Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tín dụng 'khủng' đổ bộ, kỳ vọng tạo cú hích cho...

Các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng lớn để thúc đẩy kinh tế, như 100.000 tỷ đồng cho nông, lâm, thủy sản; 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở; và sắp tới là 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số.

Báo Đắk NôngBáo Đắk Nông09/05/2025

Nhu cầu vốn tăng mạnh, lãi suất cho vay vẫn gây áp lực

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết liên quan đến chất vấn, tín dụng trong những tháng đầu năm tiếp tục được định hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên các ngành động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.

Tính đến ngày 15/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,23 triệu tỷ đồng, tăng 3,95% so với cuối năm 2024 – mức tăng tích cực so với cùng kỳ năm trước (1,21%). So với cùng kỳ năm trước, tín dụng đã tăng trưởng 18,19%.

Mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm. Tính đến ngày 10/4, lãi suất cho vay bình quân các giao dịch mới ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6 điểm phần trăm so với cuối năm trước.

Các ngân hàng cũng đã công khai lãi suất trên website để tăng tính minh bạch và tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mức giảm lãi suất cho vay trung bình toàn hệ thống đến tháng 5/2025 chỉ khoảng 0,4 điểm phần trăm so với đầu năm.

Một số ngân hàng lớn như BIDV và Agribank thậm chí ghi nhận lãi suất cho vay tăng nhẹ, lần lượt khoảng 1,48% và 0,4%.

Tăng trưởng tín dụng quý I/2025 đạt 3,93%, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước, phản ánh nhu cầu vay vốn phục hồi rõ nét. Tuy nhiên, đi kèm là yêu cầu thẩm định tín dụng ngày càng chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, chi phí vốn đầu vào vẫn ở mức cao do các ngân hàng cần duy trì lãi suất hấp dẫn cho các khách hàng tổ chức lớn, trong khi nợ xấu tăng và chi phí dự phòng rủi ro cao gây áp lực lên biên lợi nhuận.

Nhiều chuyên gia đánh giá, so với đỉnh điểm của năm 2023, lãi suất đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, mức lãi suất phổ biến hiện nay vẫn dao động 6–8%/năm với khoản vay thế chấp và 13–18%/năm đối với vay tiêu dùng – được xem là vùng đệm hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.

Dù vậy, trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ, các doanh nghiệp trong nước vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm để tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Chia sẻ về thực trạng này, ông Phan Minh Thông – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh – cho rằng trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn, nhiều chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp nên tập trung vào thị trường nội địa với quy mô 100 triệu dân.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa điều đó, cần có chính sách tín dụng đủ hấp dẫn, công bằng giữa doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Thông dẫn chứng: "Khi doanh nghiệp xuất khẩu có thể vay USD với lãi suất chỉ hơn 1%, còn doanh nghiệp nội địa phải vay tiền đồng với lãi suất 9–10% thì rõ ràng chưa tạo được môi trường cạnh tranh công bằng".

Ông nhấn mạnh, nếu có các gói vay ưu đãi cho khu vực sản xuất nội địa, thị trường trong nước hoàn toàn có thể trở nên phong phú và phát triển mạnh mẽ hơn.

Tín dụng “khủng” đổ bộ kỳ vọng tạo cú hích cho tăng trưởng kinh tế
Các ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng lớn để thúc đẩy kinh tế, như 100.000 tỷ đồng cho nông, lâm, thủy sản; 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở; và sắp tới là 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, công nghệ số.

Chuẩn bị triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ 

Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp nhằm cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân và doanh nghiệp.

Các biện pháp bao gồm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, triển khai các chương trình ưu đãi tín dụng và điều chỉnh kỳ hạn trả nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.

Các đối tượng được ưu tiên vay vốn bao gồm chủ đầu tư dự án, người mua nhà, nhà thầu xây dựng và các đơn vị sản xuất – cung ứng vật liệu xây dựng nhằm tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Năm 2025, để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, NHNN định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành khoảng 16% – cao gấp đôi so với mục tiêu tăng trưởng GDP.

Để hỗ trợ việc cung ứng vốn, NHNN đã công khai nguyên tắc phân bổ hạn mức tín dụng, đồng thời tiếp tục triển khai lộ trình tiến tới xóa bỏ cơ chế điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cứng cho từng tổ chức. Theo đó, các ngân hàng nước ngoài, liên doanh, hợp tác xã và tổ chức tín dụng phi ngân hàng được chủ động kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của mình trong năm nay.

Cùng với đó, các ngân hàng đã đồng loạt triển khai nhiều gói vay tín dụng phù hợp với từng nhóm khách hàng, trong đó đáng chú ý là gói tín dụng thủy sản 100.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ nhà ở 120.000 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 6/5, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin rằng một gói tín dụng mới trị giá 500.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 20 tỷ USD) đang được chuẩn bị để triển khai. Gói tín dụng này sẽ tập trung cho vay các lĩnh vực hạ tầng và công nghệ số – những lĩnh vực then chốt, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế bền vững và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Theo kế hoạch, NHNN đã làm việc với 21 ngân hàng thương mại để tổ chức thực hiện gói tín dụng lớn nói trên. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank cam kết phân bổ tổng cộng 240.000 tỷ đồng, tương đương mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng. Đồng thời, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức tham gia khoảng 20.000 tỷ đồng mỗi đơn vị, cùng với 5 ngân hàng khác cam kết khoảng 4.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.

Đáng chú ý, mức lãi suất của gói tín dụng dự kiến sẽ ưu đãi hơn ít nhất 1% so với mặt bằng hiện tại (mức lãi suất trung bình đến ngày 10/4 là 6,34% theo thống kê của NHNN) và sẽ được duy trì trong vòng 2 năm, giúp các doanh nghiệp triển khai dự án một cách thuận lợi và hiệu quả hơn.

Nguồn: https://baodaknong.vn/tin-dung-khung-do-bo-ky-vong-tao-cu-hich-cho-tang-truong-kinh-te-251991.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cúc Phương vào mùa bướm – khi rừng già hóa thành chốn cổ tích
Mai Châu chạm vào trái tim thế giới
Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm