Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ cơ chế, chính sách đến sự đồng thuận

(Baothanhhoa.vn) - Nhiệm vụ XDNTM giai đoạn 2021-2025 chưa khép lại, song do có sự thay đổi về các chỉ tiêu, mục tiêu và nội dung triển khai bởi việc sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp nên Thanh Hóa đã tổng kết chương trình. Nhìn lại hành trình gần 5 năm qua cho thấy, những cơ chế, chính sách riêng của tỉnh có tác động tích cực, khơi dậy được sự vào cuộc của toàn xã hội.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa20/07/2025

Từ cơ chế, chính sách đến sự đồng thuận

Mô hình chế biến lá dứa thành sợi cho ngành dệt may ở xã Ngọc Liên.

"Trợ lực" từ chính sách

Từ đầu năm 2021 đến nay, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành 4 quyết định, 11 chỉ thị; Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Thanh Hóa cũng ban hành 3 quyết định, 7 báo cáo. HĐND tỉnh ra 25 nghị quyết, trong đó có 18 nghị quyết về phân bổ vốn, 2 nghị quyết ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, 1 nghị quyết về cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện, 4 nghị quyết về phát triển sản xuất có liên quan đến Chương trình XDNTM. Cùng thời gian trên, UBND tỉnh đã ban hành 81 quyết định, 40 kế hoạch, 8 báo cáo và nhiều văn bản trực tiếp chỉ đạo thực hiện chương trình.

Ngay từ năm đầu triển khai nhiệm vụ XDNTM của nhiệm kỳ mới, khi các địa phương và các đơn vị liên quan của tỉnh còn đang lúng túng, nhất là về nguồn vốn thực hiện, HĐND tỉnh đã ban hành chính sách khuyến khích, tập trung vào nội dung hỗ trợ các địa phương đạt chuẩn, hỗ trợ đầu tư một số tiêu chí về cơ sở hạ tầng cho các xã trong kế hoạch phấn đấu về đích mỗi năm. Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ vốn đối ứng và tình hình thực tế của tỉnh, HĐND tỉnh cũng ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương làm cơ sở thực hiện.

Cùng với đó, tháng 9/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3223/QĐ-UBND để quy định danh mục loại dự án thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được áp dụng cơ chế đặc thù. UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã phân công, phân cấp quản lý thực hiện tại Quyết định số 1810/QĐ-UBND ngày 26/5/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Đến tháng 12/2022, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 07 quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn, hướng dẫn cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Đây chính là “chìa khóa" để tổng hợp nguồn lực cần thiết trong thực hiện những tiêu chí khó như xây dựng hệ thống giao thông cũng như các công trình hạ tầng ở các địa phương.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đảm bảo thời gian, tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng ban hành hàng loạt văn bản và giải pháp chỉ đạo, đôn đốc, trong đó, cụ thể hóa chỉ tiêu tiến độ giải ngân và phân công rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Từ đó, hàng nghìn công trình, dự án lớn nhỏ đã được triển khai, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện các tiêu chí NTM ở cấp cơ sở.

Toàn xã hội vào cuộc

Sau khi hoàn thiện các cơ chế khuyến khích và những hướng dẫn cụ thể, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân hào hứng cùng vào cuộc, nhiều kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn Ủy ban MTTQ các cấp tổ chức hơn 2.330 hội nghị tập huấn về MTTQ tham gia XDNTM; tổ chức hơn 1.300 cuộc góp ý, phản biện xã hội đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh. Thành công nhất là vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp ngày công lao động xây dựng các công trình giao thông nông thôn, công trình phúc lợi.

Tỉnh đoàn Thanh Hóa triển khai phong trào “Tuổi trẻ chung tay XDNTM và đô thị văn minh”, xây dựng được 404km đường giao thông, 35 “con đường bích họa” kiểu mẫu, 15km đường điện thắp sáng đường quê, 43 tuyến đường “cột điện nở hoa”, 683 “hàng cây thanh niên”, trồng mới hơn 1,3 triệu cây xanh, 103 “vườn ươm thanh niên lập nghiệp”, tu sửa 15 nhà văn hóa, xóa 14 nhà tạm, nhà dột nát trị giá hơn 1 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 2.020 nhà tiêu hợp vệ sinh, tổ chức nhiều đợt đồng loạt ra quân hưởng ứng ngày “Chủ nhật xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Hãy làm sạch biển” với hơn 20.000 lượt cán bộ, đoàn viên tham gia...

Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam” và hàng chục đề án, dự án liên quan đến XDNTM. Hội LHPN các cấp còn xây dựng và nhân rộng các mô hình như: Hơn 4.000 “Nhà sạch, vườn mẫu”, “Nhà sạch, vườn đẹp, hàng rào xanh”, “Đường hoa, đường tranh, hàng cây”. Hơn 811 “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Vườn rau xanh - nhà sạch đẹp - bếp ngăn nắp - chuồng xa nhà”, 950 “Chi hội kiểu mẫu, 5 không, 3 sạch, XDNTM”, 667 “Làng quê/khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, 1.100 “Chi hội tự quản về an toàn thực phẩm”... đã được phụ nữ trong tỉnh tạo lập. Hội LHPN các cấp chính là lực lượng nòng cốt trong phong trào tình nguyện dọn vệ sinh môi trường; đã trồng được 851.000 cây xanh các loại; tổ chức hơn 1.700 sự kiện truyền thông, các lớp tập huấn cho 1,5 triệu lượt cán bộ, hội viên. Từ đó đưa toàn tỉnh có 610.814 hộ đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam, XDNTM, đô thị văn minh.

Từ cơ chế, chính sách đến sự đồng thuận

Mô hình sản xuất tổng hợp theo tiêu chí NTM ở xã Như Thanh.

Từ năm 2021 đến nay, các cấp hội nông dân đã vận động hội viên, nông dân hiến hơn 359.297m2 đất; tu sửa và làm mới 3.354,5km đường giao thông nông thôn, kênh mương, tham gia xây dựng 2.030 công trình các loại. Hội nông dân các địa phương còn xây dựng được 806 tổ tự quản về bảo vệ môi trường nông thôn; xây dựng mới 569 mô hình thực hiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm; vận động 258.281 hộ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và 459.629 hội viên, nông dân tham gia đóng bảo hiểm y tế.

Hội cựu chiến binh các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Đồng thời vận động hội viên, tổ chức các hoạt động, xây dựng các phong trào, mô hình, điển hình tiên tiến, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững và XDNTM. Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” tiếp tục được đẩy mạnh, nổi bật là hai khâu đột phá về làm nhà “Nghĩa tình cựu chiến binh” từ quỹ đóng góp của hội viên và xây dựng mô hình “Câu lạc bộ cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế”.

Các ban, sở, ngành cấp tỉnh trên cơ sở nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác hằng năm đã triển khai thực hiện nhiều nội dung, hoạt động để lồng ghép vào công tác tập huấn, tuyên truyền về Chương trình XDNTM.

Với sự đồng thuận vào cuộc của toàn xã hội đã tạo ra những “trái ngọt” thành quả đáng khích lệ. Theo Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, đến trước thời điểm vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Thanh Hóa đã có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ XDNTM; 374/449 xã, 831 thôn bản miền núi đạt chuẩn NTM, 125 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 33 xã, 629 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Từ nhiều năm qua, số xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM của Thanh Hóa luôn nằm trong tốp đầu cả nước. Trước khi giải thể cấp huyện, Thanh Hóa cũng là địa phương có 4 huyện đầu tiên của khu vực Bắc Trung bộ được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao.

Bài và ảnh: Hà Giang

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/tu-co-che-chinh-sach-nbsp-den-su-dong-thuan-255313.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế
Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm