Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, góp ý một nội dung có ý nghĩa thiết thực, gắn bó mật thiết với cộng đồng – đó là việc hoàn thiện cơ chế quản lý di sản văn hóa ở cấp xã trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa lâu đời, với hàng trăm nghìn di tích, lễ hội và tri thức bản địa tồn tại hàng thế kỷ ở cấp làng xã.
Di sản không chỉ là dấu ấn của lịch sử, mà còn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là nguồn lực nội sinh cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch.
Tuy nhiên, theo đại biểu, thực tế cho thấy cấp xã – nơi trực tiếp gìn giữ và phát huy các giá trị di sản – lại đang gặp nhiều khó khăn do khuôn khổ pháp lý còn chưa rõ ràng, phân cấp chưa cụ thể, nguồn lực còn hạn chế.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội
Đại biểu đánh giá cao những sửa đổi tích cực trong Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này. Đặc biệt, việc bổ sung thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân xã trong việc quyết định các biện pháp phát triển văn hóa; quyết định các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn; cũng như thông qua quy hoạch sử dụng đất... là bước tiến quan trọng để cấp xã chủ động hơn trong việc bảo tồn và phát huy di sản tại chỗ. Đây là hành lang pháp lý cần thiết để các địa phương có thể tu bổ đình, đền, duy trì lễ hội truyền thống, phục dựng nghề thủ công và giữ gìn không gian văn hóa làng xã.
Ngoài ra, quy định cho phép cấp xã quyết định các biện pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, tín ngưỡng tôn giáo – nếu được triển khai tốt – sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ động hơn trong gìn giữ tri thức bản địa, ngôn ngữ dân tộc, hát dân ca, nghi lễ truyền thống – vốn đang có nguy cơ mai một nhanh chóng.
Tuy nhiên, đại biểu cũng nhấn mạnh: "Nếu chỉ mở rộng thẩm quyền mà không đi đôi với nâng cao năng lực, thì rất dễ dẫn đến tình trạng "giao việc mà không giao quyền thực chất". Hiện nay, nhiều cán bộ văn hóa xã còn thiếu kiến thức chuyên môn về bảo tồn di sản, thiếu nguồn kinh phí, thiếu hướng dẫn kỹ thuật. Một số xã muốn phục dựng lễ hội hoặc tu bổ di tích cũng chưa biết phải bắt đầu từ đâu, trình hồ sơ cho ai, và phối hợp với ngành nào".
Vì vậy, đại biểu Bùi Hoài Sơn đề xuất:
Thứ nhất, cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đi kèm với Luật, trong đó quy định cụ thể về phân cấp, ủy quyền quản lý di sản cho cấp xã – đặc biệt là những di sản đã được công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia trở xuống.
Thứ hai, tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ văn hóa xã về chuyên môn bảo tồn, kỹ năng lập hồ sơ di sản, và cách huy động nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ các xã khó khăn tiếp cận Quỹ bảo tồn di sản.
Thứ ba, khuyến khích các xã xây dựng quy chế cộng đồng trong quản lý di sản – lấy người dân làm trung tâm, để việc bảo tồn không chỉ mang tính hình thức mà thực sự là hành động gìn giữ ký ức và bản sắc của cộng đồng.
"Trong thời đại phát triển nhanh và hội nhập sâu rộng, nếu không có cơ chế rõ ràng và hiệu quả để bảo vệ di sản ngay từ cấp cơ sở, thì không gian văn hóa làng xã, cội rễ tinh thần của người Việt rất dễ bị phai nhạt. Việc sửa đổi Luật lần này không chỉ là hoàn thiện tổ chức chính quyền, mà còn là bước khởi đầu để khơi dậy nội lực văn hóa trong phát triển bền vững từ gốc", đại biểu nêu ý kiến.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-can-thiet-de-cac-dia-phuong-giu-gin-khong-gian-van-hoa-lang-xa-20250509102847803.htm
Bình luận (0)