”, ngày 29-8-2024)_Ảnh: doanthanhnien.vn

Theo quan điểm triết học Mác - Lê-nin, cá nhân cấu thành xã hội, xã hội là tập hợp có tổ chức của những con người hiện thực theo trật tự, với những quy tắc, chuẩn mực nhất định. Tiếp cận từ góc độ lợi ích, có thể thấy, xã hội là sự tập hợp của các cá nhân và nhóm cá nhân theo đuổi những lợi ích nhất định và liên kết với nhau, trong quá trình đó hình thành nên các thể chế, thiết chế vận hành của xã hội. Xã hội giữ vai trò là môi trường, là nền tảng vật chất, tinh thần cho sự liên kết, sự tồn tại, phát triển của các cá nhân; cung cấp các điều kiện, tiền đề cho sự phát triển của cá nhân; là nơi thẩm định, đánh giá giá trị của cá nhân dựa trên những nguyên tắc, những chuẩn mực, yêu cầu và hệ giá trị được kết tinh qua quá trình lịch sử. Cá nhân bị ràng buộc, phụ thuộc vào xã hội, nhưng giữa cá nhân và xã hội có mối quan hệ tác động qua lại. Hoạt động của cá nhân có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của xã hội. Các mối quan hệ của cá nhân trong xã hội bị điều chỉnh bởi hệ thống thể chế và thiết chế nhất định để bảo đảm cho sự vận hành của xã hội.

Theo chủ nghĩa hành vi, mọi hành động của cá nhân được hiểu là những hành động có lý tính. Cá nhân cũng là chủ thể của xã hội với tư cách là chủ thể hoạt động thực tiễn. Nền tảng của các mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là quan hệ lợi ích. Lợi ích là động lực hoạt động của cá nhân. Lợi ích chính là tính hiện thực của nhu cầu; nhu cầu là động cơ hành động của cá nhân mang tính hướng đích nhằm đạt kết quả. Khi cá nhân ý thức được việc tìm kiếm lợi ích của bản thân trong mối quan hệ với lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội thì lợi ích đó mang tính xã hội. C. Mác từng khẳng định: “ngay từ đầu, đã có mối liên hệ vật chất giữa người với người, mối liên hệ này bị quy định bởi những nhu cầu và phương thức sản xuất và cũng lâu đời như bản thân loài người”(1). “Trong mọi hoàn cảnh, các cá nhân bao giờ cũng “xuất phát từ bản thân”, nhưng vì rằng họ không phải là duy nhất theo nghĩa là họ không cần liên hệ gì với nhau cả, bởi vì nhu cầu của họ, tức là bản tính của họ và phương thức thỏa mãn nhu cầu, làm cho họ liên hệ với nhau”(2).

Trong quan hệ với xã hội, cá nhân được hưởng những lợi ích vật chất và tinh thần từ xã hội, đồng thời có những quyền hạn và nghĩa vụ nhất định đối với xã hội. Lợi ích cá nhân luôn có sự điều tiết bởi ý thức của chủ thể dưới tác động của các quan hệ kinh tế - xã hội, của các thể chế, thiết chế, nhất là của nhà nước, pháp luật. Lợi ích xã hội là giá trị vật chất và tinh thần thỏa mãn nhu cầu chung của toàn xã hội, bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển của xã hội (nhân loại, quốc gia - dân tộc) trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Ở Việt Nam, gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đời sống nhân dân được nâng cao đáng kể. Để tiếp tục phát huy thành tựu của sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc tạo động lực lợi ích vật chất và tinh thần thúc đẩy cá nhân tích cực đổi mới sáng tạo trong các hoạt động kinh tế - xã hội là rất quan trọng. Nhằm kích thích, phát huy vai trò chủ động của cá nhân với tư cách là chủ thể xã hội trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước.

Để tạo động lực lợi ích vật chất và tinh thần thúc đẩy cá nhân tích cực, chủ động thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, cần giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:

- Có hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, phản ánh được nhu cầu và lợi ích chung của xã hội, đồng thời không cản trở việc thực hiện lợi ích cá nhân chính đáng.

-  Triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng ở trong nước và nước ngoài. Chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống văn hóa dân tộc và cơ chế thu hút nhân tài sẽ là động lực quan trọng trong thu hút nhân tài cho quốc gia - dân tộc.

- Bảo đảm thực hiện công bằng xã hội.

Cần thực hiện công bằng xã hội trong phân phối lợi ích: Cá nhân nhận được lợi ích thỏa đáng trong quan hệ với lợi ích xã hội, trong tương quan với lợi ích của cá nhân khác. Thực hiện nguyên tắc phân phối cơ bản hiện hành là làm theo năng lực, hưởng theo kết quả lao động, theo vốn góp, hay thông qua phúc lợi xã hội. Không đồng nhất công bằng xã hội với sự bình quân, cào bằng, mà cần thực hiện chế độ đãi ngộ theo mức độ đóng góp của mỗi cá nhân. Cùng với đó, cần thực hiện công bằng xã hội trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, nhất là đối với việc phân phối, sử dụng các nguồn lực xã hội, các nguồn lợi xã hội (bao gồm cả giá trị thông tin)… Việc thực hiện công bằng xã hội phải luôn gắn với phát huy dân chủ cũng như sự công khai, minh bạch.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước đang tiếp tục phát huy hệ thống động lực này, đồng thời khai phá những động lực mới mang tính đột phá làm nền tảng cho sự phát triển bứt phá của đất nước. Những động lực mang tính đột phá được Đảng xác định là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị; phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22-12-2024, của Bộ Chính trị, “Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” xác định rõ, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết cũng nêu rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó có nội dung tạo động lực cho các cá nhân, như quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; hoàn thiện thể chế; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài…

Thời gian qua, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24-1-2025, của Ban Chấp hành Trung ương, về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Điều này đòi hỏi tiếp tục khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực…, gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển; gắn tinh gọn bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, vị trí công tác, sự chuyên nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Trong sự phát triển của nền kinh tế nước ta, kinh tế tư nhân có vai trò rất quan trọng. Không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia, kinh tế tư nhân còn là nguồn tạo việc làm và thúc đẩy đổi mới sáng tạo,… Do đó, để thực hiện những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, việc thu hút và phát huy vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nhân, các nhà khoa học, các chuyên gia là hết sức cần thiết. Đặc biệt, chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng chính là quyết sách tạo động lực lợi ích vật chất và tinh thần thúc đẩy cá nhân tích cực sáng tạo trong thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển đất nước. Bên cạnh đó, sự thống nhất cao trong Đảng; sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong việc ủng hộ, nhất trí với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; sự lan tỏa, vinh danh, ghi nhận những cống hiến có giá trị cho đất nước của các tập thể, cá nhân cũng là một động lực tinh thần rất quan trọng.

Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú N’Trang Lơng (tỉnh Đắk Lắk) quan tâm các hoạt động ngoại khóa, đào tạo kỹ năng sống và sự sáng tạo cho học sinh_Ảnh: TTXVN

Để tạo động lực thúc đẩy cá nhân vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua thách thức, nâng cao hiệu quả hoạt động, không ngừng đổi mới sáng tạo, bên cạnh việc xây dựng hệ thống động lực lợi ích vật chất, tinh thần, cần xây dựng môi trường văn minh, nhân văn.

Môi trường văn minh, nhân văn tạo động lực thúc đẩy cá nhân đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động, là môi trường đề cao giá trị con người, tạo điều kiện thuận lợi và kích thích cá nhân vượt qua giới hạn của bản thân, vượt qua thách thức của công việc, chuyển tri thức, ý tưởng thành hành động, mang lại sự gia tăng giá trị trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Môi trường này bao gồm các yếu tố về tổ chức và cơ chế; cơ sở vật chất; động lực tinh thần. Thời gian qua, có nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã xây dựng được môi trường làm việc mà ở đó, việc thực hiện nhiệm vụ của cá nhân được khuyến khích, thúc đẩy, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Môi trường làm việc văn minh, nhân văn là điều người lao động luôn mong muốn, trong đó các chủ thể hoạt động được xác định rõ quyền lợi và nghĩa vụ, các quan hệ lợi ích không xung đột, không vi phạm pháp luật, có sự đồng thuận, bộ máy hoạt động thông suốt, hiệu quả, bố trí đúng người, đúng việc để cá nhân có cơ hội bộc lộ, phát huy năng lực, cảm nhận được giá trị lao động của bản thân và có cơ hội phát triển, có sự cởi mở, tin tưởng, hợp tác, chia sẻ, được truyền cảm hứng sáng tạo để nâng cao hiệu quả công việc, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung. Đó là môi trường có sự trân trọng, tôn vinh, động viên, đãi ngộ (về vật chất và tinh thần) đối với người lao động khi họ hoàn thành tốt công việc, khuyến khích họ không ngừng nâng cao trình độ. Những điều này sẽ thúc đẩy năng lượng tích cực, khát vọng cống hiến của mỗi cá nhân, giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức, có niềm vui, hạnh phúc trong công việc và lan tỏa năng lượng tích cực đến đồng nghiệp.

Về cơ sở vật chất, môi trường văn minh, nhân văn phải có điều kiện mặt bằng tốt, với các trang thiết bị đầy đủ, ở trạng thái hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu thực thi nhiệm vụ của cá nhân, tổ chức.

Một trong những yếu tố tạo tiền đề cho sự phát triển cá nhân về thể chất, tinh thần, trình độ năng lực là điểm tựa gia đình. Theo đó, cần củng cố thiết chế gia đình theo hướng xây dựng gia đình văn hóa một cách thực chất, thực hiện có hiệu quả “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030”, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội. Qua đó, tạo động lực phấn đấu vì gia đình của cá nhân trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực, tệ nạn xã hội trong gia đình, bảo đảm bình đẳng giới. Phát huy vai trò của kinh tế hộ gia đình để các gia đình có nền tảng tài chính, có điều kiện phát triển kinh tế, đầu tư cho nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục các thành viên.

Thực hiện tốt các chính sách phát triển văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc chính là điểm tựa tinh thần, là nền tảng, là hành trang và nguồn động lực, nguồn cảm hứng vô tận thúc đẩy sự sáng tạo, vượt khó, vượt qua giới hạn bản thân của mỗi cá nhân. Tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước, dân tộc luôn là động lực thúc đẩy khát vọng cống hiến của mỗi cá nhân, thôi thúc họ hướng đến xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.

Thực hiện tốt các chính sách về y tế, giáo dục và đào tạo nhằm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho mỗi cá nhân. Phát triển giáo dục và đào tạo theo hướng toàn diện, đồng thời coi trọng đào tạo kỹ năng nghề; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học và đội ngũ doanh nhân tài năng để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt công tác an sinh xã hội, quan tâm đến các đối tượng còn nhiều khó khăn trong nông dân, công nhân, đồng bào vùng sâu, vùng xa, đối tượng chính sách... Giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách tiền lương; thực hiện có hiệu quả các chính sách xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn xã hội…/.

------------------------

(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t. 3, tr. 43
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 642

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1072802/tao-dong-luc-thuc-day-ca-nhan-tich-cuc-doi-moi%2C-sang-tao%2C-vuon-len-dap-ung-yeu-cau-cua-ky-nguyen-phat-trien-moi.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sa Pa rực rỡ chào hè với Lễ hội Hoa hồng Fansipan 2025
Tạp chí danh tiếng tiết lộ những điểm đến đẹp nhất Việt Nam
Rừng Tà Kóu tôi đi
Phi công kể lại giây phút 'bay qua biển cờ đỏ ngày 30-4, tim rung lên vì Tổ quốc'

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm