Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tạo thế vững bền vươn mình cùng đất nước

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng để triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 03 của Chính phủ gồm: (i) Nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy; (ii) Hoàn thiện thể chế; (iii) Tăng cường đầu tư và hoàn thiện hạ tầng; (iv) Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, triển khai các nhiệm vụ đột phá, đổi mới sáng tạo; (v) Tăng cường hợp tác quốc tế.

Thời báo Ngân hàngThời báo Ngân hàng08/05/2025

Không phải đến bây giờ, khi Nghị quyết số 57-NQ/TW

(Nghị quyết 57) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được ban hành, ngành Ngân hàng mới bắt đầu thôi thúc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Ban Thường vụ và Ban lãnh đạo NHNN nhận thức rất rõ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là điểm căn cơ, cốt lõi để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao. Vì vậy, NHNN đã triển khai rất nhiều giải pháp và là một trong những bộ, ngành được Chính phủ đánh giá, ghi nhận về những kết quả trong thực hiện chuyển đổi số và thúc đẩy đổi mới sáng tạo”.

Đặc biệt, Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ban hành ngày 5/3/2025 triển khai Nghị quyết 57 không chỉ là một mệnh lệnh hành chính, mà còn là lời hiệu triệu, khơi dậy khát vọng trong từng cán bộ, người lao động ngành Ngân hàng, góp sức phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Khi đổi mới sáng tạo ăn sâu vào nếp nghĩ

Lên huyện vùng cao Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, gặp chị Lù Thị Dung - Trưởng phòng Kế toán Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nậm Nhùn, chúng tôi càng thấu hiểu, đổi mới, sáng tạo không có ranh giới địa lý. Vào Ngành từ năm 2008 và hiện đang công tác tại huyện nghèo miền núi biên giới, chị Dung gặp không ít khó khăn khi nhà xa, địa bàn hoạt động rất trắc trở, trình độ của người dân trong vùng còn thấp. Song tất cả không ngăn cản được người cán bộ ngân hàng mang trong tim tâm huyết “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, mà càng thôi thúc chị không ngừng sáng tạo, tham gia và thực hiện các sáng kiến, giải pháp áp dụng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Có thể kể ra đây đồng sáng kiến “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay đối với cho vay nhà ở xã hội tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nậm Nhùn” đã góp phần không để xảy ra các sai sót về xác định mức cho vay vượt nhu cầu vay vốn, xác định tỷ lệ khối lượng hoàn thành vượt quá tỷ lệ khối lượng vật liệu đã mua/tổng

khối lượng dự toán, làm giảm thời gian triển khai cho vay và nâng cao chất lượng hiệu quả vốn vay. Hay như “Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy nhiệm của Tổ tiết kiệm và vay vốn tại Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nậm Nhùn” mà chị tham gia đã thúc đẩy hiệu quả hoạt động ổn định của các Tổ tiết kiệm và vay vốn với việc chấm điểm đánh giá chất lượng hoạt động ủy nhiệm. Đáng nói là trong 5 năm gần đây, năm nào chị cũng có đóng góp ít nhất một sáng kiến cho đơn vị.

Thêm một câu chuyện khác. Trên cương vị Phó giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long. Sáng kiến “Affiliate – Tiếp thị liên kết năm 2022” của chị đã giúp các ngân hàng tại Việt Nam dễ dàng gia tăng lượng người dùng bằng cách chia sẻ link tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tik Tok... Các đối tác của chương trình sẽ trở thành một trung gian quảng cáo cho các sản phẩm của ngân hàng, giới thiệu đến người dùng tiềm năng. Sáng kiến này giúp mở rộng quy mô bán hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng doanh số dịch vụ dành cho khách hàng bán lẻ.

Còn rất nhiều những tấm gương như thế trong thời gian qua. Chỉ riêng trong Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động năm 2021, ngành Ngân hàng đã có 17.478 sáng kiến của cán bộ, nhân viên được đăng nhập, đạt 106% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Các sáng kiến tham gia Chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực tại cơ quan, đơn vị, được các cấp có thẩm quyền công nhận và được áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế lớn, đóng góp vào việc hoàn thành xuất sắc kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận: “Các sáng kiến đã thể hiện sức sáng tạo và trí tuệ của người lao động ngành Ngân hàng, kịp thời thích ứng với điều kiện sống, làm việc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và trong giai đoạn bình thường mới, góp phần quan trọng vào việc ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị”. Đồng thời, thực hiện chủ trương quan trọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội”.

Đây chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của ngành Ngân hàng trong dặm dài phát triển. Đặc biệt kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ Đổi mới, ngành Ngân hàng đã đi tiên phong triển khai thực hiện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với những tiêu chí và định lượng cụ thể, được đề ra trong các Chiến lược phát triển Ngành, các kế hoạch cải cách hành chính, kế hoạch chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hàng năm, các định hướng này được cụ thể hóa và điều chỉnh linh hoạt theo diễn tiến phát triển của nền kinh tế, ngành Ngân hàng cùng những chỉ đạo, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Trong hành trình hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Ngân hàng còn trở thành một động lực hỗ trợ các bộ, ngành và nền kinh tế hiện đại hóa, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế
Trong hành trình hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Ngân hàng còn trở thành một động lực hỗ trợ các bộ, ngành và nền kinh tế hiện đại hóa, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế

Đặt người dân, doanh nghiệp vào trung tâm

Và trong tất cả các kế hoạch ấy, câu chuyện phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số luôn được Thống đốc NHNN hiệu triệu các TCTD cùng tham gia và nêu rõ quan điểm xuyên suốt là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo. Kết quả là NHNN thường xuyên xếp thứ hạng cao trong các bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số. Các TCTD không ngừng lớn mạnh với nhiều ngân hàng đã có mặt trong các bảng xếp hạng và vinh danh của các tổ chức trong nước, quốc tế từ quy mô, thương hiệu đến các sản phẩm dịch vụ hiện đại vì cộng đồng, doanh nghiệp và phát triển bền vững.

Đặc biệt trong hành trình hiện đại hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, ngành Ngân hàng còn trở thành một động lực hỗ trợ các bộ, ngành và nền kinh tế hiện đại hóa, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế. Đằng sau những kết quả, bước tiến trong hải quan điện tử, thuế điện tử, dịch vụ công toàn trình, thanh toán không dùng tiền mặt là sự hậu thuẫn không ngừng nghỉ của ngành Ngân hàng. Với tinh thần kết nối để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, NHNN đã chỉ đạo các TCTD, trung gian thanh toán (TGTT) thực hiện Kế hoạch triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng và Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Công an và NHNN.

Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, các hoạt động dịch vụ, tín dụng ngân hàng đã thích ứng nhanh chóng và hiệu quả với xu hướng thanh toán không tiếp xúc, đảm bảo hoạt động ngân hàng 24/7 không gián đoạn, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là điểm tựa để NHNN triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW

(ngày 25/10/2017) về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Mặc dù có nhiều hệ thống về kết nối thanh toán và phải cơ cấu 63 chi nhánh NHNN tỉnh thành về 15 khu vực chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, nhưng ngay từ ngày đầu chuyển đổi, hoạt động toàn hệ thống vẫn thông suốt và không ảnh hưởng đến giao dịch của doanh nghiệp và người dân.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của NHNN vì thế ngày một nâng cao và được phản ánh sinh động qua việc NHNN có 7 năm đứng đầu trong hệ thống đánh giá chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành (Par index). Năm 2024, mặc dù không xếp hạng các bộ, ngành, song kết quả cho thấy Par Index của NHNN cao nhất từ trước tới nay, đạt 93,66, trong đó 6 chỉ số thành phần về cải cách hành chính của NHNN đều có giá trị trung bình trên 90%.

Đến nay, NHNN và các TCTD đã đạt được một số kết quả nổi bật trong thực hiện kế hoạch tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN như: NHNN đã nghiên cứu, hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; ban hành Chương trình xây dựng thông tư năm 2025 của NHNN với tổng số thông tư dự kiến là 21; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đã và đang triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là lĩnh vực thanh toán và ngân hàng số theo chương trình đã được phê duyệt nhằm phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. Các TCTD đã điều chỉnh các quyết định phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ, đồng thời tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm đi đôi với bảo đảm an ninh, an toàn và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.

Vì một Việt Nam thịnh vượng

Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định, những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm Đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp Việt Nam tích lũy đủ thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất, là cơ hội đặc biệt, giai đoạn nước rút để đạt được mục tiêu chiến lược trong 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc để đạt các mục tiêu kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Chỉ ra rằng cuộc CMCN 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số, đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc, Tổng Bí thư yêu cầu phải đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế để phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân; phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt, tất cả vì sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Trên tinh thần đó, đồng thời quán triệt nội dung Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 03/NQ-CP (Nghị quyết 03) ngày 9/1/2025 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 57, NHNN đã nghiên cứu, rà soát đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ ngành Ngân hàng được giao để ban hành kế hoạch triển khai của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 1364/QĐ-NHNN ngày 5/3/2025.

Các nhiệm vụ tại Kế hoạch đã được giao cụ thể đến các đơn vị thuộc NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để tổ chức triển khai, hiện thực hóa mục tiêu đưa phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để ngành Ngân hàng phát triển nhanh, bền vững, an toàn, góp phần vào sự phát triển bứt phá, giàu mạnh của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Trong đó, để nâng cao nhận thức và có những đột phá tư duy mới trong Ngành, NHNN sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch phát động phong trào học tập trên nền tảng số, để trở thành một phong trào “học tập số” thường xuyên.

Thống đốc chỉ đạo “khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển”. Trong đó, yêu cầu Vụ Pháp chế cùng các vụ, cục liên quan rà soát các quy định liên quan do NHNN ban hành để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn phục vụ hoạt động phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng. Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngành Ngân hàng trên môi trường số; Có giải pháp linh hoạt, sáng tạo hiệu quả cho phép sử dụng các giấy tờ điện tử tích hợp trên tài khoản định danh điện tử thay thế với giấy tờ giấy khi thực hiện các thủ tục hành chính; sớm có phương án cắt giảm các thành phần hồ sơ khi dữ liệu đã được số hóa.

Hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục được tăng cường đầu tư, hoàn thiện. Trong đó, sẽ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hệ thống quản lý văn bản điều hành và lưu trữ; Thay thế hệ thống báo cáo NHNN trong ứng dụng công nghệ Big Data- AI phục vụ cho công tác điều hành ra quyết định chính sách quản lý nhà nước của NHNN; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo dựa vào dữ liệu lớn nhằm cung cấp các dịch vụ cá nhân hóa nâng cao trải nghiệm khách hàng; Triển khai Đề án chuyển đổi số của NHNN Việt Nam triển khai tiện ích cốt lõi ngành Ngân hàng đảm bảo kết nối Đề án 06.

Để phục vụ công cuộc chuyển đối số quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế, NHNN đặt mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của cấp cơ quan trong hệ thống chính trị với việc xây dựng kế hoạch đẩy mạnh việc phát triển Mobile Banking và phát triển các dịch vụ ngân hàng trên Mobile Banking. Thống đốc giao các TCTD chủ động nghiên cứu xây dựng và triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng nhằm hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số; Công bố danh mục các bài toán lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tham gia giải quyết. Đồng thời, xây dựng chương trình thúc đẩy sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng trên môi trường số; trang bị kỹ năng sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số cho người dân giao dịch trên môi trường số, tạo niềm tin số.

Thống đốc NHNN cũng giao cho các đơn vị trong NHNN triển khai các nhiệm vụ mang tính đột phá đổi mới sáng tạo với TCTD. Trong đó, thúc đẩy cho vay bằng phương tiện điện tử hướng tới tự động hóa toàn bộ quy trình để rút ngắn thời gian cho vay ứng dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia từ đó tăng trưởng về giá trị và số lượng cho vay, bằng phương tiện điện tử; Đẩy mạnh triển khai Open Banking, Open API nhằm tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; Nghiên cứu triển khai nền tảng ngân hàng lõi kỹ thuật số hiện đại cho phép các ngân hàng hoạt động nhanh hơn thông minh hơn và theo cách tiết kiệm chi phí dễ dàng mở rộng quy mô và sản phẩm.

Hiện NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 do đích thân Thống đốc Nguyễn Thị Hồng là trưởng ban, trên cơ sở hợp nhất Ban chỉ đạo cải cách hành chính của NHNN Việt Nam, Ban chỉ đạo chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của ngành Ngân hàng. Đồng thời, thành lập Tổ giúp việc của ngành Ngân hàng về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06.

Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đạt được những kết quả tích cực trong việc thực hiện Đề án 06. NHNN đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an… ban hành nhiều văn bản để triển khai, thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 và thường xuyên chỉ đạo toàn ngành về việc triển khai các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD gắn chíp, tài khoản VNeID… phục vụ hoạt động nghiệp vụ ngân hàng.

Những đột phá này là nền tảng để xây dựng một NHNN hiệu lực, hiệu quả, một hệ thống các TCTD hiện đại, tự lực, tự cường làm nền tảng thúc đẩy kinh tế quốc gia phát triển giàu mạnh, hùng cường, đưa Việt Nam vươn cao, vươn xa, vươn tới những mục tiêu mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn là “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Tính đến hết ngày 11/4/2025, toàn ngành Ngân hàng đã có hơn 108,1 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID, trong đó: 60 TCTD đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy; 56 TCTD và 39 tổ chức TGTT đã triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắp chíp qua ứng dụng điện thoại; 32 TCTD và 15 tổ chức TGTT đang triển khai ứng dụng VNeID, trong đó có 18 đơn vị đã triển khai thực tế.

Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/tao-the-vung-ben-vuon-minh-cung-dat-nuoc-163614.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm