Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết, toàn diện tình hình thực tiễn việc phát triển nhà ở thương mại, hiệu quả sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại tại các tỉnh, thành phố.
Ngày 3-11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Tạo lập hành lang pháp lý
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết nghị quyết được xây dựng nhằm cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Việc này nhằm tiếp tục cụ thể hóa chủ trương đường lối của Đảng về tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại.
Đồng thời tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Nghị quyết sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ.
Hạn chế việc Nhà nước thu hồi đất dễ dẫn đến khiếu kiện của người dân, góp phần thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở, nhà ở cho nhân dân.
Nghị quyết này quy định thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc đối với các trường hợp:
Tổ chức kinh doanh bất động sản nhận quyền sử dụng đất; Tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất; Tổ chức kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất.
Tổ chức kinh doanh bất động sản được các tổ chức đang sử dụng đất thành lập để thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, đô thị.
Đề nghị đánh giá thực trạng việc mua gom, đầu cơ đất đai
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết thường trực ủy ban nhất trí với sự cần thiết xây dựng nghị quyết như tờ trình của Chính phủ.
Đồng thời đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết, toàn diện tình hình thực tiễn của việc phát triển nhà ở thương mại, hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất dành cho phát triển nhà ở thương mại tại các tỉnh, thành phố.
Đánh giá thực trạng việc mua gom, đầu cơ đất đai; giải pháp để hạn chế tác động tiêu cực thí điểm.
Về tiêu chí lựa chọn dự án thực hiện thí điểm, thường trực ủy ban đề nghị làm rõ cơ sở đưa ra tiêu chí không vượt quá 30% diện tích đất ở tăng thêm trong kỳ quy hoạch.
Nguyên tắc thực hiện đối với trường hợp có nhiều dự án đề nghị thí điểm, đặc biệt tại một số địa phương có nhiều dự án đang vướng mắc (Hà Nội, TP.HCM).
Đồng thời đề nghị nghiên cứu quy định các tiêu chí cụ thể để lựa chọn dự án thí điểm, trong đó lưu ý về thứ tự ưu tiên lựa chọn thí điểm và tiêu chí dự án theo thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có ý kiến đề nghị không quy định tiêu chí này để tránh phát sinh thủ tục hoặc tạo cơ chế “xin – cho” trong quá trình tổ chức thí điểm.
Nêu ý kiến thảo luận, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Chính phủ cần bổ sung, cung cấp thêm các thông tin, đánh giá kỹ hơn thực trạng, tình hình triển khai các dự án nhà ở thương mại.
Phân tích các bất cập chủ yếu, các địa phương còn vướng mắc để có phương án thí điểm phù hợp, tháo gỡ được đúng các vấn đề còn bất cập, tránh tình trạng đầu cơ đất đai hoặc “cơ chế xin – cho dự án”.
Về phạm vi thí điểm, cơ quan soạn thảo cần báo cáo, làm rõ hơn sự phù hợp của phạm vi thí điểm ở các địa bàn, khu vực đô thị, địa bàn dự kiến phát triển đô thị trên toàn quốc.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định việc thí điểm.
Ông đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện nội dung tờ trình, làm rõ thực trạng và những vướng mắc để cung cấp cho đại biểu nghiên cứu thảo luận.
Tuoitre.vn
Nguồn:https://tuoitre.vn/thong-nhat-trinh-quoc-hoi-chinh-sach-thi-diem-go-vuong-cho-nha-o-thuong-mai-20241103152402544.htm