Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của một số doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

TCCS - Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu hướng toàn cầu, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam ngày càng chú trọng hơn việc xây dựng thương hiệu xanh nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và các quy định môi trường. Theo đó, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín hình ảnh, thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh và thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội và môi trường.

Tạp chí Cộng SảnTạp chí Cộng Sản27/05/2025

Xu hướng phát triển thương hiệu xanh của một số doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam

Thương hiệu xanh là thương hiệu có những sản phẩm, hoạt động, dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khoẻ người tiêu dùng... Đối với các tổ chức, việc xây dựng và duy trì một thương hiệu xanh không chỉ tạo ra lợi ích kinh tế mà còn mang lại lợi ích xã hội và môi trường(1). Những năm gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường cũng tăng nhanh và trở thành nhu cầu thiết yếu. Thương hiệu xanh không chỉ là xu hướng mà còn trở thành tiêu chí quan trọng để doanh nghiệp khẳng định vị thế, phát triển bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp xanh là “doanh nghiệp không gây ra tác động tiêu cực đối với môi trường địa phương hoặc trái đất, đối với cộng đồng hay nền kinh tế. Một doanh nghiệp xanh cần phải bảo đảm 3 yếu tố, tiêu chí chính bao gồm: 1- Tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; 2- Tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường; 3- Tuân thủ về hồ sơ quản lý môi trường cùng các vấn đề liên quan khác”(2).

Trước nguy cơ nguồn tài nguyên đang dần kiệt quệ, sức ép từ gia tăng dân số, dịch bệnh,… phát triển bền vững trở thành một thực tế mà các doanh nghiệp phải tìm cách thích nghi và đáp ứng, trong đó phát triển xanh là một bước quan trọng doanh nghiệp phải triển khai. Thực tiễn cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến các thương hiệu xanh và tác động của thương hiệu xanh đến cuộc sống. “Nhu cầu tiêu dùng xanh tại Việt Nam đã tăng trưởng bình quân 15%/năm giai đoạn 2021 - 2023. Hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng”(3).

Trong những năm qua, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế, dẫn dắt xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại. Năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó(4).

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm cảm biến thông minh, thân thiện với môi trường của Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Đại An II, tỉnh Hải Dương_Ảnh: TTXVN

Để thu hút FDI và cạnh tranh với các nước trong khu vực, Việt Nam đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện thể chế cho các hoạt động kinh doanh, đồng thời, Đảng, Nhà nước cũng ban chủ trương, chính sách yêu cầu phải chọn lọc kỹ hơn các dự án đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, chuyển đổi số, phát triển xanh, công nghệ môi trường, công nghệ hydrogen xanh… Từ đó, một yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp FDI là phải chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu xanh. Một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu trong xây dựng, phát triển thương hiệu xanh góp phần vào mục tiêu thực hiện thành công cam kết Net Zero của Việt Nam, như Samsung, LG Display, Intel, Qualcomm, Heineken, Coca-Cola... Trong đó, ba doanh nghiệp FDI Formosa, Samsung, Heineken đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng, thực hiện truyền thông xây dựng thương hiệu xanh tiêu biểu, hiệu quả. Các doanh nghiệp không chỉ tập trung truyền thông về thương hiệu nói chung, mà còn chú trọng truyền thông về xây dựng thương hiệu xanh nói riêng. Các doanh nghiệp đã quán triệt và tuân thủ các quy định, chính sách của Việt Nam về bảo vệ môi trường; thể hiện cam kết trong việc phát triển các sản phẩm bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo, giảm lượng chất thải điện tử và thúc đẩy các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường; phát triển các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và dễ dàng tái chế… Các thông điệp truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của Samsung, Formosa, Heineken đều bám sát vào các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường, về cam kết phát thải ròng bằng 0, về phát triển tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.

Nội dung truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp đa dạng chủ đề. Với 3 nhóm chủ đề/nội dung chính, bao gồm: 1- Truyền thông về hoạt động xanh của doanh nghiệp; 2- Truyền thông về sản phẩm xanh của doanh nghiệp; 3- Truyền thông về dịch vụ xanh của doanh nghiệp. Việc truyền thông xây dựng thương hiệu xanh đã thể hiện được những nội dung cốt lõi trong xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam nói chung và ba doanh nghiệp Samsung, Formosa, Heineken nói riêng. Đồng thời, mỗi nhóm chủ đề lại có các chủ đề nhánh, với nhiều bài viết khác nhau.

Các doanh nghiệp như Formosa, Samsung, Heineken đã sử dụng nhiều kênh truyền thông để truyền tải thông điệp. Mỗi kênh truyền thông lại có nhiều video với hình thức khác nhau ở ngôn ngữ, thời lượng, dung lượng, thời điểm phát… Với sự phát triển của các kênh, phương tiện truyền thông số, mọi thông tin truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của 3 doanh nghiệp đều được đăng tải trên các nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội để người lao động, công chúng - khách hàng có thể tiếp nhận dễ dàng, tiếp nhận theo nhu cầu cá nhân. Một số sản phẩm, video truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của 3 doanh nghiệp có sức thu hút nhất định về hình thức, do sử dụng ngôn ngữ hình ảnh để chuyển tải thông điệp và bảo đảm sự ngắn gọn.

Hiệu quả truyền thông được nhìn nhận ở sự thay đổi về nhận thức, thái độ, hành vi của công chúng - khách hàng - đối tác dưới tác động của các thông điệp truyền thông được chủ thể tại doanh nghiệp FDI thực hiện. Sự thay đổi đó phải phù hợp với mục đích mà doanh nghiệp FDI đặt ra. Khách hàng sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp đã có nhận thức đúng về thương hiệu xanh của doanh nghiệp FDI biểu hiện ở sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; việc doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội; thương hiệu của doanh nghiệp có uy tín, được nhiều người tin dùng và có giá trị bền vững. Từ nhận thức đúng về thương hiệu xanh, khách hàng đã lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp vì sản phẩm có chất lượng, thương hiệu có uy tín, doanh nghiệp có cam kết bảo vệ môi trường và có giá cả cạnh tranh. Khách hàng không chỉ cho biết lý do lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp mà còn sẵn sàng trả giá cao hơn cho một sản phẩm/dịch vụ đến từ doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, cho thấy, nội dung truyền thông xây dựng thương hiệu xanh đã góp phần thay đổi nhận thức và thái độ sống của cộng đồng.

Hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp Samsung, Formosa và Heineken đã góp phần nâng cao trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Việc áp dụng các hoạt động thể hiện trách nhiệm xã hội có thể được coi là hoạt động tiếp thị đặc biệt liên kết với tính cách thương hiệu để tác động đến nhận thức của các bên liên quan về doanh nghiệp FDI, dẫn đến các doanh nghiệp tích cực áp dụng các hoạt động trách nhiệm xã hội được thiết kế để tạo tiếng vang cho cả thương hiệu và người tiêu dùng, cải thiện nhận thức của người tiêu dùng về các doanh nghiệp Samsung, Formosa và Heineken, cũng như tăng cường nhận thức về phát triển mô hình kinh tế xanh, “là giải pháp tối ưu hướng đến một nền kinh tế xanh - tăng trưởng kinh tế hài hòa cùng lợi ích xã hội và môi trường”(5).

Trước đây, cộng đồng còn lo ngại vì một số doanh nghiệp FDI trong quá trình kinh doanh đã gây ra ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, “doanh nghiệp FDI chiếm 60% tổng số các doanh nghiệp xả thải vượt quy chuẩn”(6) khiến “theo bảng xếp hạng quốc gia về mức độ ô nhiễm không khí của IQAir, Việt Nam hiện xếp thứ 36/118 quốc gia trên toàn thế giới, riêng Thủ đô Hà Nội có mức độ ô nhiễm thứ 3 trên thế giới(7). Nhận thức được tác động tới môi trường sinh thái, hiện nay, các doanh nghiệp FDI đã có nhiều thay đổi tích cực, chủ động xây dựng thương hiệu xanh để trở thành FDI xanh, “có quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế, trong khi sử dụng được hợp lý tài nguyên, tránh việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư”(8). Không chỉ các doanh nghiệp FDI, mà “Ban quản lý các khu công nghiệp cũng nhìn nhận tích cực hơn về vai trò của việc bảo vệ môi trường như là một yếu tố tiên quyết để thu hút FDI. Trước đây, bảo vệ môi trường thường được nhìn nhận với tác động làm tăng chi phí, do đó không đồng nhất với lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, các khu công nghiệp hiện đã quan tâm hơn đến sàng lọc, đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án đầu tư sẽ thân thiện với môi trường”(9). Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp FDI một phần nhờ hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh đã tác động nhất định đến hoạt động xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Một số hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của ba doanh nghiệp FDI Formosa, Samsung, Heineken vẫn còn một số hạn chế:

Thứ nhất, về nội dung truyền thông. Nội dung thông tin trong một số thông tin chưa thực sự hấp dẫn; thông tin xây dựng thương hiệu xanh vẫn chưa nhiều. Chủ đề về truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp FDI là dòng chủ đề tốt, có ý nghĩa đối với doanh nghiệp, xã hội, người tiêu dùng, nhưng chưa thu hút, hấp dẫn ở phương diện “nghệ thuật truyền thông”. Về chất lượng, vẫn còn một số  tin, bài liên quan thương hiệu xanh của cả ba doanh nghiệp chưa thực sự hấp dẫn, chưa khơi dậy được cảm xúc, tình cảm ở người tiếp nhận. Các doanh nghiệp có số lượng tác phẩm truyền thông xây dựng thương hiệu xanh chưa nhiều, hàm lượng thông tin xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp chưa thuyết phục

Thứ hai, nội dung về xây dựng thương hiệu xanh chưa được truyền thông, quảng bá đậm nét trong một số quảng cáo sản phẩm, chiến dịch dự án, sự kiện của doanh nghiệp. Thực tế, các sản phẩm, dự án, chiến dịch, sự kiện truyền thông thương hiệu xanh của ba doanh nghiệp FDI khảo sát có tình trạng: 1- Nội dung truyền thông thường chỉ tập trung vào các tính năng, lợi ích của sản phẩm mà chưa đề cập đến những tác động tích cực của sản phẩm đối với môi trường và xã hội; 2- Chỉ có một số dự án truyền thông có nội dung xây dựng thương hiệu xanh hoặc có lồng ghép nội dung xây dựng thương hiệu xanh. Khảo sát cho thấy, không phải dự án, chiến dịch nào của các doanh nghiệp cũng hướng đến xây dựng thương hiệu xanh(10). Điểm chung của các doanh nghiệp là chưa xây dựng chiến dịch truyền thông xây dựng thương hiệu xanh một cách chuyên biệt, mà thường đều dừng lại ở cấp độ “lồng ghép” truyền thông về các chiến dịch xanh; 3- Một số dự án truyền thông có sức lan tỏa, quảng bá chưa rộng, chưa sâu.

Thứ ba, các nhóm nội dung về xây dựng thương hiệu xanh mặc dù bảo đảm sự đa dạng, nhưng tính đa diện, đa chiều, độ sâu sắc, chi tiết về các khía cạnh nội dung xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp FDI vẫn chưa tốt, cụ thể: 1- Các doanh nghiệp chỉ tập trung vào việc quảng bá những kết quả đạt được trong bảo vệ môi trường mà chưa thực sự chia sẻ những khó khăn, thách thức và hành trình cải thiện môi trường cụ thể của doanh nghiệp. Điều này khiến thông điệp trở nên thiếu thuyết phục và đồng cảm, chưa tạo được “điểm chạm cảm xúc” cho công chúng tiếp nhận; 2- Tính đa chiều, đa diện, tính tương tác của thông tin về xây dựng thương hiệu xanh của ba doanh nghiệp FDI chưa được thực sự bảo đảm. Doanh nghiệp mới chỉ truyền thông một chiều về các thành tựu của xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp; trong khi những ý kiến của công chúng - người tiêu dùng về sản phẩm xanh cùng những đánh giá, nhận định của lãnh đạo địa phương, của người dân về các hoạt động xanh, dịch vụ xanh của doanh nghiệp chưa được chú trọng phản ánh. Mỗi doanh nghiệp đều có những câu chuyện riêng về hành trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách khai thác và truyền tải những câu chuyện này một cách hiệu quả.

Thứ tư, nội dung truyền thông xây dựng thương hiệu xanh còn khá rời rạc, tản mát, chưa có chuyên trang, chuyên mục trọng tâm, trọng điểm để thu hút công chúng. Với cả 3 doanh nghiệp, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh chưa phải là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động truyền thông, hay nói cách khác, cả 3 doanh nghiệp đều chưa xây dựng, phê duyệt các chiến dịch, kế hoạch truyền thông xây dựng thương hiệu xanh. Các sản phẩm truyền thông xây dựng thương hiệu xanh đang được bố trí không đồng đều trên website doanh nghiệp(11). Vẫn còn các tác phẩm truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của cả 3 doanh nghiệp đều đang lạm dụng chữ viết kết hợp với tranh ảnh, hơn là tận dụng các hình thức truyền thống sáng tạo. Việc đa dạng các kênh truyền thông xây dựng thương hiệu xanh cho các doanh nghiệp FDI là yêu cầu quan trọng, bởi công chúng đa dạng, ở khắp mọi nơi, với trình độ, lứa tuổi, điều kiện kinh tế, khả năng tiếp cận khác nhau, nên có nhu cầu, tâm lý, thói quen tiếp nhận thông tin khác nhau. Vì số lượng công chúng - khách hàng - đối tượng truyền thông của các doanh nghiệp FDI đông, đặc biệt là Samsung, Heineken, nên dẫn đến những khó khăn nhất định đối với chủ thể truyền thông xây dựng thương hiệu xanh trong việc tiếp cận nhu cầu, thị hiếu, thói quen tiếp nhận của từng đối tượng cụ thể. Hiệu quả hoạt động truyền thông tối ưu khi thông điệp truyền thông hướng được tới các nhóm công chúng đích, khi chủ thể truyền thông nắm bắt được rõ ràng nhu cầu, thị hiếu, mong muốn, năng lực tiếp nhận thông điệp của đối tượng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI Formosa, Samsung, Heineken chưa chú trọng truyền thông theo từng nhóm công chúng, còn truyền thông dựa trên góc độ chủ quan. Đồng thời, các hoạt động tương tác với đối tượng truyền thông còn hạn chế, thông tin còn một chiều và thiếu sự gắn kết với khách hàng.

Thứ năm, số lượng, chất lượng đội ngũ nhân lực làm truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của các doanh nghiệp FDI chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đội ngũ nhân lực truyền thông ở 3 doanh nghiệp chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về các hoạt động xây dựng thương hiệu xanh, thiếu am hiểu  sâu về xây dựng thương hiệu xanh, truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp; chưa nhuần nhuyễn kỹ năng truyền thông bằng công nghệ mới, còn nặng truyền thông bằng văn bản, dẫn đến chất lượng truyền thông xây dựng thương hiệu xanh có những hạn chế nhất định. Nguồn lực nhân lực dành cho hoạt động truyền thông xây dựng thương hiệu xanh chưa được đầu tư đúng mức.

Thứ sáu, thiếu sự kết nối chặt chẽ với văn hóa Việt Nam, với tâm lý, thói quen tiếp nnhaanjcuar công chucng người Việt, khiến một số nội dung truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp thiếu sức hút.

Với đặc thù là các doanh nghiệp FDI có chủ thể quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp đa số là người nước ngoài, do vậy, còn tồn tại một thực tế là doanh nghiệp FDI chưa thực sự hiểu sâu về văn hóa Việt Nam với những phong tục, tập quán, điều kiện văn hoá, đặc điểm và nhu cầu, năng lực, thói quen tiếp nhận truyền thông… của công chúng Việt Nam. Cùng với việc các doanh nghiệp FDI thiếu các cuộc điều tra, nghiên cứu công chúng truyền thông xây dựng thương hiệu xanh của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng  có những nội dung truyền thông  sự phù hợp, chưa thực sự tạo được sự đồng điệu với cảm xúc, tình cảm của người tiêu dùng Việt.

Cần tăng cường triển khai các chiến dịch truyền thông sáng tạo, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để lan tỏa thông điệp xanh (Trong ảnh: Cuộc thi tái chế bao bì sinh thái của TV Samsung với chủ đề “Sáng tạo thế giới xanh")_Nguồn: kenh14.vn

Giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông xây dựng thương hiệu xanh đối với doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Thứ nhất, xây dựng các chương trình truyền thông thương hiệu xanh tạo tác động tích cực đến hành vi của người tiêu dùng. Để tạo tiền đề cho việc ứng dụng thương hiệu xanh thành công, doanh nghiệp cần có những chương trình nâng cao nhận thức môi trường của người tiêu dùng, đồng thời tăng tính tích cực  hành vi của người tiêu dùng nhằm tạo ra một thị trường người tiêu dùng xanh ngày càng đông đảo. Doanh nghiệp xây dựng nội dung truyền thông minh bạch, chân thực, nhấn mạnh vào cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ xanh và chuỗi cung ứng bền vững. Việc minh bạch thông tin qua báo cáo ESG, nhãn sinh thái và chứng nhận xanh (LEED, ISO 14001) sẽ tạo dựng niềm tin với khách hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể triển khai các chiến dịch truyền thông sáng tạo, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, video tương tác và KOLs (người có ảnh hưởng) để lan tỏa thông điệp xanh. Cần khuyến khích người tiêu dùng thay đổi hành vi thông qua các chương trình ưu đãi, chẳng hạn như giảm giá cho sản phẩm tái chế hoặc tặng điểm thưởng khi tái sử dụng bao bì. Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức môi trường, tổ chức sự kiện “sống xanh” và tuyên truyền cho cộng đồng về tiêu dùng bền vững cũng góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Tăng cường giải pháp thúc đẩy xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm tại Việt Nam. Doanh nghiệp nên tạo ra những nhân tố thúc đẩy ý thức tích cực của người tiêu dùng, như đề cao nhân tố lợi ích cộng đồng hay nhân tố đạo đức(12).

Thứ hai, tăng cường đầu tư vào công nghệ và công tác nghiên cứu sản phẩm. Các doanh nghiệp đầu tư hơn nữa trong dây chuyền sản xuất, tập trung vào sử dụng các nguồn năng lực sạch, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời; cải tiến hệ thống tái sử dụng các chất thải từ quy trình sản xuất. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ xanh, như trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và Internet vạn vật (IoT) để tối ưu hóa sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng và hạn chế tác động môi trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển), xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam để phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường nội địa và quốc tế. Việc hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức công nghệ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao và ứng dụng những phát minh mới vào sản phẩm. Doanh nghiệp nên hợp tác với các công ty, doanh nghiệp công nghệ xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thử nghiệm các vật liệu sinh học, tái chế.

Thứ ba, hình thành mối liên kết sản xuất xanh - phân phối xanh. Doanh nghiệp cần áp dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm tiêu hao năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường và quản lý chất thải hiệu quả theo tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14001. Bên cạnh đó, việc sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió sẽ giúp giảm khí thải và nâng cao hình ảnh thương hiệu. Về phân phối xanh, doanh nghiệp cần phát triển chuỗi cung ứng bền vững bằng cách hợp tác với các đối tác có chứng nhận xanh, giảm thiểu bao bì nhựa và tối ưu hóa vận tải bằng phương tiện thân thiện môi trường. Ngoài ra, việc thúc đẩy thương mại điện tử, giảm lãng phí trong logistics cũng góp phần quan trọng. Để xây dựng thương hiệu xanh, doanh nghiệp cần truyền thông mạnh mẽ về các cam kết môi trường, minh bạch trong báo cáo ESG và hợp tác với các tổ chức môi trường.

Thứ tư, xây dựng bộ phận thực hiện chức năng thương hiệu xanh chuyên biệt. Để truyền thông xây dựng thương hiệu xanh hiệu quả, doanh nghiệp cần thành lập phòng hoặc ban phụ trách thương hiệu xanh, chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động liên quan đến môi trường, từ sản xuất, phân phối đến truyền thông. Bộ phận này cần có đội ngũ chuyên gia về môi trường, marketing xanh và quản lý chuỗi cung ứng bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tích hợp chỉ số ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) vào các tiêu chí đánh giá hiệu suất, bảo đảmthương hiệu xanh được triển khai một cách toàn diện. Việc phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận thương hiệu xanh với các phòng ban như sản xuất, vận hành, marketing sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh bền vững. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ xanh, tăng cường hợp tác với các tổ chức môi trường và minh bạch trong báo cáo phát triển bền vững.

Thứ năm, thực hiện hiệu quả và thường xuyên công tác nghiên cứu thị trường. Công tác nghiên cứu thị trường của doanh nghiệp cũng cần hoạt động thường xuyên để nhận ra xu hướng tiêu dùng xanh một cách nhanh nhất và đi đầu trong việc ứng dụng thương hiệu xanh xanh nhằm chiếm lĩnh thị trường. Theo đó, doanh nghiệp cần thu thập dữ liệu và phân tích hành vi khách hàng thông qua khảo sát, phỏng vấn và công nghệ dữ liệu lớn (big data) để xác định mức độ quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm xanh. Đồng thời, việc phân khúc thị trường giúp doanh nghiệp định vị đúng đối tượng mục tiêu, từ đó xây dựng chiến lược truyền thông hiệu quả hơn, phù hợp với văn hóa và thói quen của người tiêu dùng Việt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần theo dõi xu hướng xanh toàn cầu, áp dụng các mô hình thành công tại các thị trường phát triển vào Việt Nam. Việc hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, công ty phân tích thị trường sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn sâu sắc về động lực mua hàng và rào cản đối với tiêu dùng xanh. Ngoài ra, cần thử nghiệm các chiến dịch truyền thông nhỏ trước khi triển khai rộng rãi sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh thông điệp phù hợp./.

--------------------

(1) Xem: Jian Zhou - Lucinda Sawyer - Adnan Safi: “Institutional pressure and green product success: The role of green transformational leadership, green innovation, and green brand image” (Tạm dịch: Tác động của thể chế và sự thành công của sản phẩm xanh: Vai trò của lãnh đạo chuyển đổi xanh, đổi mới xanh và hình ảnh thương hiệu xanh), Frontiers in Psychology, t. 12, tr. 1-15
(2) Xem: Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Giải pháp phát triển doanh nghiệp xanh tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 3-4-2022, https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-phat-trien-doanh-nghiep-xanh-tai-viet-nam.html
(3) Xem: Ngọc Hân: “Người tiêu dùng chú trọng yếu tố bền vững, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công thương, ngày 10-11-2024, https://moit.gov.vn/phat-trien-ben-vung/nguoi-tieu-dung-chu-trong-yeu-to-ben-vung-doanh-nghiep-chuyen-doi-mo-hinh-kinh-doanh.html
(4) Xem: Minh Ngọc: Năm 2024, vốn FDI giải ngân cao kỷ lục, Báo điện tử Chính phủ, ngày 6-1-2025, https://baochinhphu.vn/nam-2024-von-fdi-giai-ngan-cao-ky-luc-102250106101728669.htm
(5) Xem: Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh: Kỷ yếu Hội thảo khoa học Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26-12-2023, tr. 6
(6) Xem; “60% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn?”, Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam, ngày 10-7-2016, https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/60-doanh-nghiep-fdi-xa-thai-vuot-quy-chuan-528824.vov
(7) Nguyễn Thị Thương: “Thực trạng tác động của đầu tư nước ngoài tới môi trường sinh thái tại Việt Nam”, Tạp chí Công thương điện tử, ngày 8-4-2023, https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-tac-dong-cua-dau-tu-nuoc-ngoai-toi-moi-truong-sinh-thai-tai-viet-nam-103979.htm
(8) Phạm Thị Thùy Dương: “Giải pháp thu hút FDI xanh tại Việt Nam”, Tạp chí Tài chính điện tử, ngày 9-7-2022, https://tapchitaichinh.vn/giai-phap-thu-hut-fdi-xanh-tai-viet-nam.html
(9) Nguyễn Thị Thương: “Thực trạng tác động của đầu tư nước ngoài tới môi trường sinh thái tại Việt Nam”, Tlđd
(10) Samsung chỉ có 4/9 và Heineken có 6/9 chiến dịch năm 2023 - 2024 trực tiếp về xây dựng thương hiệu xanh
(11) Trong 3 doanh nghiệp tiến hành khảo sát, số lượng tác phẩm, video của doanh nghiệp Formosa là ít nhất, với chỉ có 111 tác phẩm trên website trong năm 2023 và 10 tháng đầu 2024, Formosa chỉ có 23 bài trong 22 tháng, trung bình mỗi tháng có 1 bài đăng trên báo mạng điện tử; Heineken có 101 bài (trung bình mỗi tháng có gần 5 bài) và Samsung có 114 bài (trung bình mỗi tháng có hơn 5 bài)
(12) Xem: Nguyễn Thị Thu Hà - Bùi Quang Tín: “Một số giải pháp nhằm tăng cường marketing xanh của các daonh nghiệp tại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, số 77 (11-2015), tr. 93

Nguồn: https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/1088902/truyen-thong-xay-dung-thuong-hieu-xanh-cua-mot-so-doanh-nghiep-fdi-tai-viet-nam.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm