Học sinh lớp 12 tri ân cô Hiệu trưởng Phạm Thị Hòa (thứ 3 từ trái sang) và Ban Giám hiệu. |
Trường được thành lập từ năm 1972 tại quê lúa Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngôi trường trông rất mô phạm với những ngôi nhà màu vàng cũ, hàng xà cừ cổ thụ, những phòng học chật hẹp được xây dựng từ năm 1997. Trời mưa nhiều hôm lớp bị dột. Bờ tường bong tróc, thường xuyên phải đắp vá. Đường vào trường chật hẹp và mới được thảm nhựa năm trước.
Vượt lên những khó khăn về cơ sở vật chất, nhà trường liên tiếp đột phá, bắt đầu từ năm học 2021-2022, với thành tích đứng thứ nhất toàn tỉnh khối không chuyên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ tốt nghiệp lớp 12 đạt 100%, điểm bình quân các môn thi là 7,72. Các môn thi đều nằm trong top 10 trường có điểm bình quân cao nhất.
Sang năm học 2022-2023, nhà trường giữ vững vị trí số 1 khối THPT không chuyên. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT đạt 7,83 điểm; toàn trường có 43 điểm 10 và 622 điểm từ 9 trở lên.
Năm học 2023-2024, trường tiếp tục giữ được vị trí số 1 của tỉnh. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp tỉnh Vĩnh Phúc đứng đầu cả nước về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT toàn quốc.
Tổng điểm trung bình cộng các môn thi tốt nghiệp là 8,14 điểm. Trong đó, điểm trung bình cao nhất là môn Giáo dục công dân đạt 9,35 điểm; tiếp đến là môn Ngữ văn đạt 8,92 điểm; môn Địa lý đạt 8,91 điểm; môn Lịch sử đạt 8,49 điểm; môn Hóa học đạt 8,42 điểm; các môn Toán, Vật lý, Sinh học đều đạt điểm cao.
Năm học vừa qua nhà trường cũng bội thu về giải thưởng. Thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh đạt 198 giải, tăng 42 giải so năm học trước, trong đó có 9 giải Nhất, 68 giải Nhì, 65 giải Ba, 56 giải Khuyến khích. Học sinh của trường đạt nhiều giải trong các cuộc thi khác như thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật, thi Olympic tiếng Anh cấp tỉnh và cấp quốc gia, thi vô địch Tin học văn phòng thế giới. Tại Hội khỏe Phù đổng cấp tỉnh, trường xếp thứ nhất với 26 huy chương các loại.
Nhiều thầy cô giáo được khen thưởng vì những đóng góp xuất sắc. |
Điều này cho thấy, Trường THPT Nguyễn Viết Xuân thật sự là môi trường sáng tạo, giáo dục toàn diện, phát huy được những phẩm chất, tố chất của người học. Từ phong trào dạy tốt, học tốt, rèn luyện tốt, nhiều giáo viên trẻ và hàng chục học sinh của trường được kết nạp vào Đảng.
Người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phong trào thi đua là cô giáo Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, một nhà giáo rất say nghề, yêu thương học sinh và có nhiều kinh nghiệm quản lý giáo dục. Cô Hòa là giáo viên môn Ngữ văn, phong cách mạnh mẽ. Ngược với vẻ bề ngoài, cô Hòa rất tinh tế trong công tác điều hành, hết mực thương yêu đồng nghiệp, bao dung với học trò.
Theo cô Phạm Thị Hòa, để có kết quả này, các thầy cô giáo phải làm việc cả ngày nghỉ, ngày lễ, không quản ngại khó khăn, vất vả. Trường nghèo, phụ huynh cũng nghèo, nhưng tinh thần làm việc “máu lửa” của thầy cô giáo trở thành nguồn sức mạnh vô cùng to lớn. Học sinh noi theo tấm gương của thầy cô, quyết tâm học tập rất cao. Sự toàn tâm, toàn ý của thầy trò nhà trường cũng lan tỏa đến các bậc phụ huynh, các lớp học sinh đi sau, trở thành động lực và khát vọng thôi thúc mọi người tiến lên phía trước.
Về kinh nghiệm giảng dạy, cô Phạm Thị Hòa cho biết, nhà trường luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp, dạy học phân hóa theo năng lực học sinh. Giáo viên tăng cường bồi dưỡng học sinh yếu kém, nâng cao kiến thức chuyên sâu cho học sinh giỏi. Thầy cô giáo không tiếc thời gian công sức kèm cặp, bồi dưỡng miễn phí đối với học sinh yếu, cả ngày nghỉ, cả trực tiếp và gián tiếp như thông qua mạng xã hội… Phong trào học tập dâng cao tạo thành không khí thi đua giữa các lớp, các khối lớp, lớp sau không thua kém lớp trước.
Ở Trường THPT Nguyễn Viết Xuân, tan giờ học rồi mà học sinh vẫn ở lại lớp để học với nhau, nhất là học sinh lớp 12. Đã thành lệ, cứ đến mùa thi nhà trường bật điện, mở điều hòa cho học sinh tự học đến tối.
Cô giáo Trương Thị Dung, giáo viên môn Địa lý kể, có những bạn học giỏi tự nguyện dạy kèm cho các bạn học yếu hơn trong lớp. Nhiều nhóm học sinh ở lại sau giờ tan trường và tự học đến tối, thường là đến hơn 6 giờ tối. Có hôm 8 giờ tối mà học sinh của trường vẫn say sưa học nhóm, bảo vệ trường phải nhắc học sinh về để đóng cửa.
Các thầy cô đều mô phạm, nghiêm khắc và lao động quên mình. Tình cảm và trách nhiệm của thầy cô trong trường đã thôi thúc học sinh vươn lên trong học tập. Thương trò ôn thi vất vả, các cô giáo còn nấu chè, mua bánh kẹo để khích lệ trò. Tình thầy trò vì thế luôn ấm áp, thân thương.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Viết Xuân rất tự hào về mái trường của mình. |
Mỗi khi họp lớp, học sinh cũ đều tìm về tận lớp học để ôn lại kỷ niệm, gặp lại cô giáo cũ. Thế hệ trước truyền lửa học tập cho thế hệ sau tạo nên văn hóa rất riêng của ngôi trường này.
Lễ bế giảng năm học 2023-2024, nhiều phụ huynh và học trò rất xúc động khi cô Hiệu trưởng ôn lại những tháng ngày đồng hành vất vả, những buổi học say sưa, những giọt nước mắt nghẹn ngào và hạnh phúc, những thành quả theo các em mãi đến tương lai.
Mặc dù Trường THPT Nguyễn Viết Xuân được tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, giấy khen, nhưng phần thưởng lớn nhất đối với thầy cô là truyền thống vẻ vang, uy tín của trường được nâng cao, danh dự nhà giáo được bảo vệ, phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em học tập.
Với những thành tích xuất sắc và vị thế, đã đến lúc Trường THPT Nguyễn Viết Xuân cần được đầu tư xây dựng mới để xứng tầm cơ sở giáo dục có uy tín cao của tỉnh Vĩnh Phúc. Những nỗ lực của các thầy cô giáo cần được ghi nhận, động viên kịp thời để nhà trường tiếp tục giành được những thành tích cao hơn nữa.
Nguồn: https://nhandan.vn/truong-trung-hoc-pho-thong-nguyen-viet-xuan-truong-lang-lam-nen-ky-tich-post821578.html