Theo ghi nhận của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), dòng tiền đầu tư đã trở lại mạnh mẽ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Đáng chú ý, sau hai phiên hạ nhiệt theo diễn biến xung đột địa chính trị tại Trung Đông, giá hai mặt hàng dầu thô tăng mạnh trở lại. Chỉ số MXV-Index Năng lượng – đo lường biến động giá các mặt hàng nhóm này tăng hơn 2% lên mức 3.182 điểm.
Giới chuyên gia nhận định rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trước đó, Washington mới đạt thỏa thuận quy mô nhỏ với Anh và đang đàm phán với loạt đối tác khác như EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Việc hai nước đạt được thỏa thuận thương mại song phương, bao gồm mức thuế 20% đối với tất cả hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ và 40% đối với hàng hóa trung chuyển. Trong khi đó, Việt Nam cam kết mở cửa hoàn toàn cho hàng hóa Mỹ. Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Do đó, thỏa thuận mới này có thể góp phần làm giảm bớt lo ngại về vấn đề đối đầu căng thẳng thương mại toàn cầu, qua đó tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường năng lượng và thúc đẩy khẩu vị rủi ro trên thị trường năng lượng toàn cầu.
Thị trường nông sản và kim loại thế giới phản ứng chậm hơn so với thị trường năng lượng về thông tin này. Kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua và mở cửa phiên giao dịch sáng nay (3/7), toàn bộ 10 mặt hàng kim loại và 7 mặt hàng nông sản đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu tác động lên diễn biến giá lại xuất phát từ yếu tố cơ bản cung - cầu.
Thách thức và cơ hội song hành
Năm 2024, Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu nông sản số 1 của Việt Nam. Do đó, việc Mỹ nâng mức thuế nhập khẩu lên 20% đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có thể là là một bài toán khó đối với nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là các doanh nghiệp ngành thủy sản, hạt điều, cà phê, gạo…
Do đó, giá nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam sẽ tăng 20% so với trước đây, điều này đồng nghĩa với việc khó có thể cạnh tranh với các nước có cùng thế mạnh như Ecuador, Indonesia, Ấn Độ, Brazil… Theo đánh giá của một số nhà kinh tế, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên 20% thì tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam dự kiến sẽ giảm từ 20-30%.
Theo số liệu mới nhất của Cục Hải quan Việt Nam, 5 tháng đầu năm nay, Mỹ là thị trường cung cấp đậu tương lớn nhất và lúa mì lớn thứ ba của Việt Nam. Do đó, việc Việt Nam áp dụng mức thuế 0% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu tương và lúa mì sẽ khiến cho gia tăng hoạt động nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới. Điều này một mặt có thể tạo áp lực lên giá các sản phẩm nông sản nội địa của Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng cạnh tranh trực tiếp. Mặc dù đây chỉ là thỏa thuận mang tính song phương giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng ở mức độ lớn hơn điều này sẽ góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy, dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu.
Do đó, theo ông Dương Đức Quang – Phó Tổng giám đốc MXV, trong bối cảnh này, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản ở cả Mỹ và Việt Nam, đặc biệt là các nhà xuất nhập khẩu, cần xem xét và tính toán kỹ lưỡng hơn về chiến lược phòng ngừa rủi ro của mình thông qua các hợp đồng phái sinh như là hợp đồng kỳ hạn tiêu chuẩn. Sự thay đổi về thuế quan và dòng chảy thương mại có thể làm tăng hoặc giảm rủi ro về giá, buộc họ phải điều chỉnh vị thế trên thị trường tương lai. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, họ cần cập nhật thường xuyên các tin tức kinh tế và chính trị, đồng thời áp dụng các chiến lược quản trị rủi ro như đặt lệnh dừng lỗ (stop loss) để giảm thiểu tác động từ biến động giá
Trong một kịch bản lạc quan khác, nếu thỏa thuận này giúp ổn định hoặc thúc đẩy hoạt động sản xuất ở Việt Nam nhờ dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào hoặc ít bị ảnh hưởng hơn so với các kịch bản thuế cao hơn, nhu cầu về kim loại công nghiệp như đồng, nhôm, thép để sản xuất hàng hóa xuất khẩu có thể duy trì hoặc tăng trưởng. Việc Mỹ áp thuế 20% với hàng Việt Nam và đặc biệt là 40% đối với hàng trung chuyển sẽ khiến các doanh nghiệp phải xem xét lại chuỗi cung ứng, qua đó tác động đáng kể lên giá hàng nhập khẩu và giá hàng hóa giao dịch trên thế giới.
Một số nhà đầu tư cho rằng trong bối cảnh tái định hình thương mại toàn cầu do các thỏa thuận như Mỹ-Việt, các mặt hàng kim loại quý như bạch kim và bạc có thể trở thành một kênh đầu tư tiềm năng. Bởi cả hai mặt hàng này, nhất là bạc không chỉ là tài sản trú ẩn mà còn có tính ứng dụng công nghiệp cao. Nếu căng thẳng thương mại giảm bớt hoặc chuyển hướng, thị trường kim loại quý, trong đó có bạc, có thể có những biến động theo hướng tích cực hơn, tác động đến các hợp đồng tương lai bạc.
Thỏa thuận thuế quan Mỹ - Việt Nam mới được Tổng thống Mỹ Donald Trum công bố hôm qua với mức thuế suất 20% áp dụng cho phần lớn hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam không còn là thông tin "gây sốc" cho các nhà đầu tư do các thông tin xoay quanh cuộc đàm phán và các kỳ vọng lạc quan hơn đã được đưa ra. Ngoài những thách thức, mức thuế cao có thể giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cả nền kinh tế phải có cuộc cải cách thực sự để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng toàn chuỗi giá trị, thay vì chủ yếu là nhận gia công như bấy lâu nay.
Ngoài các yếu tố địa chính trị gây bất ngờ, MXV cho rằng, sau ngày 9/7 khi mà Mỹ chính thức công bố mức thuế đối ứng với tất cả các quốc gia, giá hàng hóa sẽ biến động rất mạnh nhưng sẽ dần ổn định xoay quanh yếu tố cung – cầu./.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/thi-truong-hang-hoa-phan-ung-ra-sao-voi-thoa-thuan-thue-quan-moi-giua-my-va-viet-nam-102250703145033077.htm
Bình luận (0)