Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris với chi phí hơn 760 triệu USD

Báo Thanh niênBáo Thanh niên26/12/2023


Khi khách du lịch và người dân Paris tụ tập bên ngoài Nhà thờ Đức Bà - được UNESCO công nhận di sản thế giới - để chiêm ngưỡng sự trở lại của một trong những công trình tiêu biểu tại thủ đô Paris (hiện vẫn còn bao bọc bằng giàn giáo) thì nơi làm việc của công nhân phục dựng Nhà thờ Đức Bà vẫn luôn tất bật.

Gần 500 thợ thủ công đang bận rộn với nỗ lực xây dựng lại nhà thờ, đảm bảo địa danh ở Paris sẵn sàng mở cửa trở lại cho công chúng trong năm tới.

Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris với chi phí hơn 760 triệu USD- Ảnh 1.

Nhà thờ Đức Bà Paris đang được trùng tu

Stephan Book, một du khách Thụy Điển đến thăm Paris cùng con gái và người cha 80 tuổi, nói với CNN: "Thật thú vị khi thấy một thứ có giá trị lịch sử như vậy đang được khôi phục với nỗ lực thực hiện trong vòng 5 năm".

Trong chuyến thăm công trường gần đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hứa rằng công trình trùng tu sẽ "đúng tiến độ" để Nhà thờ Đức Bà mở cửa cho công chúng tham quan vào ngày 8.12.2024, 5 năm 7 tháng sau trận hỏa hoạn đã thiêu rụi phần lớn tòa nhà 860 năm tuổi vào tháng 4.2019.

Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris với chi phí hơn 760 triệu USD- Ảnh 2.

Nhiều chi tiết trong quá trình tái thiết của nhà thờ vẫn được giữ nguyên như ban đầu

"Vào thời điểm Thế vận hội Olympic diễn ra (vào tháng 7.2024), chúng tôi dự kiến sẽ tháo dỡ phần trên của ngọn tháp và hoàn thành phần mái để người dân Paris và du khách từ khắp nơi trên thế giới có thể chiêm ngưỡng nhà thờ ở khoảng cách gần. Nhà thờ sẽ mở cửa trở lại", Philippe Jost của Rebuilding Notre Dame de Paris (cơ quan công quyền chịu trách nhiệm bảo tồn và trùng tu nhà thờ), phát biểu trước Quốc hội Pháp hôm 13.12.

Hiện tại, những người ngắm cấu trúc gothic từ bên ngoài đã rất phấn khích trước viễn cảnh có thể được vào lại nhà thờ.

"Lần đầu tiên tôi đến Paris là 60 năm trước, 20 năm sau tôi trở lại", cha của Stephan Book - Göran Book - nhớ lại việc bước vào Nhà thờ Đức Bà trong mỗi lần ông đến thăm Paris trước đây. "Bây giờ tôi đã 80 tuổi. Nếu còn sống vào năm sau, tôi sẽ quay lại đây để xem lễ khai mạc mở cửa trở lại nhà thờ", ông nói thêm.

Một nỗ lực của nước Pháp

Theo Rebuilding Notre Dame de Paris, có gần 250 công ty và xưởng nghệ thuật trên khắp nước Pháp được giao nhiệm vụ "làm việc như trong thời kỳ phục hưng của nhà thờ". Trong đó bao gồm thợ mộc, thợ đá, thợ giàn giáo, nhà điêu khắc, thợ mạ vàng, thợ làm thủy tinh và thậm chí cả thợ chế tạo đàn organ - những người đang khôi phục cây đàn organ vĩ đại của Nhà thờ Đức Bà, cây đàn organ lớn nhất nước Pháp.

Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris với chi phí hơn 760 triệu USD- Ảnh 3.

Khoảng 500 công nhân và thợ thủ công đang tiến hành sửa chữa nhà thờ

Sau trận hỏa hoạn năm 2019, 2 năm làm việc đầu tiên được dành cho việc bảo vệ tòa nhà, hoàn thành nghiên cứu dự án và trao thầu. Giai đoạn khôi phục sau đó chính thức bắt đầu vào tháng 9.2021. Trong những tháng gần đây, tiến độ khôi phục khung mái, chóp và các phòng trưng bày lớn phía trên được tăng tốc.

Alban Dubois làm bồi bàn ở Cafe Panis, ngay đối diện Nhà thờ Đức Bà đã quan sát tiến độ hằng ngày từ cửa sổ nơi làm việc của mình. Anh đã ở đó, phục vụ bàn vào ngày xảy ra vụ hỏa hoạn và nhớ lại vụ việc kinh hoàng, chứng kiến ngọn lửa ngày càng lớn đến nỗi cửa sổ nhà hàng nơi anh làm việc nóng hơn. "Mọi người tụ tập trong nhà hàng và bất lực nhìn nhà thờ. Một số người đã khóc… Tất cả đều rất buồn", Alban nhớ lại.

Bây giờ, Alban Dubois mong chờ nhà thờ mở cửa trở lại và dự đoán sẽ có nhiều người ghé qua để tham quan. Theo Philippe Jost, 14 triệu du khách dự kiến sẽ "tới xem kết quả của việc trùng tu".

Đánh dấu công trình của thế kỷ 21

Trong khi diện mạo ban đầu của Nhà thờ Đức Bà sẽ được khôi phục hoàn toàn, Tổng thống Macron cũng bày tỏ mong muốn thế kỷ 21 "có vị trí trong số nhiều thế kỷ khác đánh dấu công trình của nhà thờ này".

Đầu tháng 12, ông Macron đã công bố một cuộc thi cho phép các nghệ sĩ đương đại tái tạo 6 cửa sổ kính màu ở phía nam của Nhà thờ Đức Bà, nhằm "đánh dấu thế kỷ 21 này".

Trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris với chi phí hơn 760 triệu USD- Ảnh 4.

Con gà trống vàng mới đính trên ngọn tháp do kiến trúc sư Philippe Villeneuve thiết kế, chứa các di vật được cứu khỏi trận hỏa hoạn xảy ra vào ngày 15.4.2019 và một tài liệu có tên những người làm công việc tái thiết

Tên của vị tướng Pháp Jean-Louis Georgelin, từng giám sát việc tái thiết Nhà thờ Đức Bà trước khi qua đời trong một vụ tai nạn trên núi hồi đầu năm nay, đã được khắc trên gỗ của ngọn tháp. Jean-Louis Georgelin "sẽ mãi mãi là một phần" của Nhà thờ Đức Bà. Tổng thống Macron đích thân tham gia quá trình khắc này vào ngày 8.12.

Tên của những người khác tham gia xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà cũng được gắn vĩnh viễn vào nhà thờ mới. Một ống hàn kín đặt bên trong con gà trống vàng gắn trên đỉnh chóp vào ngày 16.12 chứa tài liệu liệt kê tên 2.000 người đã tham gia vào công trình.

Con gà trống trước đó của ngọn tháp nhà thờ đã được tìm thấy một ngày sau vụ hỏa hoạn, bị hư hại giữa đống đổ nát. Theo Giáo phận Paris, bên trong nó là thánh tích (di hài) của Thánh Denis và Thánh Geneviève, cũng như một mảnh vương miện gai của Chúa Kitô, tất cả đều còn nguyên vẹn và hiện đã được đặt bên trong con gà trống mới.

Con gà trống cũ cùng với 6 cửa sổ kính màu sắp được thay thế sẽ được đặt trong một bảo tàng mới dành riêng cho Nhà thờ Đức Bà. Việc khai trương bảo tàng này đã được ông Macron công bố gần đây: "Nó sẽ là một bảo tàng nghệ thuật, một bảo tàng lịch sử, một bảo tàng để mô tả công trường xây dựng của Nhà thờ Đức Bà Paris".

Chi phí xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà dự kiến vào khoảng 767 triệu USD. Tổng cộng, 928 triệu USD đã được quyên góp từ 340.000 nhà tài trợ ở 150 quốc gia, theo Rebuilding Notre Dame de Paris.



Source link

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa
Hà Giang - vẻ đẹp níu chân người

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm