Sản xuất linh kiện điện tử tại Ϲông ty TNHH KSD VINA - doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư Hàn Quốc. Ảnh: T.L |
Hạ tầng đồng bộ, chính sách thông thoáng là điều kiện cần và đủ để Thái Nguyên trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư FDI. Tỉnh hiện sở hữu hệ thống khu công nghiệp quy hoạch bài bản, giao thông thuận lợi, gần Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài. Không chỉ có vị trí chiến lược, Thái Nguyên còn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về cải cách thủ tục hành chính, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp từ chuẩn bị đầu tư đến vận hành sản xuất.
Ông Lee Sun Ho, Trưởng phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Dongsung Vina (Hàn Quốc), doanh nghiệp đầu tư tại Thái Nguyên từ năm 2013, chia sẻ: Chúng tôi từng cân nhắc nhiều địa phương khi đến Việt Nam, nhưng Thái Nguyên nổi bật nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, hạ tầng tốt và nguồn nhân lực ổn định. Đây là nơi lý tưởng để phát triển sản xuất lâu dài.
Công ty TNHH Dongsung Vina chuyên sản xuất các mặt hàng phụ trợ cho Tập đoàn Samsung, hiện đang vận hành ổn định với gần 500 lao động. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đạt tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 24 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 5 triệu USD, thu nhập bình quân của người lao động từ 9-12 triệu đồng/người/tháng.
Một điển hình khác là Công ty TNHH Samju Vina - doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Điềm Thụy từ năm 2013, hiện sử dụng gần 1.700 lao động. Đến thời điểm này, Công ty đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 103,8 triệu USD, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 805 tỷ đồng, với mức thu nhập bình quân của lao động là trên 11 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Mạnh Vương, Quản lý Phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Samju Vina, nhận định: Chúng tôi luôn nhận được sự đồng hành kịp thời từ chính quyền địa phương, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19 hay khi thị trường biến động. Môi trường đầu tư tại Thái Nguyên thực sự lý tưởng và an toàn cho doanh nghiệp nước ngoài.
Môi trường đầu tư tại Thái Nguyên thực sự lý tưởng và an toàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: T.L |
Với quan điểm nhất quán “doanh nghiệp là trung tâm - đồng hành cùng phát triển”, Thái Nguyên luôn duy trì đối thoại thường xuyên, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thành công của các doanh nghiệp FDI không chỉ nhờ nội lực, mà còn nhờ chính sách đồng hành hiệu quả của tỉnh: đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Từ đầu năm đến nay, Thái Nguyên tiếp tục ghi nhận nhiều dự án FDI mới và mở rộng, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào môi trường đầu tư địa phương. Tỉnh không chỉ chú trọng số lượng mà còn nâng cao chất lượng dòng vốn, ưu tiên các ngành công nghệ cao, ít phát thải, giá trị gia tăng lớn, tạo nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển bền vững.
Thái Nguyên đang khẳng định vị thế trên bản đồ thu hút đầu tư quốc tế. Đặc biệt, sau khi sáp nhập tỉnh và thực hiện chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7/2025, địa phương càng có nhiều dư địa để phát triển. Thực tế, sau hơn một thập kỷ thu hút FDI, Thái Nguyên đã hình thành được cộng đồng doanh nghiệp FDI năng động, gắn bó lâu dài.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 200 doanh nghiệp FDI còn hiệu lực đang hoạt động, tổng số vốn đăng ký đạt gần 11 tỷ USD. Không chỉ mang lại nguồn thu ngân sách đáng kể, các doanh nghiệp FDI còn tạo động lực phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chuyển giao công nghệ, nâng cao tay nghề cho người lao động địa phương.
Thái Nguyên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, công nghệ cao của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trên hành trình đó, các doanh nghiệp FDI chính là những “người bạn đồng hành” chiến lược cùng chia sẻ cơ hội, vượt qua thách thức và hướng tới phát triển bền vững.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/thai-nguyen-diem-den-chien-luoc-cua-dong-von-fdi-647155f/
Bình luận (0)