Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thuốc giả có thể giết người, bác sĩ cũng là nạn nhân

(Dân trí) - "Thấy một người bên cạnh mình mua phải thuốc giả, đừng thờ ơ, vì ai cũng có thể thành nạn nhân của thuốc giả, trong đó có cả bác sĩ", TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.

Báo Dân tríBáo Dân trí20/05/2025


Thuốc giả: Mất tiền, mất sức khỏe, thậm chí chết người

 Chia sẻ về thực trạng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, sữa giả... cơ quan chức năng liên tục phát hiện trong thời gian qua, TS Hùng cho rằng, tất cả những cái không đúng với nội dung quảng cáo hay đăng ký, đấy được coi là giả.

"Có những cái giả chỉ mất tiền, như quần áo, giày dép fake (làm giả), nhưng không chết người. Nhưng có những hàng giả ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dùng, ở đây là sữa, là thuốc, thực phẩm chức năng.

Đây là những thứ dùng để chữa bệnh, dinh dưỡng cho cơ thể, khi dùng phải hàng giả, không chỉ mất tiền mà còn mất đi sức khỏe, thậm chí chết người", TS Hùng nói.

Thuốc giả có thể giết người, bác sĩ cũng là nạn nhân - 1

TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức (Ảnh: Phương Hồng).

Theo chuyên gia này, ví dụ đơn giản một bệnh nhân nhiễm trùng, bác sĩ kê đơn kháng sinh, nhưng bệnh nhân mua phải kháng sinh giả không có hoạt chất kháng sinh hoặc không đủ hàm lượng, bệnh nhân uống vào, nhiễm trùng không được kiểm soát.

Khi tình trạng bệnh nặng lên, điều trị vừa phát sinh thêm chi phí, vừa có thể dẫn đến nguy cơ chết người nếu tình trạng nặng.

Bác sĩ cũng là nạn nhân

TS Dương Đức Hùng chia sẻ, lùm xùm thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả thời gian qua, rất nhiều người đặt câu hỏi, trách nhiệm của ngành y tế, của bệnh viện, của bác sĩ đến đâu?

"Nhiều người đặt câu hỏi, loại thuốc giảm đau giả này, ở bệnh viện có bán không? Nếu có bán, cũng không thể đổ hoàn toàn cho bệnh viện. Vì khi đấu thầu vào bệnh viện, có giấy tờ đầy đủ, không có quy định phải mang đi kiểm nghiệm. Mà nếu có kiểm nghiệm, lô này họ đưa vào là thật, lô sau hoàn toàn có thể giả nếu họ có ý đồ sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Bác sĩ kê một đơn thuốc kháng sinh, phù hợp với tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, người kê đơn không sai. Cái sai là sao có hàng giả được sản xuất, lưu thông trên thị trường, chứ không phải là người kê đơn sai. Tên thuốc bác sĩ kê là đúng, nhưng đi mua, bệnh nhân mua phải thuốc giả", TS Hùng nói.

Thuốc giả có thể giết người, bác sĩ cũng là nạn nhân - 2

Các loại thuốc giả được phát hiện (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

TS Dương Đức Hùng, chỉ ra một thực tế đáng lo ngại: người dân khi đi mua thuốc phần lớn chỉ dựa vào lòng tin. Bệnh nhân cầm đơn thuốc bác sĩ kê, ra hiệu thuốc mua nhưng không có cách nào để biết chắc thuốc đó là thật hay giả, chỉ có xét nghiệm mới phân biệt được.

Ông Hùng cho rằng, khi nhắc đến hàng giả, nhiều người có xu hướng quy trách nhiệm ngay cho ngành y tế. Nhưng cần nhìn nhận công bằng: để một dây chuyền sản xuất thuốc giả tồn tại, từ việc mua nguyên liệu, tổ chức sản xuất, tiêu thụ ra thị trường với quy mô lớn, trong thời gian dài... không thể chỉ do một khâu lỏng lẻo. Đó là cả một chuỗi với nhiều mắt xích cần được kiểm soát chặt chẽ.

"Ngay cả bác sĩ khi đi mua thuốc cho mình hoặc người thân cũng có thể mua phải thuốc giả. Hỏi bác sĩ có phân biệt được thuốc giả bằng mắt thường không? Chúng tôi không có khả năng đó. Việc phân biệt thuốc thật-giả không thuộc chuyên môn của bác sĩ. Nhưng nếu hỏi loại thuốc đó có phù hợp với bệnh không, bác sĩ có thể tư vấn chính xác vì đó là chuyên môn của chúng tôi", TS Hùng nói.

Ông nhấn mạnh, bệnh nhân không có nhiều lựa chọn khi điều trị, việc mua thuốc là bắt buộc. Vì vậy, kinh doanh dược phẩm là ngành nghề đặc thù, có điều kiện, và càng cần sự giám sát chặt chẽ.

"Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả, dinh dưỡng giả không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Đừng thờ ơ khi thấy người bên cạnh mình dùng phải thuốc giả, bởi bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân", lãnh đạo Bệnh viện Việt Đức cảnh báo.

Cũng theo ông, với những vấn đề mang tính hệ thống như vậy: từ khâu kiểm soát chất lượng, giám sát thị trường đến bảo vệ thương hiệu... không thể chỉ trông chờ vào một đơn vị nào. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phối hợp đồng bộ để ngăn chặn hàng giả một cách hiệu quả.

"Khi người dân phát hiện dấu hiệu bất thường, như một xưởng sản xuất khả nghi, việc họ lên tiếng, báo cáo... những 'camera chạy bằng cơm' này có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống tiêu cực, không chỉ riêng với thuốc giả mà còn với mọi lĩnh vực khác", ông Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: sản xuất và buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả không phải là hành vi gian lận thông thường, mà là hành vi đe dọa sức khỏe cộng đồng. Vì thế, các chế tài xử phạt cần đủ mạnh, nghiêm khắc để răn đe, không thể nhẹ tay.

Cùng quan điểm này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng bệnh viện không có chức năng kiểm nghiệm hàng hóa. Do vậy đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng hàng hóa, từ khâu nhập khẩu, sản xuất đến lưu hành phải đảm bảo, để khi hàng hóa đến bệnh viện, bác sĩ và bệnh nhân được yên tâm sử dụng.

Ngoài ra, người đứng đầu đơn vị cũng phải "liêm khiết" để không bị doanh nghiệp mua chuộc, từ đó những hàng kém chất lượng, hàng giả được chiết khấu cao không thể lọt vào bệnh viện", PGS Cơ nói.

Thuốc giả có thể giết người, bác sĩ cũng là nạn nhân - 3

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Tuấn Dũng).

Bộ Y tế: Doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thông thoáng, làm ăn phi pháp

Chia sẻ bên lề buổi họp trực tuyến và trực tiếp với các bộ, ngành và địa phương về vấn đề thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, bà Trần Việt Nga- Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, trong thời gian vừa qua, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã triệt phá một số đường dây sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả.

"Chúng tôi cho rằng đây là những sự việc hết sức nghiêm trọng. Đồng thời, đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh để các tổ chức, cá nhân không có đạo đức trong kinh doanh, làm ăn phi pháp thay đổi", bà Nga nói.

Thuốc giả có thể giết người, bác sĩ cũng là nạn nhân - 4

Bà Trần Việt Nga, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: T.D)

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, việc công bố sản phẩm hết sức đơn giản, vì thế các doanh nghiệp ồ ạt tự công bố. Điều này tạo áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý khi hậu kiểm. Theo bà, việc quản lý tại nước ta hiện có những khó khăn nhất định.

Thứ nhất, nhằm tạo thông thoáng cho doanh nghiệp, Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp được quyền tự công bố và tự chịu trách nhiệm về chất lượng và an toàn của sản phẩm của mình.

Theo đó, doanh nghiệp có thể tự công bố và sản xuất ngay, không cần phải qua sự kiểm duyệt hồ sơ hay đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước.

"Với những chính sách thông thoáng như vậy, đáng lẽ doanh nghiệp phải có trách nhiệm cao trong việc này. Thế nhưng, thực tế đã có nhiều doanh nghiệp lợi dụng cơ chế thông thoáng này để làm ăn phi pháp.

Có sản phẩm đáng lẽ phải được công bố là sản phẩm dinh dưỡng, y học, sản phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt thì doanh nghiệp lại tự công bố là thực phẩm bổ sung. Đây là hành vi lách luật đáng lên án của các tổ chức, cá nhân", bà Nga nhấn mạnh.

Thứ hai, việc công bố cũng hết sức đơn giản, vì thế, các doanh nghiệp ồ ạt tự công bố. Điều này rất khó khăn và cũng tạo áp lực rất lớn cho cơ quan quản lý nhà nước khi số lượng phải thanh tra, hậu kiểm rất lớn.

Thời gian để cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt hồ sơ cũng rất ngắn, 21 ngày cho lần nộp đầu, và sau sửa đổi, bổ sung chỉ có 7 ngày.

Với việc trao quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp là cao nhất phải thực hiện theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan quản lý đã ban hành. Số lượng hồ sơ lớn và nhiều hồ sơ ảo (công bố số lượng lớn sản phẩm nhưng thực tế không sản xuất với số lượng đó) là thách thức cho cơ quan quản lý.

Bà Nga cho rằng các văn bản quy phạm pháp luật đã tương đối đầy đủ, nếu doanh nghiệp tuân thủ thì sẽ không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, ở đây doanh nghiệp cố tình làm sai và cố tình làm hàng giả vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức kinh doanh.

Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, với việc trao quyền cho doanh nghiệp, việc hậu kiểm của cơ quan nhà nước là hết sức quan trọng. Thế nhưng, thực tế ở các địa phương, vấn đề nhân lực, kinh phí để hậu kiểm (hậu kiểm hồ sơ, hậu kiểm cơ sở sản xuất, lấy mẫu sản phẩm lưu thông trên thị trường…) còn nhiều khó khăn.

Số lượng sản phẩm lớn, nhân lực hậu kiểm mỏng, kinh phí cũng rất khó khăn. Các địa phương chủ yếu tập trung vào lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu về an toàn. Vì vậy, trong thời gian dài chúng ta không phát hiện được các thực phẩm giả về chất lượng như vụ sữa giả vừa qua.

Nhằm khắc phục tình trạng này, bên cạnh tham mưu cho Chính phủ ban hành liên tiếp các công điện, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo 63 tỉnh, thành tăng cường công tác hậu kiểm, đặc biệt đối với những nhóm có nguy cơ làm giả, những nhóm thực phẩm dùng cho các đối tượng đặc biệt như trẻ em, người già…

Để tăng cường quản lý chặt chẽ đối với thực phẩm chức năng, hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15/2018/NĐ-CP.

Mục tiêu của việc sửa đổi là tăng cường chất lượng và an toàn của sản phẩm, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước để bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.

Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuoc-gia-co-the-giet-nguoi-bac-si-cung-la-nan-nhan-20250519113123013.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người
Bãi biển 'vô cực' đẹp như tranh vẽ ở miền Trung, nổi rần rần trên mạng xã hội
 Đi theo bóng mặt trời
Đến Sapa đắm chìm trong thế giới hoa hồng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm