UNESCO chính thức giới thiệu bản dịch tiếng Việt của Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu (GEM) năm 2024/2025 với chủ đề "Lãnh đạo trong giáo dục: Lãnh đạo vì học tập".
Sự kiện được tổ chức trong khuôn khổ hội thảo tham vấn chính sách cho giáo viên do Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức, nhằm đánh dấu cột mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam thông qua Luật Nhà giáo.
Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ lãnh đạo giáo dục trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, đặc biệt trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á đang đối mặt với nhiều thách thức về học tập và bất bình đẳng.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng 251 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không được đến trường, trong đó có 18 triệu em tại Đông Nam Á. Mặc dù nhiều nước đã có tiến bộ về tiếp cận giáo dục trong vài thập kỷ qua, tốc độ cải thiện đang chậm lại hoặc dậm chân tại chỗ. Ngay cả ở một số quốc gia có thu nhập trung bình và cao, kết quả học tập cũng đang có chiều hướng đi xuống.
Lãnh đạo giáo dục - nhân tố quyết định chất lượng trường học
Theo báo cáo, lãnh đạo giáo dục bao gồm những người chịu trách nhiệm định hướng, tổ chức và triển khai hoạt động giáo dục ở mọi cấp, từ hiệu trưởng, cán bộ quản lý cấp xã/phường đến các nhà hoạch định chính sách. Họ là người đặt ra mục tiêu, hướng dẫn chuyên môn, thúc đẩy sự hợp tác và hỗ trợ đội ngũ giáo viên.
Nghiên cứu cho thấy, năng lực lãnh đạo tốt có thể nâng cao kết quả học tập của học sinh thêm 27%. Báo cáo cũng ghi nhận vai trò đồng hành quan trọng của người học, phụ huynh và cộng đồng.
Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo hiện nay ở nhiều quốc gia vẫn đang đối mặt với khó khăn. Trên phạm vi toàn cầu, chưa đến một nửa các chương trình đào tạo lãnh đạo giáo dục có nội dung đẩy đủ về các kỹ năng cốt lõi.
Tại các quốc gia có thu nhập trung bình, nhiều hiệu trưởng cho biết họ phải dành hơn hai phần ba thời gian làm việc cho công tác hành chính, thay vì tập trung vào vai trò lãnh đạo chuyên môn.
"Lãnh đạo giáo dục không đơn thuần là quản lý. Hiệu trưởng và các nhà lãnh đạo giáo dục ảnh hưởng sâu sắc tới chất lượng giảng dạy, truyền cảm hứng cho học viên, thúc đẩy sự hợp tác trong trường học và giúp nhà trường thích ứng với các thay đổi liên tục", bà Anna D'Addio, Trưởng nhóm Chính sách Giáo dục của nhóm soạn thảo báo cáo GEM tại UNESCO chia sẻ.
Trường hợp Việt Nam: cơ hội lớn giữa thời điểm chuyển mình
Tại Việt Nam, những phát hiện trong báo cáo GEM được công bố đúng lúc hệ thống giáo dục đang bước vào giai đoạn có nhiều đổi mới, đặc biệt với việc triển khai Luật Nhà giáo mới được thông qua.
Số liệu trong nước cho thấy, hiệu trưởng các trường học chỉ dành khoảng 21,5% thời gian làm việc cho công việc chuyên môn. Đồng thời, 64% hiệu trưởng cho biết họ cần được bồi dưỡng thêm về các kỹ năng như giáo dục hòa nhập, sử dụng dữ liệu và hỗ trợ giáo viên.
Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục thông qua việc tăng cường đào tạo lãnh đạo trường học, cải thiện quy trình tuyển chọn một cách minh bạch và trao quyền tự chủ nhiều hơn cho đội ngũ lãnh đạo cơ sở.
Đồng thời, cần chú trọng xây dựng và phát triển năng lực lãnh đạo ở cấp hệ thống, bao gồm các cấp xã/phường, nơi đóng vai trò trung gian quan trọng trong việc hiện thực hóa các chính sách giáo dục tại địa phương.
UNESCO hiện đang hỗ trợ Việt Nam trong nhiều chương trình, bao gồm: Dự án Trường học hạnh phúc, nhằm xây dựng môi trường học tập tích cực và toàn diện; Dự án Chúng tôi có thể thúc đẩy bình đẳng giới trong các trường dân tộc thiểu số.
UNESCO cũng hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai các chính sách giáo dục dựa trên bằng chứng phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, như Chiến lược phát triển giáo dục 10 năm, chính sách về học tập suốt đời, cũng như quá trình triển khai hiệu quả Luật Nhà giáo vừa được thông qua.
"Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để áp dụng các khuyến nghị từ báo cáo một cách hiệu quả. Việc đầu tư đồng thời cho cả lãnh đạo nhà trường và lãnh đạo hệ thống sẽ giúp giáo dục Việt Nam phát triển bền vững và bao trùm hơn," bà Anna D’Addio khẳng định.
Các khuyến nghị của báo cáo
Báo cáo GEM 2024/2025 đưa ra một số khuyến nghị như sau:
Trao quyền và tăng cường niềm tin vào đội ngũ lãnh đạo bằng việc giao quyền quyết định thực chất, kèm theo cơ chế hỗ trợ và giám sát phù hợp.
Tuyển chọn, đào tạo và ghi nhận đội ngũ lãnh đạo một cách công khai, minh bạch, với tiêu chuẩn phù hợp từng quốc gia.
Thúc đẩy môi trường hợp tác trong trường học, nơi vai trò lãnh đạo được chia sẻ giữa nhà giáo, người học, phụ huynh và cộng đồng.
Đầu tư cho lãnh đạo ở cấp hệ thống, từ trung ương đến địa phương, để’ tăng cường năng lực, gắn kết chính sách và thực tiễn, góp phần duy trì những thay đổi một cách bền vững.
Được thành lập từ năm 2002, Báo cáo Giám sát Giáo dục Toàn cầu là một ấn phẩm độc lập do UNESCO chủ trì và phát hành. Tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới năm 2015, báo cáo đã được 160 chính phủ giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu giáo dục trong khuôn khổ Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG), đặc biệt là SDG 4 về giáo dục chất lượng, đồng thời giám sát việc thực hiện các chiến lược trong nước và quốc tế nhằm đảm bảo trách nhiệm của các bên liên quan trong cam kết phát triển giáo dục.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/vai-tro-then-chot-cua-lanh-dao-nha-truong-trong-doi-moi-giao-duc-post740370.html
Bình luận (0)