Năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tăng tốc, bứt phá, về đích, là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách, mục tiêu phát triển của Trung ương, của tỉnh, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Nhờ đó, tình hình tăng trưởng kinh tế quý I đạt nhiều kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng gần 13% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 5 điểm % so với mức tăng Quý I/2024).
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng xấp xỉ 7% và chỉ số tồn kho tháng 3 giảm hơn 17%; các sản phẩm chủ lực như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử... đều đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm, các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục được triển khai thực hiện. Các hoạt động dịch vụ, thương mại diễn ra sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 21 nghìn tỷ đồng, tăng gần 12%.
Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch, nghỉ dưỡng tại tỉnh đạt 2,85 triệu lượt, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách ước đạt 9,7 nghìn tỷ đồng, bằng 35,9% so với dự toán HĐND tỉnh giao. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 73 triệu USD; thu hút vốn đầu tư DDI đạt hơn 445 tỷ đồng, tăng khá so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trong quý I năm 2025 ước đạt gần 1.400 tỷ đồng, bằng 20,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 18,1% tổng số vốn kế hoạch đã giao, cao hơn cùng kỳ năm 2024 (đạt 16,2%) và cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (đạt 7,32%), xếp thứ 7/63 địa phương và đứng thứ nhất các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12%, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 18% so với cùng kỳ. Tỉnh đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và khởi công được 2 dự án nhà ở xã hội, là tỉnh đầu tiên khởi công dự án trọng điểm quốc gia (đường dây 500 kV Nội Bài – Lào Cai)…
Phát huy những kết quả đạt được, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ tăng trưởng hai con số năm 2025 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, tạo tiền đề, động lực tăng trưởng hai con số cho các năm tiếp theo và từng bước nâng cao thu nhập, phúc lợi, đời sống của nhân dân, Vĩnh Phúc tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, tuyên truyền, quán triệt tới cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, huy động mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân tham gia, phấn đấu hoàn thành, vượt các mục tiêu của cả nước cũng như của tỉnh đã đề ra.
Thực hiện điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, xác định rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; làm việc nào dứt việc đó; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc.
Siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, quán triệt tinh thần “coi trọng thời gian, phát huy trí tuệ, quyết đoán, kịp thời”, “tăng cường về nhận thức, kiên trì về mục tiêu, quyết liệt trong hành động, sáng tạo trong triển khai, hiệu quả trong điều hành”, nắm rõ, nắm chắc các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh để có các giải pháp kịp thời tháo gỡ.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đề cao trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác hậu kiểm trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt vốn đầu tư toàn xã hội.
Phát động các phong trào thi đua lập thành tích, tăng cường đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số, bình dân học vụ số… góp phần tăng năng suất lao động; phát huy tối đa các nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới, tinh thần đột phá, đổi mới để bứt phá, vượt qua chính mình trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ.
Yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tổ chức quán triệt, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của tỉnh.
Nghiêm túc xây dựng kế hoạch phân công, phân nhiệm vụ cụ thể tới từng đơn vị, cá nhân, xác định rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, có trọng tâm, trọng điểm các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân công; chủ động rà soát, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm từng tháng, từng quý; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được phân công…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126386/Tap-trung-quyet-liet-cho-nhiem-vu-tang-truong-hai-con-so
Bình luận (0)