Khách du lịch tàu biển xuống cảng Chân Mây

“Câu hỏi lớn - chưa lời đáp”

Về biển Thuận An dịp đầu hè vừa qua, chúng tôi gặp một số du khách ngoại tỉnh, khách quốc tế về đây tắm biển. Dường như chỉ có 2 dịch vụ để họ trải nghiệm là tắm biển và thưởng thức hải sản, ngoài ra chưa có thêm yếu tố để họ “tiêu tiền”. Bà Bùi Mai Chi, du khách Bình Dương đánh giá: “Dịch vụ biển ở Huế chưa được đầu tư, mặc dù gần thành phố. Một yếu tố rất cần là các resort đẳng cấp ven biển cũng không thấy”.

Đánh giá của du khách phần nào lý giải thắc mắc của nhiều người là vì sao chi tiêu của khách đến Huế còn thấp, trung bình khoảng 2 triệu đồng/người và chưa thu hút tốt khách ở phân khúc cao cấp. Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Huế trăn trở: “Muốn có khách cao cấp phải có dịch vụ cao cấp, nhà đầu tư cao cấp. Đây cũng mong mỏi của du lịch Huế nhưng vẫn còn thiếu”.

Chỉ riêng mảng lưu trú tại Huế, tính đến nay có 887 cơ sở lưu trú, với gần 14.100 phòng và gần 22.650 giường, trong đó có 199 khách sạn (chiếm 22,3% trên tổng số cơ sở lưu trú) với hơn 8.500 phòng và gần 14.100 giường. Song, mới chỉ có 24 khách sạn từ 3 - 5 sao với 3.424 phòng và 5.369 giường. Ông Thắng cho biết, ở mảng khách sạn, Huế vẫn chưa thu hút được các thương hiệu quốc tế đẳng cấp, trong khi đó, 2 địa phương lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam lại nhiều.

Làm một cuộc khảo sát nhanh một số dòng khách cao cấp, họ cho biết, khi đi du lịch, rất ưa chuộng những tập đoàn quốc tế. Những lựa chọn top đầu thuộc về Novotel thuộc tập đoàn AccorHotels, Hilton của tập đoàn Blackstone và hai thương hiệu của Tập đoàn Marriott là Sheraton và JW Marriott. Cũng chính vì Huế còn thiếu các thương hiệu lớn, do đó mới có chuyện tréo ngoe là khách ra Huế chơi nhưng lại vào Đà Nẵng, Hội An để “ngủ”.

Theo các chuyên gia du lịch, công bằng mà nói thì chính quyền địa phương, ngành du lịch đang rất cởi mở về các cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư. UBND tỉnh (nay là UBND thành phố) đã có Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 21/4/2017 về việc ban hành quy định các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn nhằm thúc đẩy trong kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất, trong đó có lĩnh vực du lịch.

Nhiều nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu về du lịch trong nước đã đầu tư và đang nghiên cứu đầu tư trên địa bàn thành phố, như: Laguna Lăng Cô, VinGroup, BRG, Ecopark... Một số dự án hoàn thành đưa vào hoạt động như: Langco Bay Retreat, SBH Gloria Huế Resort, Huế Square, khách sạn La Vela, khách sạn Thiên Ân...; một số dự án chuẩn bị đưa vào khai thác góp phần phát triển hạ tầng du lịch. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của du khách và kỳ vọng trước tiềm năng, thế mạnh của du lịch Huế, câu hỏi làm sao thu hút đầu tư cho du lịch Huế vẫn tiếp tục cần câu trả lời.

Thực tế, các tiện nghi và dịch vụ tại các cơ sở lưu trú tại Huế chưa được đầu tư đúng mức. Dịch vụ giải trí và chăm sóc sắc đẹp, dịch vụ spa và dịch vụ thiết yếu như ăn uống vẫn còn khiêm tốn. Không chỉ thiếu các thương hiệu lớn về khách sạn, Huế còn đang thiếu các nhà đầu tư chiến lược đầu tư các dự án lớn, có thương hiệu quốc tế tạo điểm nhấn và có các sản phẩm du lịch đặc trưng (sân golf, casino).

Nhân viên khách sạn Khách sạn Parkview Huế chuẩn bị phòng lưu trú cho khách 

Nghiên cứu kỹ, tìm giải pháp

Các cơ chế, chính sách thông thoáng là điểm cộng của Huế trong việc thu hút, kêu gọi đầu tư. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, không chỉ riêng Huế mà các địa phương bạn đều sẵn sàng “bắt tay” với các nhà đầu tư, với những cơ chế hấp dẫn và phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Du lịch TP. Huế, điều đặt lên hàng đầu của nhà đầu tư là phải nghiên cứu thị trường. Đầu tư thì phải thu hồi vốn. Nhà đầu tư luôn nhìn vào dung lượng, khả năng thị trường để đầu tư và đây là một trong những điểm mà Huế phải quan tâm. Nói cách khác, phải có khách đông, khách đều thì nhà đầu tư sẽ tìm đến.

Việc kêu gọi đầu tư cần tổng thể nhiều giải pháp, trong đó có việc đa dạng sản phẩm, tạo cơ chế thuận lợi để thu hút khách, liên kết giữa hàng không - du lịch, lữ hành - khách sạn… Giám đốc Sở Du lịch Trần Thị Hoài Trâm chia sẻ, địa phương đang tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, xúc tiến kêu gọi đầu tư. Sau khi có đề án phát triển du lịch, dịch vụ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chính quyền địa phương, Sở Du lịch cùng các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để vừa đẩy mạnh thu hút khách, tạo môi trường hấp dẫn và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch.

Chia sẻ về vấn đề liên quan thu hút đầu tư với báo chí, lãnh đạo UBND TP. Huế khẳng định, thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cam kết tiếp tục cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai minh bạch thông tin, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư, cắt giảm các chi phí không chính thức, chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian… Bên cạnh đó lãnh đạo thành phố cũng nghiêm túc, sẵn sàng lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn: https://huengaynay.vn/du-lich/thu-hut-dau-tu-cho-du-lich-hue-con-nhieu-diem-nghen-153979.html