Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Hồ Mạnh Dũng, nghiên cứu viên cao cấp đã trình bày mội số nội dung thu nhận được từ hai diễn đàn khoa học quốc tế uy tín mà ông đại diện cho Việt Nam tham gia. Đây là những thông tin quan trọng, có thể mở ra một số định hướng nghiên cứu ứng dụng tiềm năng và mang lại giá trị thiết thực cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển của Trung tâm trong thời gian tới.
PGS.TS. Hồ Mạnh Dũng trình bày tại Hội thảo khoa học.
Thứ nhất, Hội nghị ISINN-31 "Tương tác của nơtron với hạt nhân", được tổ chức bởi Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân (JINR-Dubna, Nga) tại thành phố Đông Quan, Trung Quốc, từ ngày 25-30/5/2025. Hội nghị tập trung vào các chủ đề của vật lý nơtron, nổi bật gồm: Tính chất cơ bản của nơtron; tương tác cơ bản và đối xứng trong các phản ứng gây ra bởi nơtron; tính chất của các trạng thái hạt nhân hợp phần, cấu trúc hạt nhân; số liệu hạt nhân; phân hạch hạt nhân; phương pháp đo lường nơtron; vật lý nơtron siêu lạnh (UCN); kỹ thuật phân tích hạt nhân dựa trên nơtron; hệ thống điều khiển bằng máy gia tốc (ADS); ảnh hưởng của bức xạ nơtron; vật lý lò phản ứng hạt nhân; vận chuyển và mô phỏng bức xạ, và nguồn nơtron tiên tiến (spallation),...
Ban Giám đốc điều hành chương trình và các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận tại Hội thảo.
Tại Hội nghị này, đại diện Việt Nam đã trình bày báo cáo "Phát triển phương pháp phân tích kích hoạt nơtron dựa trên chuẩn hoá k-zero cho các hạt nhân sống ngắn". Công trình được thực hiện tại Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, sử dụng hệ kích hoạt nhanh Kênh 13-2 và phần mềm ‘k0-Dalat’, cho phép tự động hóa toàn bộ quy trình từ khâu chiếu kích hoạt nơtron đến xử lý số liệu. Kết quả cuối cùng đạt độ chính xác 5-8% khi phân tích mẫu sinh học và môi trường với các hạt nhân sống ngắn có chu kỳ bán rã cỡ chục giây đến vài phút (77mSe, 110Ag, 20F, 179mHf, 51V & 46mSc). Nghiên cứu này đã mở ra những hướng ứng dụng tiềm năng trong nghiên cứu khoa học sự sống và môi trường, tập trung vào các nguyên tố được kích hoạt nơtron hình thành các hạt nhân sống ngắn, đồng thời góp phần đào tạo một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Thứ hai, Hội thảo "IAEA-NUS" về ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân dựa trên máy gia tốc tiên tiến trong đối tượng di sản văn hóa. Sự kiện quốc tế này do Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) phối hợp với Đại học Quốc gia Singapore (NUS) tổ chức tại Singapore từ 19-23/5/2025. Tại Hội thảo, đại diện Việt Nam đã báo cáo giới thiệu năng lực hiện có tại các đơn vị ở Việt Nam về phân tích hiện vật khảo cổ và di sản văn hóa: Viện Nghiên cứu Hạt nhân, với các kỹ thuật k0-NAA, PGNAA trên Lò Phản ứng hạt nhân Đà Lạt, cùng với xử lý số liệu học máy; Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, với khả năng phân tích PIXE bằng máy gia tốc Tandem; Viện Khảo cổ học Việt Nam, với kiến thức chuyên sâu về khảo cổ, khả năng định tuổi bằng đồng vị C-14 và XRF cầm tay; Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh, với năng lực về phương pháp k0-NAA, XRF, định tuổi bằng kỹ thuật nhiệt phát quang (TL), quang phát quang (OSL) và carbon phóng xạ (C-14).
Đề xuất của Việt Nam tại Hội thảo về việc tích hợp các kỹ thuật hạt nhân hiện có ở các đơn vị trong nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đồng nghiệp tham gia Hội thảo.
Sự tham gia và những đóng góp tích cực tại hai sự kiện khoa học quốc tế này đã góp phần thể hiện năng lực và tiềm năng nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân. Từ những thông tin quý báu và bài học đúc kết từ hai Hội thảo quốc tế nêu trên, diễn giả đã nêu lên một số hướng nghiên cứu và ứng dụng triển vọng cho Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác phối hợp trong và ngoài nước. Cụ thể:
Về bảo tồn di sản văn hóa:
Phân tích hiện vật kim loại: Ứng dụng các kỹ thuật k0-NAA, PGNAA, PIXE, XRF để nghiên cứu trống đồng, công cụ sắt cổ, giúp giải mã kỹ thuật luyện kim và mạng lưới thương mại cổ đại, từ đó làm phong phú thêm hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam;
Kiểm tra không phá hủy: Sử dụng chụp ảnh nơtron/gamma để kiểm tra cấu trúc bên trong các hiện vật như tượng gỗ, đồ gốm mà không gây hư hại;
Khử trùng mẫu vật di sản: Chiếu xạ gamma để khử trùng văn bản giấy, gỗ, hoặc vải sợi trong điều kiện khí hậu ẩm ướt của Việt Nam, giúp bảo quản tốt hơn mẫu vật.
Về nghiên cứu Vật liệu:
Đánh giá độ bền bức xạ (hợp tác với JINR, Nga và CNS, Trung Quốc): Nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của nơtron lên các vật liệu bán dẫn (Ví dụ: GaN, AlGaAs) nhằm phục vụ các ứng dụng quan trọng trong y tế, công nghiệp và hàng không vũ trụ, góp phần vào sự phát triển công nghệ cao quốc gia;
Phát triển vật liệu lai composite (hợp tác với JINR, Nga): Tập trung vào việc chế tạo các đầu dò nơtron/gamma thế hệ mới với hiệu suất vượt trội;
Nghiên cứu nhiễu xạ nơtron (hợp tác với CNS, Trung Quốc): Phân tích chi tiết cấu trúc vật liệu ở cấp độ nguyên tử và phân tử, cung cấp hiểu biết sâu sắc về tính chất vật lý của chúng.
Về xây dựng Mạng lưới hợp tác nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu của Việt Nam, tạo ra các cơ hội hợp tác đa ngành:
Thiết lập và tăng cường hợp tác với các đối tác trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc, Úc, cùng các nước ASEAN (Singapore, Thái Lan, Campuchia) trong nghiên cứu các di sản chung;
Hợp tác với IAEA nhằm nâng cấp hệ PIXE (ĐH KHTN Hà Nội) và hệ PGNAA cho mẫu lớn (Viện Nghiên cứu Hạt nhân).
Hội thảo đã diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến trao đổi và thảo luận. Diễn giả đã trực tiếp giải đáp các câu hỏi từ các đại biểu, làm rõ thêm thông tin cũng như nội dung khoa học then chốt của vấn đề được trình bày.
Kết thúc Hội thảo, nhiều đại biểu đã bày tỏ mong muốn Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao tri thức và phát triển ứng dụng công nghệ hạt nhân vì mục tiêu kép: Bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy nghiên cứu vật liệu tiên tiến. Diễn giả cũng nhấn mạnh Trung tâm cần kiến nghị các cấp lãnh đạo quan tâm hỗ trợ nâng cấp trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu và triển khai các nhiệm vụ mới. Hội thảo được kỳ vọng sẽ là một bước đệm quan trọng để hiện thực hóa các dự án đa ngành tại Việt Nam.
Hội thảo khép lại với những triển vọng mới, truyền cảm hứng cho các nhà khoa học, đặc biệt là thế hệ trẻ, tiếp tục khám phá và sáng tạo, góp phần hiện thực hóa sứ mệnh kép. Gìn giữ di sản văn hóa ngàn đời và phát triển vật liệu tương lai bằng công nghệ hạt nhân. Trung tâm Hạt nhân Thành phố Hồ Chí Minh cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác và nghiên cứu nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra.
Nguồn: https://mst.gov.vn/tu-hoi-thao-quoc-te-den-de-xuat-ung-dung-cong-nghe-hat-nhan-trong-bao-ton-di-san-van-hoa-va-nghien-cuu-vat-lieu-tai-viet-nam-197250722125905936.htm
Bình luận (0)