Những năm gần đây, Chính phủ triển khai nhiều chính sách thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh. Nổi bật là Quyết định số 166 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, giao Bộ GDĐT chủ trì thực hiện. Đề án xác định rõ mục tiêu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; đồng thời trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em sớm hình thành ý tưởng, dự án khởi nghiệp ngay trong quá trình học tập.
Cụ thể hóa tinh thần đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 07 quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục. Nhà trường trở thành nơi khơi nguồn cảm hứng, trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để HSSV có thể tự tin bước vào hành trình khởi nghiệp…
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, tỉnh đã ban hành nhiều chích sách như miễn học phí cho học sinh dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ các dự án tham gia cuộc thi sáng tạo, khởi nghiệp… Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, kết nối chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp - chuyên gia - tổ chức hỗ trợ.
Cuối năm 2020, UBND tỉnh ban hành Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo Sở GDĐT thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở các trường phổ thông.
Từ năm 2022, Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc” (Techfest VinhPhuc), giúp HSSV tiếp cận công nghệ hiện đại, trình bày ý tưởng trước các nhà đầu tư và tham gia các hội thảo, hoạt động trải nghiệm, qua đó phát triển tư duy, sáng tạo và hun đúc bản lĩnh khởi nghiệp.
Năm 2023, ngành GDĐT Vĩnh Phúc phối hợp với Bộ GDĐT, Tập đoàn Phenikaa, Công ty cổ phần giáo dục PHX và Trường THPT Liên Bảo (Vĩnh Yên) tổ chức chương trình tọa đàm truyền cảm hứng khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh THPT. Tại đây, học sinh được gặp gỡ doanh nhân, lắng nghe những câu chuyện khởi nghiệp "người thật, việc thật", từ đó tiếp nhận những bài học sống động về nghị lực, sáng tạo và sự kiên trì. Trong dịp này, nhiều thỏa thuận hợp tác hỗ trợ khởi nghiệp giữa doanh nghiệp - trường học đã được ký kết…
Các trường phổ thông tích cực tổ chức hoạt động trải nghiệm, hội thảo, khuyến khích, hỗ trợ học sinh tham gia cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và ý tưởng khởi nghiệp nhằm khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát triển kỹ năng mềm và giúp học sinh có cơ hội biến những ý tưởng thành hiện thực...
Nhờ sự nỗ lực bền bỉ, học sinh Vĩnh Phúc đã gặt hái được trái ngọt, với nhiều dự án đạt thành tích cao tại cuộc thi “Học sinh - sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp - SV STARTUP” do Bộ GDĐT tổ chức; trong đó, học sinh Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên) giành giải Nhất (năm 2022) và giải Nhì (năm 2023); học sinh Trường THPT Định Trung (Vĩnh Yên) giành giải Nhất năm 2025.
Dự án “WELLIFE - Ứng dụng hỗ trợ quản lý và kết nối trong điều trị, giúp nâng cao hiệu quả khám, chữa bệnh" của học sinh Trường THPT Trần Phú là dự án đầu tiên của ngành GDĐT Vĩnh Phúc đạt giải Nhất tại cuộc thi SV-STARTUP. Dựa trên công nghệ camera AI (trí tuệ nhân tạo), WELLIFE như “bác sĩ gia đình thông minh”, kết nối giữa người bệnh - bác sĩ - điều dưỡng - người thân; hỗ trợ dùng thuốc đúng phác đồ; quản lý thông tin sức khỏe, tra cứu thuốc và lưu trữ hồ sơ bệnh án. WELLIFE được đánh giá cao về tính nhân văn và khả năng ứng dụng trong thực tiễn, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh và thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trong tương lai, WELLIFE có thể phát triển thành ứng dụng y tế hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Năm 2025, dự án “AI - No Vape Life - Dự án xây dựng kênh giáo dục cộng đồng nói không với thuốc lá điện tử” của nhóm học sinh Trường THCS Định Trung tiếp tục đạt giải Nhất toàn quốc tại SV-STARTUP.
Em Trần Minh Nguyệt, Trưởng nhóm chia sẻ: “Trăn trở trước thực trạng ngày càng nhiều học sinh hút thuốc lá điện tử, nhóm em đã phát triển một hệ sinh thái giáo dục tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế tăng cường (AR) nhằm tuyên truyền, cá nhân hóa nội dung học tập, tìm hiểu về tác hại của thuốc lá điện tử. Ứng dụng nổi bật nhờ tích hợp bác sĩ ảo do AI tạo ra, có thể đưa ra lời khuyên phù hợp với từng học sinh. Ứng dụng không chỉ là sản phẩm sáng tạo mà còn là người bạn đồng hành giúp học sinh lựa chọn lối sống lành mạnh.
Quá trình thực hiện dự án, chúng em vừa học tập trên lớp vừa chủ động tham gia các khóa học online về AI, AR. Sau đó, tiến hành khảo sát thực tế; liên hệ chuyên gia công nghệ, chuyên gia y tế, chuyên gia giáo dục do Phòng GDĐT và Sở GDĐT kết nối để hoàn thiện sản phẩm. Sau khi giành được giải Nhất tại SV - STARTUP, chúng em đã xúc tiến kết nối với một số doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và nhận được sự đồng ý tài trợ phát triển sản phẩm của 5 đơn vị. Nhóm dự định sẽ thành lập công ty trong tương lai để mở rộng quy mô ứng dụng sản phẩm”.
Khởi nghiệp là hành trình nuôi dưỡng tư duy đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua giới hạn của bản thân. Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh đòi hỏi sự chung tay từ chính sách Nhà nước, sự kết nối của doanh nghiệp, tổ chức xã hội và đặc biệt là sự nỗ lực không ngừng từ ngành GDĐT, vai trò khơi nguồn cảm hứng từ các nhà trường.
Với định hướng rõ ràng và những bước đi bài bản, Vĩnh Phúc đang trao cơ hội và sự đồng hành, hỗ trợ học sinh tạo nên những thành tích đáng tự hào. Từ những dự án nhỏ trong lớp học, các em sẽ mạnh dạn bước ra thế giới, biến ý tưởng thành sản phẩm, biến ước mơ thành hiện thực - khởi đầu cho hành trình kiến tạo tương lai.
Minh Hường
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/127842/Thuc-day-tinh-than-khoi-nghiep-trong-hoc-sinh
Bình luận (0)