.jpg)
Có tới 14,5% số học sinh THPT được khảo sát trên địa bàn tỉnh Hải Dương có rối nhiễu tâm lý (bao gồm các hành vi như vi phạm nội quy, bạo lực học đường). Đây là kết quả nghiên cứu của Ban Chủ nhiệm đề tài Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Hải Dương đưa ra tại hội thảo nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh ngày 21/5 tại TP Hải Dương.
Thông qua Đề tài "Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần ở học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Hải Dương và đề xuất mô hình phòng ngừa, can thiệp", Ban Chủ nhiệm đã tiến hành khảo sát 2.000 mẫu, trong đó có 1.100 học sinh, 400 giáo viên và 500 phụ huynh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
.jpg)
Kết quả khảo sát cho thấy 64,2% số học sinh có sức khỏe tinh thần ở mức độ bình thường; 21,4% số học sinh ở mức độ ranh giới và 14,5% số học sinh có rối nhiễu tâm lý. Tỷ lệ này cao hơn một số nghiên cứu ở nước ngoài và ở Việt Nam.
Mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe tinh thần chung với 4 vấn đề khó khăn: tăng động - giảm chú ý, vấn đề cảm xúc, tình cảm và các khó khăn liên quan đến rối loạn hành vi. Học sinh nữ có xu hướng gặp nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn so với học sinh nam. Kết quả cũng cho thấy học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần cao hơn so với đánh giá của phụ huynh học sinh.
Nghiên cứu cũng cho thấy có sự liên kết chặt chẽ giữa các khía cạnh sức khỏe tinh thần và nguồn hỗ trợ xã hội. Học sinh có sức khỏe tinh thần tốt thường nhận được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và người đặc biệt khác. Trong khi đó, những học sinh gặp vấn đề về cảm xúc có xu hướng nhận được ít sự hỗ trợ hơn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự hỗ trợ xã hội trong cải thiện sức khỏe tinh thần của học sinh.
Từ các kết quả nghiên cứu trên, Ban Chủ nhiệm đề tài khuyến nghị học sinh cần tìm hiểu các dấu hiệu của căng thẳng, trầm cảm và cách ứng phó phù hợp. Các em cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, tập thể dục và tham gia các hoạt động ngoại khóa để giảm bớt căng thẳng. Khi gặp các vấn đề tâm lý, cần tìm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè, cha mẹ...
Nhà trường tăng cường giáo dục về sức khỏe tinh thần thông qua các hoạt động lồng ghép tâm lý và kỹ năng sống vào chương trình học; tổ chức hội thảo về quản lý căng thẳng, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Phụ huynh cũng cần quan tâm đến cảm xúc của con, lắng nghe và không áp đặt quá nhiều áp lực học tập lên con. Hỗ trợ con xây dựng lối sống lành mạnh, khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao, nghệ thuật thay vì chỉ tập trung vào học tập trên lớp...
Các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám và tư vấn tâm lý, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu căng thẳng, lo âu, trầm cảm hay rối loạn tâm lý ở học sinh để có biện pháp can thiệp kịp thời. Phối hợp với nhà trường tổ chức các chương trình giáo dục về sức khỏe tinh thần, hướng dẫn học sinh kỹ năng quản lý căng thẳng, kiểm soát cảm xúc và xây dựng thói quen sống lành mạnh...
PVNguồn: https://baohaiduong.vn/ty-le-hoc-sinh-thpt-o-hai-duong-bi-roi-nhieu-tam-ly-o-muc-cao-412118.html
Bình luận (0)