Trong những năm qua, nhà trường luôn chú trọng phát huy, bồi đắp truyền thống, giá trị nghệ thuật, kỹ thuật quân sự Việt Nam; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) gắn với yêu cầu thực tiễn của các đơn vị và nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Các thế hệ học viên sau khi tốt nghiệp không chỉ có trình độ, tri thức kỹ thuật quân sự hiện đại mà còn nắm vững các kỹ thuật, tri thức truyền thống, có năng lực quản lý, chỉ huy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nhà trường còn đào tạo học viên kỹ thuật quân sự cho nước bạn Lào và Campuchia, góp phần vào công tác đối ngoại quốc phòng, tăng cường đoàn kết, hữu nghị giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Lãnh đạo, chỉ huy Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự kiểm tra các mô hình, sáng kiến phục vụ công tác đào tạo. |
Để thực hiện mục tiêu đào tạo cán bộ, sĩ quan kỹ thuật bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hội đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, trình độ kiến thức, kỹ năng thực hành, thái độ và kỷ luật công nghệ... Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự đã xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng, duy trì thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về GD-ĐT, bảo đảm đáp ứng chuẩn đầu ra. Chuẩn đầu ra được nhà trường xây dựng trên cơ sở: Khảo sát thực tiễn đơn vị, yêu cầu của cơ quan chủ quản cấp trên, phản hồi của các học viên sau khi tốt nghiệp, ý kiến đóng góp của chuyên gia và cán bộ chuyên môn... Từ đó, nhà trường xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo sát với các tiêu chuẩn, yêu cầu mới.
Quá trình tổ chức GD-ĐT theo chu trình gắn với kế hoạch, kiểm tra, cải tiến chất lượng đào tạo diễn ra thường xuyên, liên tục; đáp ứng yêu cầu, thích ứng với xu thế phát triển nhanh của khoa học-công nghệ (KH-CN), hoạt động đổi mới KH-CN ở các đơn vị. Đối với đào tạo các chuyên ngành kỹ thuật quân sự luôn đòi hỏi cao về năng lực thực hành, bên cạnh công tác huấn luyện, thực hành trên mô hình, mô phỏng công nghệ kỹ thuật, trang thiết bị, vũ khí, nhà trường đã xây dựng cầu nối giữa học viên với đơn vị và cơ sở kỹ thuật thông qua các hoạt động: Học viên thực tập kỹ thuật, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và thực tập chức trách cuối khóa ở cương vị công tác chuyên môn, chỉ huy, quản lý ở các đơn vị; phát phiếu lấy ý kiến phản hồi từ các đơn vị đối với học viên thực tập để hoàn thiện, bổ sung chương trình, nội dung đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo... Nhờ đó, nhà trường đã bảo đảm được năng lực thực hành của học viên sau khi tốt nghiệp, khẳng định được thế mạnh đặc trưng, chất lượng, hiệu quả đào tạo.
Nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy; tích cực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy, học và đánh giá kết quả theo yêu cầu “Dạy thiết thực, học tích cực, đánh giá kết quả thực chất”; quan tâm chỉ đạo đột phá trong đổi mới phương pháp, kỹ năng giảng dạy tại các bộ môn, khoa và các phương pháp đánh giá kết quả lĩnh hội kiến thức, năng lực thực hành của học viên tại các lớp học; tăng cường phối hợp giữa giảng viên với cán bộ quản lý giáo dục. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên được xem là nhân tố quyết định, trung tâm của công tác GD-ĐT, phát triển về cả số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa nhà trường. Hiện nay, 100% cán bộ, giảng viên Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự có trình độ đại học và sau đại học, trong đó có 3 phó giáo sư, 40 tiến sĩ, 145 thạc sĩ, 15 Nhà giáo Ưu tú, 29 nhà giáo được công nhận nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng... Để có sự phát triển đột phá này, nhà trường luôn quan tâm, chủ động xây dựng, làm tốt công tác tạo nguồn đào tạo sau đại học, đồng thời phát huy tinh thần tự học, tự rèn để nâng cao trình độ của cán bộ, giảng viên; tổ chức tốt các phong trào thi đua, nghiên cứu khoa học, đăng ký thực hiện sáng kiến, mô hình đổi mới, sáng tạo...
Hằng năm và trong các nhiệm kỳ, nhà trường có kế hoạch cử cán bộ đi học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên sâu và tổ chức đào tạo tại chỗ qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, nghiệp vụ quản lý giáo dục, xây dựng chương trình và kiểm định chương trình. Hằng năm, nhà trường tổ chức thi giảng viên dạy giỏi, trưởng bộ môn giỏi để đề nghị xét danh hiệu các cấp, tạo môi trường cho cán bộ, giảng viên cọ xát về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, tiếp thu kinh nghiệm; tổ chức cho giáo viên đi thực tế đơn vị, tham quan và viết báo cáo...
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh phát triển KH-CN, chuyển đổi số, coi đây là động lực quan trọng để đưa đất nước phát triển trong kỷ nguyên mới; nhiệm vụ xây dựng Quân đội ta “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” đã và đang đặt ra những thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để nhà trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT. Với truyền thống quý báu và nguồn lực về cơ sở vật chất, con người, phát huy những kinh nghiệm, thành tựu đạt được trong suốt 50 năm qua, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự xác định tiếp tục đột phá, đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT; phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, bám sát phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.
Trên cơ sở thực tiễn và những yêu cầu mới, nhà trường đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, gắn quá trình đào tạo tại trường với các hoạt động thực tiễn tại đơn vị; tập trung đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng hiện đại; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, mô hình, ứng dụng KH-CN phục vụ nghiên cứu khoa học. Nhà trường phấn đấu hằng năm thực hiện 30-35 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học; đào tạo cán bộ, sĩ quan kỹ thuật có chất lượng cao; xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.
TRẦN HỒNG THANH
Nguồn: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tao-dot-pha-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dao-tao-827628
Bình luận (0)