Với quan niệm "ăn canh khổ qua cho qua cái khổ", mong muốn những điều khó khăn, vất vả năm cũ qua đi, năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, cùng nhiều ý nghĩa tươi mới khác, nên mâm cơm cúng rước ông bà ngày 30 Tết của người miền Tây luôn có món canh khổ qua dồn thịt.
Trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Tây thường chuộng các món ăn mang ý nghĩa theo tên gọi của nó, ví dụ như: Mâm ngũ quả thì phải "cầu - dừa - đủ - xoài"- với ý nghĩa cầu vừa đủ xài; thịt kho thì phải cắt vuông to, kho cùng hột vịt tròn thể hiện cho sự toàn vẹn; màu đỏ của miếng dưa hấu cắt ra cầu mong cho sự may mắn cả năm và món canh khổ qua dồn thịt cũng thế, "khổ qua"- với mong muốn những điều khó khăn, vất vả năm cũ qua đi, năm mới sẽ gặp nhiều may mắn cùng nhiều ý nghĩa tươi mới khác...
Món canh khổ qua dồn thịt luôn có trong mâm cơm cúng rước ông bà ngày 30 Tết ở miền Tây. Ảnh: Hồng Cẩm
Đúng như tên gọi của nó, món canh khổ qua có ý nghĩa là niềm hy vọng những điều khó khăn, vất vả của năm cũ sẽ qua đi để năm mới gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi hơn, tươi mới hơn.
Món canh khổ dồn thịt qua là món ăn quen thuộc của người miền Tây trong các bữa cơm gia đình, nhất là trong những ngày Tết, đám giỗ thì không thể thiếu món ăn này. Tuy nhiên, món canh khổ qua dồn thịt trong mâm cỗ ngày Tết cúng rước ông bà lại trở nên ý nghĩa vô cùng, dường như có tô canh khổ qua dồn thịt mọi người sẽ cảm thấy an tâm hơn rằng mọi điều không may của năm cũ đã qua, hy vọng năm mới mọi điều sẽ khác, sẽ tốt đẹp hơn.
Công đoạn dồn thịt vào trái khổ qua. Ảnh: Hồng Cẩm
Ngoài ra, canh khổ qua dồn thịt cũng là món ăn giải nhiệt, mát và bổ trong những ngày Tết. Nhiều gia đình chọn nấu món canh này như một bài thuốc để thanh nhiệt, giải độc vô cùng hiệu quả trong những ngày nắng nóng, ăn uống nhiều dầu mỡ như ngày Tết.
Cách làm món khổ qua nhồi thịt đơn giản, nguyên liệu gồm trái khổ qua tươi, hoặc khổ qua rừng; thịt xay, nấm hương, nấm mèo, bún tàu, hành ngò, gia vị… Thịt xay và các gia vị cắt nhỏ trộn đều rồi dồn vào bên trong trái khổ qua đã được lấy ruột, rửa sạch để ráo nước.
Cách người miền Tây nấu nước dùng cũng đơn giản, thanh đạm, thường sẽ dùng 50% nước dừa pha với 50% nước lọc. Sau khi đun sôi già nước dùng thì cho khổ qua đã dồn thịt vào nấu nhỏ lửa đến khi khổ qua chín mềm, sau đó nêm nếm gia vị vừa ăn. Khi ăn chấm với nước mắm ớt.
Một nồi canh khổ qua dồn thịt trên bếp của của người miền Tây. Ảnh Hồng Cẩm
Mâm cơm cúng rước ông bà ngày 30 Tết thường gồm các món: thịt kho hột vịt, canh khổ dồn thịt, hủ tiếu xào, trả chả lụa, bánh tét, dưa cải, dưa hấu…
Sau khi các món ăn đã chuẩn bị xong, gia chủ sẽ chuẩn bị hai mâm cơm, gồm một mâm cơm cúng ông bà tổ tiên và một mâm cúng đất đai nhơn trạch để đón ông bà về lại với con cháu, cầu nguyện phù hộ một năm mới bình an, hạnh phúc, đầy đủ, ấm no… Sau khi cúng xong, gia đình sẽ cùng nhau ăn bữa cơm gia đình.
Gói khổ qua rừng dồn chả cá thát lát của HTX Kỳ Như.
Nắm bắt được cầu của mỗi gia đình ngày Tết đều có nồi canh khổ qua để cúng ông bà tổ tiên nhưng vì công việc bận rộn, nhất là ở khu vực thành thị, chị Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như (xã Tầm vu, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã làm ra món khổ qua nhồi chả cá thát lát đông lạnh để cung cấp cho thị trường. Hiện, sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và được thị trường rất ưa chuộng.
Tô canh khổ qua rừng dồn chả cá thát lát tiện dụng từ sản phẩm của Hợp tác xã Kỳ Như. Ảnh: Hồng Cẩm
Theo chia sẻ của chị Kim Thùy, để chuẩn bị hàng cho dịp Tết Nguyên đán 2025, chị đã chuẩn bị 5.000 gói khổ qua dồn chả thát lát đông lạnh để cung ra thị trường, đến ngày 25 Tết đã "cháy hàng". Với giá 128.000 đồng/gói 0,5kg, khách hàng sẽ dễ dàng có nồi canh khổ qua dồn chả cá thơm ngon, nhanh chóng tiện lợi cho bữa cơm gia đình.
Nguồn: https://danviet.vn/vi-sao-mam-com-cung-ruoc-ong-ba-ngay-30-tet-o-mien-tay-luon-co-mon-canh-kho-qua-20250127180358903.htm
Bình luận (0)