Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tích cực chăm lo đời sống phụ nữ và trẻ em

Việt NamViệt Nam14/05/2024

(VHXH) Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng và phát triển. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Tại tỉnh Sơn La, các hoạt động của dự án đã và đang được Hội LHPN tỉnh chỉ đạo triển khai, góp phần hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em.
anh tin bai
Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các hoạt động xã hội.

Mục tiêu của Dự án 8 là nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em tại vùng đặc biệt khó khăn. Tại Sơn La, Dự án được thực hiện tại 1.449 bản thuộc các xã khu vực III và các bản đặc biệt khó khăn của xã khu vực II, khu vực I của 11/11 huyện trong tỉnh. Để Dự án  được triển khai có hiệu quả, Hội đã thành lập ban điều hành, tổ giúp việc; xây dựng kế hoạch thực hiện dự án và kiểm tra, giám sát dự án. Thường xuyên phối hợp với Ban Dân tộc và các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp và cán bộ bản ở địa bàn thực hiện các nội dung trong dự án; tổ chức các sự kiện truyền thông, giới thiệu, vận động về dự án.

Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo triển khai 4 nội dung hoạt động và 11 chỉ tiêu cốt lõi của dự án. Tập trung tuyên truyền, vận động góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, giám sát và phản biện, hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị; trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, các trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 226 tổ truyền thông cộng đồng, với 1.967 thành viên; trong đó, trên 60% thành viên là nam giới; 23 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi, với 299 trẻ em gái dân tộc thiểu số trực tiếp tham gia vận hành mô hình; 29 mô hình địa chỉ tin cậy, với 304 thành viên tham gia ban quản lý. Các cấp hội tổ chức 8 hội nghị, tập huấn, hội thi “Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng chống bạo lực gia đình”; 150 cuộc truyền thông cộng đồng; 23 hội nghị đối thoại chính sách ở cấp xã, bản, với 2.718 người tham gia...

Hiện nay toàn tỉnh đã có 4.900 trẻ em dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin, gần 200 nữ cán bộ dân tộc thiểu số được tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; trên 7.000 phụ nữ mang thai thuộc địa bàn các xã triển khai dự án được tuyên truyền, vận động đến sinh con tại cơ sở y tế; 478 bà mẹ được thụ hưởng gói hỗ trợ sinh đẻ an toàn, 354 bà mẹ thụ hưởng gói hỗ trợ chăm sóc tại nhà sau sinh...

Trong thời gian tới, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh phấn đấu thành lập thêm 190 tổ truyền thông cộng đồng; 36 địa chỉ tin cậy; 71 câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi; tổ chức 168 hội nghị đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới, lồng ghép giới, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị và cán bộ hội các cấp. Với nhiều mô hình sát thực, dự án đã và đang góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống đối với phụ nữ và trẻ em gái ngày càng tốt hơn.

Qua thời gian thực hiện và triển khai dự án, có thể thấy rằng các hoạt động của Dự án 8 cơ bản đã bám sát yêu cầu định hướng nội dung của Chương trình, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng. Để tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu của Dự án 8 trong năm 2024, các cấp Hội LHPN trong tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng trên các kênh truyền thông trực tiếp và gián tiếp; xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình, truyền thanh trên hệ thống loa phát thanh bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc; tổ chức các chiến dịch truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; tổ chức hội thi/liên hoan chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình sáng tạo, hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em; chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số;…

Đây là lần đầu tiên trong chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số & miền núi có riêng một dự án thành phần về thúc đẩy bình đẳng giới. Dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em, thực hiện hiệu quả mục tiêu bình đẳng giới.

Nguyễn Hạnh


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập
Khám phá vùng savan ở Vườn quốc gia Núi Chúa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm