Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vị Xuyên tháng 7, mùa hẹn

Tôi đến Vị Xuyên (Hà Giang) vào mùa “giỗ trận” tháng 7 đã nhiều lần nhưng cảm xúc thì... không lần nào giống lần nào. Khi đứng giữa mênh mông mộ chí của những người lính trẻ hay giữa sân Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ vùng đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, lòng thương cảm vẫn cứ rưng rưng như mới lần đầu…

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng28/07/2025

Cao điểm 468 - nơi an trú của những linh hồn bất tử

Năm nay, Vị Xuyên tháng 7 trời mưa dai dẳng và nặng hạt. Bất chấp mưa to với những cơn gió ào ạt thổi về, đồng đội và thân nhân của các liệt sĩ vẫn tỏa ra khắp khu nghĩa trang mênh mông để thăm người thân. Nghĩa trang vừa được “thay áo mới”! Công trình cải tạo nâng cấp đã được thực hiện từ năm 2016. Tháng 7 năm nay, kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, tỉnh Tuyên Quang tổ chức lễ công bố hoàn thành công trình, Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên đã được đầu tư cải tạo nhiều hạng mục.

nghia trang liet si Vị Xuyên thay áo mới.jpg

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên thay "áo mới"

Tại nơi này, hơn 40 năm trước, bất chấp sự bất tương quan lực lượng, ngày 12-7-1984, quân ta thực hiện các đợt phản kích, tái chiếm các cao điểm 772, 1509, 468, 685 mà quân Trung Quốc chiếm đóng trái phép trước đó. Cuộc chiến đấu vệ quốc tại Vị Xuyên năm ấy đã có hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Có hơn 1.700 liệt sĩ được an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, nhưng còn gần 2.000 liệt sĩ vẫn chưa thể quy tập về nghĩa trang vì nhiều lý do, địa hình hiểm trở và vũ khí nơi chiến trường cũ chưa thể tháo gỡ hết.

Đài tưởng niệm 468.jpg

Đài tưởng niệm 468 tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên

Từ đó, tháng 7 năm nào cũng là “mùa hẹn” ở Vị Xuyên. Đó là cuộc hẹn của những cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ và cả thân nhân của những liệt sĩ chưa tìm được, bởi vì tất thảy họ đều chung về một hướng: Những con người đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Hôm tôi đến, một nhóm cựu binh của Sư đoàn 356 vịn vào thành Đài hương 468, thì thầm lời thương nhớ với đồng đội đã nằm lại dưới thung sâu. Trút xong tâm sự với đồng đội cũ, Trung sĩ Lăng Văn Thắng, quê Tam Đảo, lính pháo binh của Sư 356, quay sang kể cho chúng tôi về cuộc chiến bi tráng năm xưa. "Khi nghe đồng đội từ cao điểm 685 (được mệnh danh lò vôi thế kỷ) và cao điểm 772 gọi về: “Hãy nã pháo vào tọa độ”. Nhưng, tọa độ ấy có đồng đội chúng tôi. Trong thế trận không cân sức, họ đã chọn phương án “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng, nhìn về những ngọn núi cao vợi nhòa trắng sau màn mưa, nghẹn ngào kể chuyện ngày ấy: Năm đó, chiến trường Vị Xuyên đang hồi khốc liệt. Ông được lệnh đưa một số cán bộ, chiến sĩ dạn dày kinh nghiệm của Sư đoàn 3 Sao Vàng lên chi viện. Và, khi Sư đoàn 3 Sao Vàng có lệnh rút quân về thì "đoàn chúng tôi đi đủ nhưng về thiếu", nhiều đồng đội đã để lại tuổi thanh xuân trên mảnh đất biên cương này. "Mỗi năm tôi lại về đây để thăm bạn", giọng người đại tá rung rung.

Nguyên CTN Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh viếng mộ liệt sĩ .jpg

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hầu A Lềnh viếng mộ liệt sĩ

Câu trả lời vọng dưới thung sâu

Đến Vị Xuyên trong "mùa hẹn", nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tuyên Quang Hầu A Lềnh, Thượng tướng Lê Quang Minh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Phó Chính ủy Quân khu 2… đi từng ngôi mộ, rót từng ly rượu, mồi những điếu thuốc thơm... mời các liệt sĩ về dự.

Trời mưa ngày càng nặng hạt, Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, Trưởng Công an xã Thanh Thủy nhường tôi chiếc ghế ngồi tránh mưa. Thiếu tá Thắng nói, nhân dân Hà Giang và các cựu chiến binh rất xúc động khi nhiều năm liền bà Mai Thị Hạnh, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing thực hiện nhiều chương trình thiết thực dành cho các đối tượng yếu thế nơi đây. Đặc biệt, việc đưa đón hơn 600 cựu binh, thương binh và gia đình liệt sĩ về Vị Xuyên dự tiệc “giỗ trận” hàng năm là nghĩa cử thật ấm lòng.

Thiếu tá Thắng kể về những ngày đầu xây dựng Đài hương 468. Năm 2015, có nhóm cựu chiến binh nhiều lần lên núi Nậm Ngặt (nơi bây giờ là Đài hương 468), thắp nhang “gọi bạn”, và nói với “bạn” điều họ muốn: xây một ngôi đền để có nơi an trú ấm áp cho hơn 4.000 hương linh đồng đội. “Câu trả lời” được gửi theo gió vọng lên từ thung sâu.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng .jpg

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi Đại tá Nguyễn Lư, nguyên Sư trưởng Sư đoàn 3 Sao Vàng

Năm đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đoàn cựu chiến binh ấy tại Phủ Chủ tịch và hoan nghênh ý tưởng xây ngôi đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã “sống bám đá, chết hóa đá, bất tử”. Tháng 3 -2016, ngôi đền tại cao điểm 468 xưa kia được khánh thành. Sau đó, vài doanh nghiệp có lòng đã chung tay với địa phương tu bổ, nâng cấp Đài hương 468 thành dáng hình như hiện có.

Nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ và lễ công bố hoàn thành công trình cải tạo Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên, 51 cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 12 triệu/người, trong đó có sổ tiết kiệm 10 triệu đồng; 100 cá nhân là người có công và gia đình chính sách được nhận quà và hiện kim (4 triệu đồng/người).

PHẠM THỤC

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/vi-xuyen-thang-7-mua-hen-post805696.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm