Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trị tận gốc dạy thêm học thêm tiêu cực: Giải pháp đồng bộ

TPO - Vẫn còn những sự hoài nghi về tính bền vững, đặc biệt về tính pháp lý của Thông tư 29 chưa được nghiêm túc thực hiện một cách đồng bộ. Dư luận đòi hỏi các đơn vị chức năng cần sớm bổ sung những giải pháp mới, nhằm bổ trợ, tạo điều kiện cho Thông tư 29 thực hiện tốt nhất vai trò quan trọng của mình.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong08/05/2025

Thông tư 29 có hiệu lực được hơn 2 tháng. Đa phần địa phương, xã hội, nhà trường đồng tình và quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thông tư của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên vẫn còn những sự hoài nghi về tính bền vững, đặc biệt về tính pháp lý của Thông tư 29 chưa được nghiêm túc thực hiện một cách đồng bộ.

Thông tư 29 về dạy thêm học thêm (DTHT) ở giáo dục phổ thông, có thể coi là một biện pháp hành chính khả thi và tiến bộ, một bước đột phá chuẩn, nhằm lập lại trật tự trong hoạt động DTHT, vốn đang diễn ra tràn lan, tiêu cực ở nhiều nhà trường. Thông tư đã đã mở ra một giai đoạn mới cho phát triển giáo dục, có tính quyết đoán, kịp thời và hứa hẹn về khả năng giải quyết dứt điểm thực trạng quá nhức nhối về DTHT hiện nay.

Trị tận gốc dạy thêm học thêm tiêu cực: Giải pháp đồng bộ ảnh 1

Học sinh tham dự kì thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 tại Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Truyền thông chưa đủ mạnh để thay đổi nhận thức

Truyền thông cần làm cầu nối giữa Thông tư 29 và cộng đồng nhà trường cũng như toàn thể người dân. Điều này sẽ giúp xã hội cập nhật được thông tin về những chính sách đổi mới giáo dục và đổi mới dạy và học.

Chúng ta không cấm DTHT mà đang mạnh tay đưa vào nề nếp, để nhà trường có thể quản lý. Học sinh vẫn có thể đi học thêm ở những cơ sở DTHT ngoài nhà trường, nhưng phải nộp phí theo thỏa thuận.

Dạy thêm là hoạt động phụ thêm cho dạy học chính khóa, không thể có chuyện giáo viên “chân ngoài dài hơn chân trong”, quan tâm cho dạy thêm, lơ là dạy học chính khóa, thậm chí còn đưa ra quy định bất thành văn, buộc học sinh phải tới lớp, tới nhà để giáo viên dạy thêm.

Trị tận gốc dạy thêm học thêm tiêu cực: Giải pháp đồng bộ ảnh 2

TS. Đặng Tự Ân - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Học thêm là cần phải học cách học, phương pháp tự học, học kỹ năng sống và kỹ năng rèn luyện thể chất, nhằm phát triển con người hài hòa với cảm xúc có lợi. Đặc biệt, học sinh sớm thành người biết sống có đạo lý, hạnh phúc, lành mạnh và văn minh.

Đa phần học thêm hiện nay, là học sâu hơn kiến thức và rèn thêm kỹ năng nội dung bài học buổi chính khóa. Điều này là sai với mục tiêu đổi mới là người học phải được rèn luyện phát triển toàn diện cũng như khơi dậy năng lực sẵn có.

Phụ huynh góp tiền học thêm cho con là mong con thi đỗ đạt điểm cao. Thật buồn cho một bộ phận cha mẹ học sinh không xem học thêm là vấn đề lớn liên quan tới tương lai phát triển đúng hướng của con, thậm chí còn coi đó là “đầu tư chính đáng”.

Nhiều gia đình, cha mẹ chắt chiu, có tiền để cho con học thêm, mong con thi đỗ, đạt thứ hạng thành tích cao. Điều đó là đúng, nhưng chưa phải là người biết tiêu tiền một cách thông thái. Cần đầu tư cho con mình được học thêm kỹ năng sống, tham gia các câu lạc bộ văn học, nghệ thuật hay công nghệ ứng dụng, thứ mà các con thích, mới là người tiêu tiền có nghĩa và “đúng sách”.

Do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, dẫn đến hành động sai hay còn lỗi là lẽ thường tình. Hoạt động DTHT đã được siết chặt và đã dần thay đổi. Có lẽ do đa phần phải chấp hành thực hiện pháp lệnh của nhà nước, chứ chưa phải là thực sự chuyển hóa nhận thức của mọi nhà trường và địa phương.

Còn những địa phương chưa xây dựng kế hoạch triển khai thông tư, còn do dự không muốn làm. Vẫn còn cá biệt những trường, những giáo viên vẫn âm thầm dạy thêm theo các cách biến tướng, không công khai.

Những cản trở theo kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Mở trường chuyên, trường năng khiếu (dạy văn hóa) ở Tiểu học và THCS, dù đó là mở trong các trường đại học hay trường phổ thông đều vi phạm Điều 62 của Luật Giáo dục.

Điều 38 của Luật Giáo dục cũng không có quy định các trường đại học được phép dạy học học sinh ở các trường lớp có trình độ phổ thông.

Chúng ta tin rằng, khi giáo dục có chất lượng buổi học chính khóa, DTHT nó sẽ tự mất đi, khi ấy mỗi phụ huynh và toàn xã hội nhận thấy DTHT sẽ không còn giá trị thực tế nữa.

Tình trạng mở trường chuyên, trường năng khiếu hay chất lượng cao một cách ồ ạt, ở nhiều nơi, là không phù hợp. Bởi lẽ, đã là tuyển sinh vào trường lớp dạng “mũi nhọn” là phải ra đề thi nâng cao, tức là phải đi học thêm, nâng kiến thức, hy vọng giải được đề thi ở mức độ khó, cao hơn hẳn mức độ kiểm tra, đánh giá học chính khóa.

Bất cập hơn, những trường lớp mở sai Luật nêu trên, có đối tượng tuyển sinh rất rộng, có khi cả nước hay toàn vùng, tiếp tục thúc đẩy hay cổ xúy cho DTHT.

Trị tận gốc dạy thêm học thêm tiêu cực: Giải pháp đồng bộ ảnh 3

Những kì thi chuyển cấp cam go cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến học thêm, dạy thêm. Ảnh: Như Ý

Một chuyên gia giáo dục còn cực đoan nói rằng, cấm mở trường chuyên lớp chọn là cấm được DTHT. Nếu chậm cải cách thi cử, nếu không nói cần sớm cách mạng hệ thống thi, thì thực trạng này sẽ tiếp tục làm cản trở hiệu lực của Thông tư 29.

Đề thi cho đại trà hãy bỏ câu khó, kiểu như đánh đố thí sinh. Giáo sư Toán học Đỗ Đức Thái kể câu chuyện có thật cười “rơi nước mắt”. Đó là chuyện cả ba giáo sư Toán đều không giải nổi, trong cả buổi, một câu trong đề thi tốt nghiệp phổ thông 2024.

Chúng ta không thể vì nhằm tìm ra một số ít thí sinh có điểm 10 tuyệt đối, mà ảnh hưởng tới hàng vạn, hàng triệu học sinh phải đi tới lớp DTHT để có kiến thức nâng cao, để làm bài thi có câu “hóc búa”.

Thi học sinh giỏi và các kỳ thi tuyển sinh hay hết cấp cần phải đổi mới, ngay cả bài kỳ thi đánh giá năng lực, cũng đều buộc các thí sinh phải qua cửa DTHT mới có thể làm được bài thi. Thiết nghĩ ngoài Thông tư 29 cũng cần có thêm những văn bản hỗ trợ đắc lực. Nếu nhìn rộng ra, đây là một vấn đề văn hóa - giáo dục mang tính hệ thống. Muốn thay đổi, cần cả đánh giá cách thực hiện từ chương trình, cách thi, lẫn thay đổi nhận thức phụ huynh và xã hội.

Những thói quen truyền thống và tính vụ lợi cá nhân

Coi trọng điểm số, mắc bệnh thành tích ảo hay lấy thi kiến thức, hàn lâm, sách vở để làm làm thước đo, phân loại người học, đã có từ xa xưa, là truyền thống của nho giáo ở các nước phương Đông. Thói quen bảo thủ này làm trì trệ, làm giảm, nếu không nói là cản trở hiệu lực của Thông tư 29.

Việc ham mê DTHT thời gian vừa qua đã làm học sinh chịu áp lực lớn. Một số giáo viên có tâm lý không muốn làm các việc mới và khó, đó là dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Tư tưởng “học để thi” hơn là “học để biết” đã làm giảm sút chất lượng dạy học chính khóa. Nhiều phụ huynh và học sinh thường quan tâm đến điểm số hơn là năng lực, nên học thêm để giải bộ đề, luyện kỹ thuật giải đề, làm quen đề thi cũ… thay vì thật sự hiểu bản chất kiến thức cần học.

Ở nhiều nước châu Á, thi cử vẫn là “cửa ngõ” duy nhất để tiến thân, đặc biệt là thi vào trường chuyên, đại học tốp đầu. Điều này tạo ra tâm lý “không học thêm là thua thiệt”, chạy theo “đám đông” và tâm lý thắng thua “so sánh con mình với con người ta”.

Ngoài ra, tâm lý “học thêm là tốt cho con” đã ăn sâu vào xã hội. Coi việc học giỏi là niềm tự hào của cả gia đình, dòng họ khiến phụ huynh luôn muốn đầu tư tối đa vào việc học. Chính vì thế, lý do có nhu cầu thực tế của phụ huynh và học sinh muốn con học thêm là có thật và vẫn còn rất lớn. Nhiều phụ huynh muốn con học giỏi, thi đậu vào bất cứ trường lớp nào, nên tự nguyện tìm đến các lớp học thêm, kể cả khi không bị ép buộc.

Thói vụ lợi cá nhân, ai cũng có, vì nó là bản năng con người. Giáo viên cũng là con người nhưng có điều khắt khe hơn: nghề chọn người và không phải ai cũng vinh dự đứng trước thế hệ trẻ, dạy các em thành người.

Dạy thêm theo kiểu tập trung cho dạy học kiến thức và một số giáo viên xem đây là nguồn thu nhập chính, dẫn đến tình trạng dạy thêm tiêu cực, tất cả vì đồng tiền. Một thời gian dài, lương giáo viên, nhất là ở bậc phổ thông, còn hạn chế, thấp so với công lao động của họ đã bỏ ra. Dạy thêm là nguồn thu nhập phụ nhưng ổn định, nên nhiều giáo viên vẫn tìm cách mở lớp riêng, có khi âm thầm, tìm cách “gợi ý” hay ép buộc học sinh học thêm.

Thông tư 29 điều chỉnh DTHT, vẫn chỉ giải quyết phần ngọn. Khi áp lực học tập còn cao, thi cử còn coi trọng điểm số, thu nhập giáo viên còn thấp, và phụ huynh vẫn lo sợ con thua bạn bè, thì học thêm sẽ vẫn còn “đất sống” và nó sẽ chỉ là chuyển từ công khai sang ngấm ngầm, âm ỉ hoặc biến tướng theo nhiều cách khác nhau. Giải quyết thực trạng này chỉ có thể thay đổi nhận thức, tăng cường kiểm tra giám sát để giảm bớt gánh nặng DTHT trong các nhà trường.

TS. ĐẶNG TỰ ÂN - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT.

Nguồn: https://tienphong.vn/tri-tan-goc-day-them-hoc-them-tieu-cuc-giai-phap-dong-bo-post1739980.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những quán bún phở Hà Nội
Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm