Đây là hoạt động văn hóa nghệ thuật giàu ý nghĩa chính trị-xã hội, hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, khẳng định giá trị con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Với chủ đề “Cửa ngõ văn hóa – Kết nối di sản – Đổi mới sáng tạo”, triển lãm mở ra không gian chiêm nghiệm về giá trị lịch sử, nghệ thuật của các công trình kiến trúc thời Đông Dương trên địa bàn phường Cửa Nam (Hà Nội).
Nhiều hình ảnh tư liệu quý tái hiện dấu ấn của Đại học Đông Dương, Cung Đấu Xảo, Cổng Bảo An Binh, cùng các tác phẩm mỹ thuật như phù điêu Nông nghiệp và Ngư nghiệp được phục dựng từ nguyên mẫu của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Không gian nghệ thuật được sắp đặt sáng tạo, nổi bật với các cụm ảnh tương tác như “Cảm thức Đông Dương”, “Song xưa phố cũ”, “Mạch Đông Dương” mang đến góc nhìn từ trên cao, kết hợp yếu tố di sản và công nghệ hiện đại.

Trong khuôn khổ triển lãm, hai buổi tọa đàm chuyên đề cũng được tổ chức. Họa sĩ, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế chia sẻ về lịch sử biểu tượng Thành huy Hà Nội trên trán nhà Trường Trưng Vương và vai trò của Cung Đấu Xảo trong phát triển văn hóa và thương mại. Một tọa đàm khác giới thiệu dự án “Cảm thức Đông Dương” tại tòa nhà 19 Lê Thánh Tông.
Phát biểu tại sự kiện, Bí thư Đảng ủy phường Cửa Nam Phạm Tuấn Long nhấn mạnh: Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở mỗi địa phương cần được thực hiện trên nền tảng những giá trị quý báu do các thế hệ đi trước để lại.
“Bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ lớn, xuyên suốt trong nhiều nghị quyết Trung ương, và chắc chắn Hà Nội sẽ là một trong những địa phương tiên phong. Chúng tôi tin rằng nếu đi đúng hướng, di sản sẽ không chỉ được giữ gìn mà còn thực sự sống, tạo ra giá trị mới và trở thành động lực phát triển bền vững cho công nghiệp văn hóa Thủ đô”.

Cách tiếp cận mới của phường Cửa Nam trong bảo tồn di sản đã bám sát định hướng phát triển Thủ đô, được nêu rõ tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tinh thần này cũng được tiếp nối và mở rộng trong các nghị quyết mới của Trung ương, nhằm tạo nền tảng toàn diện cho phát triển đất nước trong bối cảnh kỷ nguyên số và hội nhập sâu rộng. Đó là: Nghị quyết số 57-NQ/TW (ngày 22/12/2024) về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia;
Nghị quyết số 59-NQ/TW (ngày 24/01/2025) về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66-NQ/TW (ngày 30/4/2025) về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW (ngày 4/5/2025) về phát triển kinh tế tư nhân.

Những định hướng lớn ấy đang từng bước được hiện thực hóa bằng các mô hình cụ thể tại cơ sở. Triển lãm “Cửa Nam giao hòa - Cửa ngõ văn hóa, kết nối di sản, đổi mới sáng tạo” là hoạt động điểm nhấn trong tiến trình chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tại phường, đồng thời là một cách làm thiết thực nhằm đưa các giá trị văn hóa lịch sử trở thành nguồn lực phát triển.
Từ vốn di sản phong phú, phường Cửa Nam đang định hướng hình thành không gian văn hóa sáng tạo, phát triển các tour du lịch di sản, không gian trưng bày nghệ thuật, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hướng đến xây dựng thương hiệu địa phương gắn với công nghiệp văn hóa.

Sự kiện được tổ chức tại Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (26 Hàng Bài, Hà Nội), mở cửa từ nay đến hết ngày 5/8 để phục vụ đông đảo người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nguồn: https://nhandan.vn/trien-lam-anh-cua-nam-giao-hoa-post896706.html
Bình luận (0)